Việt Nam phủ sóng 4G cao hơn cả các nước thu nhập cao

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số, tức là còn cao hơn ở các nước thu nhập cao, trung bình chỉ 99,4%.
Sputnik
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương quản lý gì trong thế giới thực thì cũng phải thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng, không nên nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin Truyền thông.

Quản lý thế giới thực thì phải quản lý cả trên không gian mạng

Theo cổng thông tin Quốc hội, chiều 7/11, Quốc hội đã tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về nội dung liên quan tới các vấn đề thuộc nhóm văn hóa - xã hội.
Tại phiên làm việc, đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) cho rằng, thời gian qua, có nhiều trường hợp sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook*, Tiktok, Youtube hoặc các website có máy chủ ở nước ngoài để quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định, nội dung quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận.
Theo ông, việc quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của VTV, bệnh viện, Bộ Y tế; có ý kiến phản hồi của người bệnh, người nổi tiếng... diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ít thông tin.
Từ đó, đại biểu Giót đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, lâu dài theo tinh thần của Nghị quyết số 75 năm 2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trả lời câu hỏi đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các quảng cáo này có trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Thời gian qua, Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này để gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật. Cùng với đó, thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.
Theo Bộ trưởng, tỷ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội hiện nay là rất nghiêm. Tuy nhiên, vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong thế giới thực, cũng phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý trên không gian mạng. Nếu việc thực thi gặp khó khăn thì Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an sẽ hỗ trợ.

"Mặt khác, các bộ ngành lên không gian mạng chưa nhiều, và nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin Truyền thông, đây là quan niệm cần được thay đổi", - báo Lao động dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Lộ trình Việt Nam tắt sóng 2G, thương mại hoá 5G và nghiên cứu phát triển 6G

Xử lý vấn đề xâm hại đời tư trên không gian mạng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) về vấn đề bảo vệ người dùng trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72, dự kiến được Chính phủ ban hành cuối năm nay. Đây là nghị định căn bản để quản lý mạng xã hội, gồm cả việc xử lý nạn xâm hại đời tư.
Tư lệnh ngành Thông tin Truyền thông cho rằng, sau khi có thể chế, cần có thiết chế để hỗ trợ người dân. Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh nhằm hỗ trợ người dân.
Ngoài ra, Bộ Thông tin Truyền thông cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để răn đe.
"Ví dụ, vừa rồi, chúng ta cũng thấy vụ xử lý bà Phương Hằng. Những vụ việc được xử lý nghiêm minh, xử lý hình sự như thế này mang tính răn đe cao", - ông Hùng dẫn chứng.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông cũng nhận định, cần có phương án, giải pháp xây dựng văn hóa số, đưa vào chương trình giáo dục thông tin, lồng ghép vào các giờ học về công nghệ thông tin…

Việt Nam phủ sóng 4G cao hơn cả các nước thu nhập cao

Trả lời chất vấn của đại biểu về tiến độ phủ sóng 4G, 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, việc triển khai phủ sóng hiện nay có thuận lợi là triển khai trên hạ tầng của sóng 2G, 3G. Do đó, tiến độ triển khai phủ sóng sẽ nhanh hơn.
Viettel chuẩn bị phát sóng diện rộng 5G, VNPT và Mobifone thì sao?
Theo ông Hùng, từ năm 2021, khi dịch Covid-19 xuất hiện, Thủ tướng đã đề ra chương trình Sóng và máy tính cho em. Bộ Thông tin Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng, Sở Thông tin Truyền thông rà soát từng vùng trên cả nước, cả những nơi chỉ có vài chục nóc nhà để tiến hành phủ sóng ở những vùng lõm sóng.

"Tính đến lúc này, đã có 2.100 vùng lõm sóng được phủ sóng. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% dân số", - cổng điện tử Quốc hội cho biết.

Con số này thậm chí còn cao hơn ở các nước thu nhập cao, khi chỉ đạt trung bình 99,4%. Năm 2023, các địa phương phát hiện thêm và xác định còn 420 điểm lõm sóng để phủ tiếp.
"Chúng tôi đã đưa số này vào kế hoạch và sử dụng quỹ viễn thông công ích để hoàn thành trước tháng 6/2024", - Vnexpress dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Về sóng 5G, Bộ trưởng cho biết dự kiến đến cuối năm nay sẽ tiến hành đấu giá, sau đó các nhà mạng sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc.
"Năm 2030 sẽ đạt mục tiêu phủ sóng mạng 5G, tôi nghĩ có thể nhanh hơn", - Bộ trưởng nói.
Về vấn đề đăng ký thuê bao ở vùng không thuận lợi, ông Hùng cho hay Bộ Thông tin Truyền thông đang nghiên cứu đăng ký thuê bao bằng hình thức trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chính xác, không xuất hiện sim rác.
*Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm hoạt động ở Nga vì cực đoan
Thảo luận