Cổng thông tin Quốc hội dẫn phần trả lời chất vấn của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là việc rất khó, chưa có tiền lệ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ còn hạn chế.
ĐB Phạm Văn Hoà: Liệu có xảy ra vụ nào như SCB nữa không?
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mở đầu phần trả lời chất vấn trong phiên chiều ngày 6/11.
Trong phiên sáng, đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nhiều đại biểu đề cập việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt tiến độ.
Trong đó, theo cổng thông tin Quốc hội tường thuật trực tiếp phiên họp cho biết, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ, bà con cử tri nhắn tin cho ông đặt vấn đề về tình hình các ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước, đặc biệt là ngân hàng hiện đang được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như SCB.
"Xin Thống đốc cho biết liệu có khả năng sắp tới xảy ra những vụ giống như SCB thời gian qua nữa hay không, để cho khách hàng có tiền gửi họ yên tâm, họ đảm bảo được không xảy ra vụ như SCB để đảm bảo tình hình an ninh chính trị của chúng ta cho tốt", - đại biểu Hòa chất vấn.
Ông Hoà cũng cho rằng, hiện 4 - 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt theo ông là "hết sức nguy hiểm", theo tường thuật trực tiếp phiên họp sáng 6/11/2023 của cổng thông tin Quốc hội và VNEWS, truyền hình thông tấn Việt Nam.
Cũng đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ĐBQH Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang bày tỏ, thực hiện Nghị quyết 42, đến nay việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu, kém chưa đạt tiến độ đề ra.
Theo cổng thông tin Quốc hội Việt Nam, vị đại biểu đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ việc xử lý các tổ chức tín dụng, qua đó đảm bảo an toàn hệ thống?
Thống đốc: Xử lý ngân hàng yếu kém là việc rất khó
Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém "thực sự là một việc rất khó".
"Trong điều kiện bình thường đã khó rồi, trong bối cảnh kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19, cũng như biến động kinh tế thế giới thời gian qua, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém này lại càng khó hơn", - Quốc hội tường thuật trực tiếp phiên họp chiều 6/11 thể hiện.
Trả lời các đại biểu và Quốc hội, Thống đốc nêu nhiều khó khăn. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là đề án “khó, phức tạp và chưa có tiền lệ, trong khi cán bộ tham gia chưa có kinh nghiệm”. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu rõ trong báo cáo.
Đồng thời, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia đề án cũng khó khăn. Ngoài ra, về nguồn lực để thực hiện, bà Hồng cho biết cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan, có sự đồng thuận, thống nhất.
"Tuy nhiên là đối với các ngân hàng này chúng tôi đã qua quá trình xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về chủ trương và đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch, trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng đề án, xin trân trọng cảm ơn các ĐBQH, cảm ơn Quốc hội", - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời.
NHNN nỗ lực xử lý các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc
Báo SGGP dẫn báo cáo tổng hợp các vấn đề tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa có sự chuyển biến theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội, được Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi đến ĐBQH nêu rõ, trong lĩnh vực ngân hàng hiện tồn tại 3 vấn đề.
Đó là việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém.
Thực tế, từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc với giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây dựng (Việt Nam CB, sau đổi thành CBBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank), nhằm tái cơ cấu, đảm bảo sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tiến độ tái cơ cấu những ngân hàng này rất chậm.
Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (CGBB), đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để CGBB, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương CGBB là DongABank.
Từ tháng 10/2022, sau khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý những vấn đề tương tự. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn. Cụ thể là nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cảnh báo một số ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.
Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.
Đối với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân; không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.
Tại Việt Nam, việc kiểm soát đặc biệt ngân hàng là biện pháp nghiệp vụ cần thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, tránh các trường hợp rút tiền hàng loạt hay đổ vỡ như nhiều ngân hàng tại Mỹ hay trên thế giới.
Trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều tổ chức tín dụng, nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh, đảm bảo an toàn hệ thống nhờ sự linh hoạt và chủ động của Ngân hàng Nhà nước.