Tại sao phải thu thập thông tin mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước?

Đề xuất thu thập thông tin mống mắt – một trong 5 đặc điểm sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói để bổ sung vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Sputnik
Ngày 27/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Căn cước. Đây là tên gọi mới sau khi sửa Luật Căn cước công dân.

Đề xuất bắt buộc thu thập mống mắt vào cơ sở dữ liệu căn cước

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt vào nội dung quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
Theo Uỷ ban Quốc phòng – An ninh, khoa học đã chứng minh cùng với vân tay, mống mắt có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.
Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người),hiện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Hộ chiếu: Thể loại, phổ thông và nước ngoài, làm ở đâu và như thế nào
Cơ quan thẩm tra nêu, hiện nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website.
Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp.
Do đó, bên cạnh việc thu thập vân tay, Chính phủ đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.
Việc này cũng sẽ hỗ trợ trong trường hợp không thu nhận được vân tay do khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng.
Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo luật trình Quốc hội.

Tranh luận

Vừa qua, tại nghị trường, phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất cao với việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước là phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt khi làm căn cước.
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại điểm b khoản 3 Điều 23 Dự thảo Luật. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.
"Luật căn cước" khác "Luật căn cước công dân" thế nào?
Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, như đối với ADN và giọng nói của người dân và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Không đồng tình, phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát.
Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.
“Không ai có thể sửa mống mắt”, - báo Nhân dân dẫn lời đại biểu Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ ở mức cao nhất

Thẩm tra dự án luật này trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới khẳng định việc thu thập, cập nhật thông tin về ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Những thông tin này được lấy thông qua hoạt động tố tụng hoặc xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý căn cước không thu thập trực tiếp từ người dân.
Thẻ căn cước công dân gắn chip không thể bị theo dõi
Phản hồi về những lo ngại về an ninh thông tin khi cơ sở dữ liệu căn cước đều là bí mật đời tư, Uỷ ban QPAN cho rằng, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được kiểm soát an ninh mạng, bảo vệ ở mức cao nhất và hạn chế thấp nhất sự cố ngoài ý muốn.
Báo cáo giải trình cuối tháng 4, Chính phủ cũng cho biết thông tin công dân được lưu trữ đầy đủ trong bộ phận được mã hóa để đảm bảo riêng tư.
Trước mắt, sẽ có một số giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước. Các giai đoạn tiếp theo, tùy theo sự phát triển của hạ tầng dữ liệu, các bộ, ngành, địa phương sẽ đề xuất tích hợp thêm.
Thảo luận