Việt Nam vượt qua Hàn Quốc

Đầu tháng 11 – khoảnh khắc cuối cùng của mùa thu, những bài viết, tin tức về Việt Nam trên truyền thông Nga và nước ngoài chủ yếu đề cập đến nội dung kinh tế. Liệu Việt Nam có thể trở thành Con hổ châu Á mới? Liệu Việt Nam có thể tiếp tục là ngôi sao đang lên của châu Á?
Sputnik
Liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu năm 2030 đối với công suất điện gió ngoài khơi? Các tác giả đặt những câu hỏi như vậy trong các bài phân tích và cố gắng trả lời chúng. Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những câu trả lời và nhiều hơn thế nữa trong bài tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài", lần này chủ đề chính là kinh tế.

Khi nào Việt Nam sẽ trở thành “Con hổ châu Á”?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Hoa Kỳ tính theo giá trị nhập khẩu vào năm 2022, East Asia Forum viết. Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao lớn thứ 4 sau Trung Quốc, Đài Loan và Đức, bởi vì tốc độ tăng trưởng của nước này không có đối thủ - tỷ trọng hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Việt Nam đạt 42% năm 2020, tăng so với mức 13% năm 2010. Dù vậy, sự gia tăng nhanh chóng trong xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam vẫn chưa đủ để đẩy nhanh tốc độ gia nhập nhóm các nền kinh tế “con hổ châu Á”. Có thể sẽ mất khoảng 15 năm để GDP bình quân đầu người của Việt Nam, hiện là 4.320 USD vào năm 2023, ngang bằng với GDP bình quân đầu người năm 2023 của Trung Quốc là 12.540 USD. Mặc dù xuất khẩu công nghệ cao của Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng đất nước, vẫn có sự phụ thuộc quá mức vào đổi mới của nước ngoài, với khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam do các công ty nước ngoài chi phối và nắm giữ.
Việt Nam – “con hổ kinh tế mới bắt đầu cất tiếng gầm”
Tiềm năng tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các con hổ châu Á khác sau khi đạt mức thu nhập trung bình thấp. Nhưng Việt Nam đã có vị thế đặc biệt để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới và là môi trường an toàn và thân thiện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mô hình kinh tế của Việt Nam thực sự phù hợp với tăng trưởng kinh tế theo định hướng thị trường. Việt Nam đã có được nhiều thời gian hơn trong cuộc đua trở thành con hổ châu Á tiếp theo, ấn phẩm kết luận. The Register viết về tham vọng của Việt Nam trở thành một trong số các trung tâm sản xuất chip bán dẫn mới của thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Cơ sở hạ tầng và các ưu đãi đầu tư cho ngành này đang được tạo ra. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC và ba khu công nghệ cao đã được thành lập tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Hiện nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc gần như toàn bộ nguồn cung chíp bán dẫn từ nước ngoài, chỉ có hai công ty trong nước là Viettel và FPT đang hoạt động trong lĩnh vực này. Việc phát triển, lắp ráp và thử nghiệm vi mạch chủ yếu nằm trong tay các công ty nước ngoài. Còn Asia Financial đưa tin rằng, các nhà sản xuất thiết bị chip của Hà Lan đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong khi các công ty phương Tây tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một trung tâm sản xuất. Và Công ty Besi có kế hoạch xây dựng nhà máy của mình ở Việt Nam trong vòng bốn năm nữa.

