Ngày 30/01/1950, Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hịên nay, Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục phát triển mối quan hệ song phương.
Những cột mốc quan trọng trong lịch sử
Qúa trình hiểu biết lẫn nhau của người Nga và người Việt Nam đã kéo dài gần ba thế kỷ trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Nếu người Việt Nam lần đầu tiên biết đến sự tồn tại của nước Nga vào cuối thế kỷ 18 từ các tác phẩm của nhà bác học Lê Quý Đôn và chi tiết hơn từ "Sách sổ sang chép các việc" năm 1822 của linh mục Thanh Lãng Philipphê Bỉnh, thì ở Nga, Việt Nam được biết đến sớm hơn nhiều. Bảo tàng Điện Kremlin ở Matxcơva lưu giữ một quả địa cầu thuộc về cha của Hoàng đế Peter Đại đế, Sa hoàng Alexei. Ông trị vì vào giửa thế kỷ 17. Trên quả địa cầu này ghi rõ Vương quốc An Nam và lãnh thổ của nó được chỉ định khá chính xác. Và kể từ giữa thế kỷ 18, trên báo chí Nga ngày càng thường xuyên xuất hiện những thông tin về Việt Nam.
Ban đầu đó là những tác giả nước ngoài, và sau đó - những người Nga đến thăm đất Việt. Trong số đó có các nhà khoa học, nhà văn và thủy thủ. Trong loạt bài "Những trang sử vàng" Sputnik đã kể về bá tước Vyazemsky, người đến thăm Huế năm 1892, ông đã trở thành người Nga đầu tiên được nhận phần thưởng của nhà nước Việt Nam - ông được vua Thành Thái tặng huy chương.
Vào năm 1891, Sa Hoàng thừa kế ngôi vua Nikolai Romanov đã đến thăm Sài Gòn, người mà 3 năm sau trở thành Nga hoàng Nikolai II - là vị Hoàng đế cuối cùng của nước Nga, bị lật đổ năm 1917. Vào năm 1905, đội tàu lớn thuộc hạm đội Nga đã neo đậu trong vịnh Cam Ranh trong thời gian hơn một tháng. Trong thành phần hải đội có tàu tuần dương Rạng Đông (Aurora). Sau đó, vào năm 1917, phát súng từ chiến hạm Rạng Động nã vào cung điện Mùa Đông ở Petrograd đã mở đầu cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga. Nhân tiện, chính khi đó các thủy thủ Nga là những người đầu tiên ghi nhận triển vọng tuyệt vời của Cam Ranh làm căn cứ cho tàu chiến.
Sau Cách mạng Tháng Mười, người Nga đến Việt Nam ít thường xuyên hơn. Nhưng, kể từ mùa hè năm 1923, sau khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga Xô viết, ngày càng có nhiều người Việt đến Liên Xô. Khoảng 60 người Việt đã được đào tạo trong các cơ sở giáo dục của Quốc tế Cộng sản. Trong số đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Khánh Toàn. Tuy nhiên, trước Thế chiến thứ hai, mối liên hệ của Matxcơva với các nhà cách mạng Việt Nam đã bị cắt đứt.
Năm 1938, các cơ sở đào tạo của Quốc tế Cộng sản bị giải thể và hầu như tất cả các học viên Việt Nam, kể cả Nguyễn Ái Quốc, đã rời Liên Xô. Chỉ có bảy người Việt Nam ở lại Matxcơva, họ đã đến Liên Xô một thập kỷ trước đó qua một đường khác.
Cùng với các binh sĩ Hồng quân và người Matxcơva, những người Việt này đã bảo vệ thủ đô khỏi quân phát xít vào mùa đông năm 1941-42. Vào những năm 1942-43, lãnh đạo Liên Xô đã phái một trong những người Việt tham gia bảo vệ Matxcơva – đồng chí Vương Thúc Tình - về quê hương với nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào cách mạng trong nước. Nhưng trên đường về quê hương, khi đang ở lãnh thổ Trung Quốc, Vương Thúc Tình đã bị lính Tưởng Giới Thạch bắt giữ và bắn chết.
Mátxcơva biết Nguyễn Ái Quốc, nhưng chưa biết Hồ Chí Minh
Vì vậy, khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra ở Việt Nam, giới lãnh đạo Liên Xô thậm chí không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là cựu thành viên Quốc tế Cộng sản Matxcơva Nguyễn Ái Quốc. Khi đó ngay cả Hoàng đế Bảo Đại cũng không biết đây chính là cùng một người. Cụ thể, đó là chữ ký của Hồ Chí Minh dưới bức thư gửi Stalin vào tháng 9 năm 1945 báo tin rằng quyền lực ở Việt Nam đã được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam DCCH. Tuy nhiên, Matxcơva không trả lời bức thư đó.
