Tìm thấy di cốt người niên đại 10.000 năm ở Tam Chúc, Hà Nam

Tại quần thể danh thắng Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di cốt người thuộc nền văn hóa Hòa Bình cách đây khoảng 10.000 năm.
Sputnik
Báo Vnexpress dẫn nhận định của Viện Khảo cổ học cho biết, huyện Kim Bảng đã tồn tại nhiều di tích từ cách nay 10.000-12.000 năm. Đây từng là địa vực khá thuận lợi, được cư dân cổ chọn làm nơi cư trú.

Hà Nam phát hiện di cốt người niên đại 10.000 năm

Theo Vnexpress, sáng ngày 2/11, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam Mai Thành Chung đã đại diện nhóm nghiên cứu công bố kết quả khai quật tại hang đội 4, vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Được biết, cuộc khai quật này do Viện Khảo cổ học tiến hành vào tháng 3. Kết quả khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện 3 mộ trẻ em và người trưởng thành, trong đó có mộ cải táng và mộ song táng, chôn theo tư thế nằm co bó gối.

"Đây là lần đầu tiên phát hiện di cốt người cách ngày nay khoảng 10.000 năm ở Việt Nam", - Vnexpress dẫn lời ông Mai Thành Chung.

Tại hố khai quật, ngoài di cốt người, còn có vỏ nhuyễn thể, xương răng các loài thú nhỏ, có thể là nguồn thức ăn của cư dân cổ.
Công cụ đá ở đây không lớn, dựa vào đặc điểm loại hình và kỹ thuật cho thấy hiện vật đá thuộc văn hóa Hòa Bình.
Việt Nam phát hiện thêm 22 hài cốt liệt sĩ tại Quảng Trị

Nhiều di tích cổ của văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đông Sơn ở Hà Nam

Cũng trong đợt khai quật hồi tháng 3, Viện Khảo cổ học đã phát hiện dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất (hóa thạch động vật và mảnh gốm vặn thừng màu nâu đỏ thuộc văn hóa Đông Sơn) tại hang Thung Na 1 và 3 ở thị trấn Ba Sao.
Trên báo Dân trí thông tin, tại hang Thung Na 1 và mái đá Thung Na 3 đã phát hiện các dấu tích cổ sinh thời tiền sử và văn hóa vật chất của giai đoạn sơ sử, gồm hóa thạch động vật và những hiện vật như nhiều mảnh gốm vặn thừng, màu nâu đỏ thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Còn tại khu vực Tam Quan chùa Tam Chúc, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều vỏ nhuyễn thể biển và ốc suối chặt đít. Ở đỉnh núi, trên diện tích khoảng 60 m2, các nhà khảo cổ phát hiện thấy các mảnh miệng và mảnh thân đồ gốm nằm cùng với mảnh nhuyễn thể.
Di cốt người có niên đại khoảng 10.000 năm
Viện Khảo cổ học nhận định, huyện Kim Bảng đã tồn tại nhiều di tích cuối thế Pleistocene tới Holocene muộn (cách nay 10.000-12.000 năm). Đây từng là địa vực khá thuận lợi, được cư dân cổ chọn làm nơi cư trú.
Từ năm 2021-2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, nhận diện gần 30 di tích, dấu tích có tiềm năng nghiên cứu, đưa vào diện tổ chức thám sát, khai quật ở tỉnh Hà Nam.
Đáng chú ý, riêng tại vùng lõi danh thắng Tam Chúc, các chuyên gia đã phát hiện 11 hang động, mái đá thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn.
Được biết, văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại đồ đá mới với niên đại 12.000-10.000 trước công nguyên; còn văn hóa Đông Sơn xuất hiện vào khoảng năm 800 trước công nguyên.
Thảo luận