Khối lượng vận tải đường sắt có xu hướng giảm
Trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 container được vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam sang Nga. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn, năm 2022, khối lượng vận tải bằng đường sắt từ Việt Nam sang Nga giảm xuống còn 1015 container, và trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng lưu lượng 2 chiều bằng đường sắt chỉ còn 555 container.
Giá cước vận tải đường sắt hiện cũng cao hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển: khoảng 7.000 USD/container từ Việt Nam tới Nga với khoảng 5.000 USD bằng đường biển cho cùng chiều vận chuyển.
Do sự cạnh tranh của các tuyến vận tải đường biển cũng như hạ tầng cơ sở đường sắt vẫn còn hạn chế của nước ta, hiện khối lượng vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga ở mức thấp.
Bên cạnh đó, Đại sứ Đăng Minh Khôi tại Hội thảo “Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc-Nga” đánh giá những khó khăn vướng mắc hiện nay chủ yếu mang tính kỹ thuật và có thể giải quyết thông qua một cơ chế hợp tác ba bên. Do đó các bên cần chung tay phát triển tuyến liên vận này trở thành tuyến đường thay thế các tuyến vận tải đường biển từng bị tắc nghẽn.
“Việc thiếu thông tin về nhau là một trong những trở ngại trong triển khai các dự án hợp tác. Doanh nghiệp vận tải chưa có lượng hàng hóa đủ lớn để tổ chức những chuyến tàu conteiner chạy suốt; chưa đủ luồng hàng để tận dụng đường 2 chiều. Vấn đề thanh toán giữa Nga và Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến nay có những khó khăn nhất định do tình hình thế giới có nhiều biến động”, Ông Nguyễn Huy Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam thẳng thắn chỉ ra hạn chế.
Ba bên cùng tháo gỡ
Năm 2022, lượng vận tải đường sắt Trung - Việt đạt 1,33 triệu tấn. Đường sắt vận chuyển hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu thông qua cửa khẩu Đồng Đăng, qua thành phố Bằng Tường và các trạm trung chuyển của Trung Quốc để đến châu Âu:
“Hai cửa khẩu này hiện vẫn đang áp dụng hình thức nhập dữ liệu thủ công truyền thống. Vì vậy cần nâng cấp, cải tạo hiện đại hóa cách thức không thông quan, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa và hiệu quả thông quan. Năm 2022 tuy kim ngạch thương mại Trung- Việt đạt 234,92 tỉ USD nhưng năng lực vận tải đường sắt giữa 2 bên vẫn cần được nâng cao”, ông Trần Hồng Minh, Tổng Giám đốc phụ trách nghiệp vụ hải ngoại của Cục 16, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc thông tin.
Người đứng đầu Bộ phận phát triển kinh doanh tại Việt Nam của công ty cổ phần “Hậu cần Đường sắt Nga”, ông Roman Andropov nói với TTXVN rằng, tập đoàn “Đường sắt Nga” (RZD) vẫn nỗ lực tối đa để duy trì và tăng cường khối lượng vận chuyển bằng đường sắt. Theo ông, cả ba nước cần hợp tác chặt chẽ hơn để nêu bật và tận dụng các ưu thế về thời gian vận chuyển và mức độ an toàn của phương thức vận tải này.
Nga đang đẩy mạnh hợp tác với các nước Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Phía Trung Quốc có sáng kiến Vành đai - Con đường, trong đó có kết nối Trung Quốc với các nước châu Á và châu Âu, trọng điểm là Liên bang Nga.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 174 tỷ USD năm 2022, trong khi đó Liên bang Nga là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Á - Âu với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 7,2 tỷ USD (năm 2022 có sụt giảm do tình hình thế giới diễn biễn phức tạp). Đạt được kết quả này, có đóng góp của lĩnh vực vận tải - logistics.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động, thực hiện việc tăng cường kết nối đường sắt Việt Nam Trung Quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Việt Nam - Trung Quốc. Đây là định hướng quan trọng nhằm kết nối giao thương Việt Nam với Liên bang Nga và các nước Trung Á.
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, việc đa dạng hóa các phương thức vận tải logistics là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam và Nga vượt qua khó khăn, tăng xuất khẩu sang thị trường của nhau. Một trong các giải pháp là sử dụng hiệu quả hơn tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc - Nga trong vận tải hàng hóa, nhằm mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp 3 nước.