Quả thực, lãnh đạo các cường quốc khác mà Hồ Chí Minh cũng gửi bước thư với nội dung tương tự, cũng không trả lời. Các đồng minh cũ trong liên minh chống Hitler đang rơi vào tình trạng Chiến tranh Lạnh và chủ yếu quan tâm đến các vấn đề ở quy mô toàn cầu. Và chẳng bao lâu sau, Mátxcơva rất ngạc nhiên khi biết Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán. Tất cả điều này đã thúc đẩy giới lãnh đạo Liên Xô thiết lập các kênh liên lạc để thu thập thông tin về những gì đang xảy ra ở Việt Nam.
Phản ứng của Mátxcơva trước bức thư thứ hai của Hồ Chí Minh gửi Stalin
Cuối tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh gửi bức điện thứ hai cho ông Stalin, trong đó Người phân tích tình hình đất nước và lưu ý rằng, nhân dân Việt Nam quyết tâm đấu tranh chống ngoại xâm. Sau khi nhận được bức thư này, Liên Xô yêu cầu quân đội Anh và Tưởng Giới Thạch đã vào lãnh thổ Việt Nam để giải giáp quân Nhật không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước Cộng hòa non trẻ. Và các đại diện Liên Xô tại tất cả các hội nghị quốc tế đã nhất tề lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Khi chính phủ Bảo Đại được thành lập ở Sài Gòn theo sáng kiến của Pháp, phía Liên Xô lưu ý: Liên Xô không thể công nhận sự tồn tại của Chính phủ này. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Liên Xô đã ngăn cản nỗ lực của các cường quốc phương Tây nhằm đưa Nhà nước bù nhìn Việt Nam vào Liên hợp quốc. Matxcơva đã yêu cầu công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam, cũng như kết nạp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Liên hợp quốc.
Những cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa các nhà ngoại giao Liên Xô và Việt Nam DCCH
Mùa thu năm 1947, tại Thụy Sĩ đã có cuộc gặp giữa đặc phái viên Liên Xô tại nước này và người thân tín của Hồ Chí Minh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phía Việt Nam đã yêu cầu hỗ trợ tài chính, đồng thời chuyển bức thư của Hồ Chí Minh tới Stalin trong đó yêu cầu Liên Xô vận động để Liên hợp quốc tham gia giải quyết xung đột Pháp-Việt.
Cuộc trao đổi ý kiến giữa hai nước có tính chất ổn định hơn sau khi Liên Xô mở cơ quan đại diện chính thức tại Thái Lan vào năm 1948. Chẳng bao lâu sau khi khai trương Sứ quán Liên Xô ở Bangkok, người phụ trách cơ quan thông tin Việt Nam tại Thái Lan từ năm 1947 là ông Nguyễn Đức Quý và một cán bộ thuộc cơ quan này tên là Lại Vĩnh Lợi (Lê Hy) đã đến thăm phái đoàn ngoại giao Liên Xô. Sau đó, được sự hỗ trợ của cơ quan ngoại giao Liên Xô, Lê Hy tới Matxcơva.
Tại đây, ông "thay mặt cho những người cộng sản Việt Nam" trò chuyện một cách không chính thức với các nhà ngoại giao cấp trung của Liên Xô về việc hỗ trợ quân sự và tài chính cho nước Việt Nam DCCH. Một chi tiết thú vị: năm 1948, một cuốn sách nhỏ về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dịch từ tiếng Pháp đã ra mắt độc giả Liên Xô. Lời tựa được viết bởi Lê Hy. Trong những lần tiếp xúc với ông, các đại diện Liên Xô đã cố gắng tìm hiểu hệ tư tưởng cộng sản của giới lãnh đạo Việt Nam DCCH sâu sắc đến mức nào. Còn mục tiêu của phía Việt Nam là nhận được sự hỗ trợ về quân sự và tài chính từ Liên Xô.
Các đại diện của Liên Xô liên tục làm rõ rằng chỉ khi có chuyến đi tới Matxcơva của một trong những lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam DCCH thì mới có thể bắt đầu cuộc đàm phán nghiêm túc. Đó là một nhiệm vụ rất phức tạp và đầy trách nhiệm và đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm nhận hoàn thành.
Trong bài mạn đàm tiếp theo của loạt bài "Những trang sử vàng", Sputnik sẽ tiếp tục trò chuyện về đề tài đó.