Trang trại gió, khí đốt và ô tô

Chủ đề năng lượng chiếm một vị trí lớn trong các thông tin về nền kinh tế Việt Nam. Gói tài chính 15,5 tỷ USD của Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G7) nên giúp Việt Nam ngưng sử dụng than và đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng các khoản tài trợ chỉ chiếm 2% gói tài chính, phần còn lại hầu như chỉ cho vay theo lãi suất thị trường, và Hà Nội muốn từ chối, Reuters đưa tin. Việt Nam muốn có được các khoản tài trợ và vốn vay lãi suất thấp để thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng và thực hiện kế hoạch loại bỏ các nhà máy điện đốt than tốn kém và thay thế chúng bằng các trang trại gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Chính phủ ước tính rằng, Việt Nam cần gần 135 tỷ USD đầu tư cho nguồn và lưới điện đến 2030 và nhiều hơn nữa vào giữa thế kỷ này. Fulcrum cho biết rằng, Việt Nam có một số lượng ấn tượng các bản vẽ dự án nhà máy điện gió ngoài khơi. Nhưng, do nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật và pháp lý, quốc gia này khó có thể đạt được mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi lên 6GW vào năm 2030. Những hạn chế này bao gồm sự không chắc chắn về mặt pháp lý và mạng lưới điện yếu sẽ cần thời gian và nguồn tài chính đáng kể để nâng cấp. Offshore đưa tin rằng, ban giám đốc công ty dầu khí của Mỹ Murphy Oil đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho mỏ Lạc Đà Vàng (Bể Cửu Long). Công ty dự kiến sẽ đạt được dòng dầu đầu tiên vào năm 2026 và quá trình phát triển sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn đến năm 2029. Murphy Oil dự kiến sẽ thu được 100 triệu thùng dầu tương đương trong suốt thời gian hoạt động của dự án. Neftegaz đưa tin về Chuỗi Dự án Khí-Điện Lô B-Ô Môn là tổ hợp các dự án quy mô lớn bao gồm phát triển mỏ khí, xây dựng đường ống dẫn khí và 4 nhà máy điện khí tại tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ. Dự án trị giá 12 tỷ USD đang được triển khai với sự tham gia của các nhà đầu tư Nhật Bản và Thái Lan. Just Auto phân tích sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam dựa trên dữ liệu về thị trường ô tô. Từ năm 2012 đến năm 2022, doanh số bán ô tô của Việt Nam tăng 18%, vượt xa Trung Quốc (3,4%), Ấn Độ (3%) và các nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam là một ngôi sao đang lên ở châu Á. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam năm nay lại sụt giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh số bán ô tô giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì sao các ông lớn sản xuất ô tô Trung Quốc đua nhau sang Việt Nam?
Yếu tố chính đằng sau kết quả kinh doanh kém cỏi là sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sau khi thị trường bất động sản từng bùng nổ đã sụp đổ do các biện pháp của chính phủ hạn chế tín dụng và đấu tranh chống tham nhũng. Hàng trăm vụ phá sản của các doanh nghiệp xây dựng và việc đình chỉ các dự án bất động sản chưa hoàn thành là đủ để làm suy yếu niềm tin vào nền kinh tế và làm giảm doanh số bán ô tô mới. Về lâu dài, chắc chắn nền kinh tế, giống như thị trường ô tô, sẽ gặp bất ổn. Các chuyên gia cho rằng, với một nước mà GDP bình quân đầu người bắt đầu vượt ngưỡng 3.000 USD/năm như Việt Nam hiện nay, thì quá trình ô tô hóa bắt đầu diễn ra mạnh mẽ. Và Chính phủ đặt mục tiêu thu nhập người dân sẽ đạt 6.750 USD vào năm 2030. Do đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ vẫn là thị trường ô tô tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong mấy thập kỷ tới. Forbes viết rằng, VietJet đã nhận 100 triệu USD vốn từ quỹ đầu tư và đang mở rộng mạng bay quốc tế, mở các đường bay quốc tế mới, đặc biệt tới Australia, cũng như Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan. Vietjet đã ký kết thỏa thuận với Boeing về kế hoạch giao 200 tàu bay 737 MAX trị giá 25 tỷ USD trong 5 năm tới. Fedex đưa tin rằng, một trong những công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới FedEx Express vừa khánh thành đường bay mới nhằm nâng cấp dịch vụ chuyển phát liên lục địa giữa Việt Nam và các thị trường châu Á, Trung Đông, Châu Phi (AMEA) và châu Âu, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa. Còn Interfax viết rằng, Việt Nam chuẩn bị xây cảng cạn tại vùng Primorye của Nga để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu cũng như tối ưu hóa kết nối logistics giữa Việt Nam và Nga. Global Construction Review đưa tin, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án 22 người với mức án lên tới sáu năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km.

Đến Việt Nam - với tiếng Nga

Khép lại mục điểm báo là câu chuyện về chuyến đi Việt Nam của những người tham gia chương trình giáo dục “Các đại sứ tiếng Nga trên thế giới” được đăng trên trang web của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga. Trong chuyến đi kéo dài đến ngày 2/12, các tình nguyện viên sẽ tổ chức các lớp học về ngôn ngữ và văn hóa Nga cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Các lớp học sẽ được tổ chức dưới hình thức các trò chơi, các hoạt động tương tác, và các nhiệm vụ sáng tạo, chẳng hạn như trang trí cho những con búp bê Matryoshka.
Nga và Việt Nam: từ chuyến thăm của vị tổng thống tới cuộc thi Olympic tiếng Nga
Chương trình được phát triển bởi các nhà phương pháp học của Viện Ngôn ngữ Nga Pushkin có tính đến các cấp độ thông thạo ngôn ngữ khác nhau và nhằm mục đích phát triển sự quan tâm đến văn hóa Nga. Các tình nguyện viên sẽ tiến hành các bài học tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu ở thành phố Vinh, Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên và Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh ở Nam Định. Dự án được Viện Ngôn ngữ Nga Pushkin triển khai từ năm 2015 với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga. Trong thời gian này, hơn 48,5 nghìn học sinh, sinh viên Nga và nước ngoài đã tham gia dự án này.
Thảo luận