Trong đó nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp là cần thiết, giúp chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược.
Ứng phó thắng lợi trong mọi tình huống
Chiều 8/11, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, nhất là xung đột Nga – Ukraina đang diễn ra, dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, việc thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh tổ quốc.
Bộ trưởng Phan Văn Giang lưu ý, việc xây dựng dự án luật nhằm hoàn thiện các các chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp trước mắt cũng như lâu dài, bao gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.
Có cơ chế phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thông tin, Ban soạn thảo tập trung vào các nội dung như nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp phát của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, cơ sở động viên công nghiệp.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh quy định: Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và được cơ cấu thành khoản mục riêng trong tổng số vốn ngân sách Trung ương được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trung hạn, hàng năm; đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phân bổ và giải ngân; Thủ tướng quyết định việc sử dụng nguồn vốn chuyên biệt phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bổ sung cho các chương trình, đề án, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, dự thảo Luật cũng quy định cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Phát biểu trước đó, Đại tướng Phan Văn Giang cũng nhất quán nêu, dự thảo luật bảo đảm tính kế thừa, phát triển những quy định của pháp luật hiện hành về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp, đồng thời, bổ sung những vấn đề mới để giải quyết các nội dung về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đặt ra trong giai đoạn hiện nay cũng như các năm tới.
"Bảo đảm gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh; không đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp quốc phòng làm được và đã làm thì công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Đồng thời, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm của một số nước phù hợp với điều kiện và thực tiễn Việt Nam về tổ chức, hoạt động của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", - Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định.
Huy động các nguồn hợp pháp phát triển công nghiệp quốc phòng
Trình bày báo cáo thẩm tra, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp Quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, khắc phục được những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, 20 năm thực hiện Pháp lệnh động viên công nghiệp và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển bền vững đất nước.
Cơ quan thẩm tra cũng nêu việc phân loại các chế độ, chính sách trong dự thảo Luật theo từng đối tượng, nhóm đối tượng là hợp lý. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các chế độ, chính sách còn tản mạn, thiếu tính khái quát.
Về chế độ, chính sách với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể, minh bạch hơn về chế độ và chính sách đối với các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo thống nhất với Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, đảm bảo tính khả thi.
Về đảm bảo nguồn lực quốc phòng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật quy định nguồn lực tài chính cho phát triển công nghiệp an ninh quốc phòng bảo đảm và trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì việc huy động các nguồn hợp pháp khác như từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là phù hợp.
Đây sẽ là nền tảng vật chất quan trọng để bảo đảm cho công nghiệp an ninh quốc phòng.
Tuy vậy, Chính phủ dự kiến sẽ không quy định về nguồn vốn chuyên biệt mà thay bằng nguồn vốn hợp pháp khác.
Trung tướng Lê Tấn Tới đánh giá, đây là vấn đề mới, việc triển khai phải gắn với chế độ bảo mật, do đó, ông đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để phù hợp với thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội đề nghị rà soát lại quy định trách nhiệm của các Bộ sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một số bộ có tính chất đặc thù về công nghiệp quốc phòng, đồng thời, đề nghị nghiên cứu hình thành mô hình quản lý nhà nước để điều phối hoạt động công nghiệp quốc phòng an ninh, thúc đẩy sự gắn kết giữa cơ quan quốc phòng an ninh với công nghiệp quốc gia.
Dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp có bố cục gồm 07 chương và 73 điều.