Xe điện tăng trưởng mạnh và “áp lực” của hãng xe điện Việt Nam VinFast

HÀ NỘI (Sputnik) – Tại Việt Nam hiện chỉ có một nhà máy sản xuất pin lithium-ion sử dụng cho xe điện mà chưa có nhà máy tái chế loại pin này. Với xu hướng sử dụng xe điện tăng mạnh như hiện nay, việc quản lý pin sau vòng đời của xe điện đang là “áp lực” với Chính phủ, nhà sản xuất xe điện của nước này.
Sputnik

Việt Nam cần tiêu chuẩn cụ thể cho tái chế pin

Với xu hướng dịch chuyển sang xe điện trên toàn thế giới, Việt Nam không phải ngoại lệ. Theo thống kê vào cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 2 triệu xe máy điện và hơn 11 nghìn ô tô điện. Dự kiến trong khoảng một thập kỷ tới, đây sẽ là thách thức cho Chính phủ cũng như các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam về việc quản lý pin sau vòng đời của xe điện.
Thực tế, Việt Nam hiện chỉ có tiêu chuẩn cho việc sản xuất pin và ắc quy cho xe điện, trong khi tiêu chuẩn cho việc tái chế và tái sử dụng vẫn chưa được thực hiện. Trao đổi với Sputnik, ĐBQH khóa XIII PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng nhìn nhận, phát triển xe điện để bảo vệ môi trường là chủ trương đúng đắn. Nhưng cũng cần xem xét thấu đáo chu kỳ sản xuất và khai thác, từ việc thay đổi thiết kế và sản xuất pin lithium-ion từ khai thác khoáng sản để sản xuất đến tận dụng và tái chế pin vòng đời cuối.

“Đây là một nội dung rất mới ở Việt Nam. Cũng vì mới nên đòi hỏi cơ quan quản lý như Bộ TN&MT, Bộ KH&CN có trách nhiệm đưa ra các điều luật cụ thể, xây dựng các tiêu chuẩn để tái chế, tái sử dụng pin. Từ đó, để các nhà sản xuất ko lúng túng và sẵn sàng có thể tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này và triển khai các công nghệ tiên tiến, phù hợp để xử lý vòng đời sau cùng của pin”, bà An bày tỏ.

Nói cách khác, cần một lộ trình với những chính sách khuyến khích cho các nhà sản xuất cũng như cho người sử dụng, như giải quyết phương tiện cũ ra sao; pin thải loại sẽ được xử lý, tái chế thế nào...
PGS.TS Bùi Thị An cũng nêu thêm quan điểm rằng, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan,…là cần thiết. Tuy nhiên, khi ứng dụng tại Việt Nam cần có sự chọn lọc sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của đất nước. Bởi mỗi quốc gia có quy trình riêng và mang lại những hiệu quả khác nhau.

VinFast đang tái chế pin thế nào?

Vấn đề bảo vệ môi trường đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ và nhà sản xuất xe điện tại Việt Nam. Mỗi cục pin ô tô điện thường nặng tới 500 kg và chiếm tới 50% giá trị của một chiếc xe điện. Vì pin ô tô điện thường mất khoảng 30% công suất và cần được thay thế sau một chu kỳ vòng đời của pin (khoảng 10-15 năm). Việc tái chế các bộ pin lithium-ion để thu hồi các kim loại có giá trị là vô cùng quan trọng đối với chuỗi cung ứng. Đây cũng là câu chuyện mà VinES, đơn vị sản xuất pin cho xe điện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, đang tính toán.
Nhà máy sản xuất pin xe điện của VinFast
Hiện nay, phần lớn vật liệu trong pin ô tô điện là niken, một nguồn tài nguyên hóa thạch tương tự như dầu mỏ hay than đá, có nguy cơ bị cạn kiệt và khai thác quá mức sẽ gây hại cho môi trường. Các nhà sản xuất ô tô thường lấy lại pin cũ, chẳng hạn như thông qua hợp đồng cho thuê với khách hàng hoặc bằng cách giữ lại pin đã được nâng cấp.
Qua trao đổi được biết, trước mắt hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có 2 phương án tái sử dụng pin xe điện. Để đảm bảo khách hàng không thải bỏ pin bừa bãi ra môi trường, công ty đã có sẵn giải pháp tái chế pin cũ kể từ năm thứ 11 trở đi. Còn trong 10 năm đầu nếu pin hỏng hóc hoặc phát sinh lỗi, doanh nghiệp này sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, thay thế cho người sử dụng.
Chủ tịch Vượng ưu ái VinFast
Trong trường hợp chai pin (khả năng tiếp nhận sạc của pin giảm xuống dưới 70%), VinFast sẽ thu lại và pin này sẽ được sử dụng làm thiết bị lưu trữ năng lượng cho đến khi hết vòng đời sẽ được tái chế.
Thế giới hiện nay đã có hơn 50 công ty lớn trên khắp thế giới tham gia vào việc tái chế pin ô tô điện với quy mô khác nhau. Tại Việt Nam hiện chỉ có một nhà máy sản xuất pin lithium-ion sử dụng cho xe điện, mà chưa có nhà máy tái chế loại pin này.

“Đối với Việt Nam, công nghệ vẫn là một trở ngại. Vấn đề đặt ra ở đây là Việt Nam cần cải thiện các công nghệ và phương pháp phân loại để phân tách vật liệu điện cực, cũng như đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất thống nhất, giúp tái chế pin hiệu quả và tránh gây hại cho môi trường”, PGS.TS Bùi Thị An nêu rõ.

Trong khi đó, như VinFast công bố, hợp đồng ký kết giữa công ty VinES và đối tác Li-Cycle sẽ bắt đầu từ năm 2024. Li-Cycle sẽ trở thành đối tác tái chế chiến lược cho các vật liệu pin do VinES sản xuất tại Việt Nam.
“Đơn vị này sẽ đánh giá khả năng xây dựng một nhà máy tái chế pin chuyên dụng (Spoke) nằm gần nhà máy sản xuất pin của VinES tại Hà Tĩnh, Việt Nam. Quyết định đầu tư liên quan đến nhà máy dự kiến sẽ được đưa ra vào năm 2025”, đại diện VinFast thông tin tới Sputnik.
Như vậy, trước mốc thời gian trên, pin xe điện VinFast sẽ được tái chế ở Bắc Mỹ theo hợp đồng dài hạn với đối tác Li-Cycle.
Nói thêm về quy trình tái chế pin của công ty đối tác của VinES, theo tìm hiểu của Sputnik, doanh nghiệp tái chế này không nung chảy pin. Thay vào đó, tách riêng các thành phần của pin thành 3 loại, được gọi là "giải pháp dựa vào nước".
Lãnh đạo Sơn Hà: VinES của Vingroup không thua Tesla, người Việt Nam phải yêu nước
Ở cuối quy trình có 3 túi chứa các thành phần này, bao gồm nhôm và đồng, nhựa và "black mass" (chất còn lại sau quá trình tái chế pin). Black mass, bao gồm lithium, nickel và cobalt, sẽ được chuyển đến một nhà máy khác để tiếp tục xử lý. Từ đây, có thể sản xuất pin lithium-ion mới với những thành phần đã được tái sử dụng. Công ty tuyên bố công nghệ của hãng có thể tái chế tới 95% thành phần của pin, có thể xử lý 18.000 tấn pin lithium-ion mỗi năm.

Cơ hội cho các nhà đầu tư thị trường tái chế pin xe điện

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang chuyển hướng từ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, tái chế than chì cũng như nhiều các thành phần khác trong pin đang dần trở thành một trọng tâm lớn.
Những năm gần đây, hàng trăm triệu USD đã được đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và trung tâm nghiên cứu nhằm tìm ra cách tách chiết các viên pin đã hỏng và chiết xuất các kim loại có giá trị ở quy mô lớn.
“Chắc chắn tái chế pin xe điện sẽ là thị trường tiềm năng. Rủi ro luôn đi kèm cơ hội cho những ai biết nắm bắt thời cơ”, bà An nhận định với Sputnik.
Tương lai sẽ khai mở với những nhà tái chế chuyên nghiệp, khi số lượng pin xe điện thải được thu gom và tái chế đạt mức đáng kể trong khoảng thời gian từ 15-20 năm tới. Sẽ là cơ hội cho những cá nhân hoặc tổ chức sẵn sàng đầu tư vào công nghệ từ thời điểm hiện tại.
Thảo luận