Việt Nam thu được tới 14.600 tỷ đồng tiền thuế
Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thường gọi là thuế tối thiểu toàn cầu).
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, các đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết ban hành chính sách thuế này nhằm đảm bảo quyền thu thuế chính đáng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam (các doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euro tương đương 800 triệu USD/năm).
VOV dẫn lời đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, theo Tờ trình 618 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, đây là một sáng kiến của các nước OECD và được các nước G20 thông qua, đặc biệt đã nhận được sự đồng thuận của 142 nước thành viên của Diễn đàn BEPS (nghĩa là xói mòn cơ sở và chuyển dịch lợi nhuận.
Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa có đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện nhưng đây là một xu thế và việc đánh giá tác động này, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chưa được đánh giá, và nguy cơ các nước thứ ba có thể thu hoàn thuế bổ sung.
“Nếu như chúng ta không kịp thời ban hành Nghị quyết này trong bối cảnh chưa sửa được Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết”, - ông Huân đánh giá.
Việc thực hiện Nghị quyết sớm cũng sẽ giúp Việt Nam thu được tới 14.600 tỷ đồng tiền thuế, bổ sung được 122 tập đoàn và tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của các tập đoàn đa quốc gia.
Ông Huân cho rằng, đây cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.
Tuy vậy, song song với việc ban hành Nghị quyết này, theo ĐBQH, cũng cần nhìn trước các rủi ro, có thể thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các nhà đầu tư FDI để có chính sách hỗ trợ bổ sung.
Để nhà đầu tư yên lòng
Phát biểu nêu ý kiến, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nhất trí cao với việc ban hành nghị quyết.
“Dù việc ban hành này là không bắt buộc, nhưng để đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc nên cần thiết phải ban hành Nghị quyết, song song với đó cần ban hành chính sách để khuyến khích hỗ trợ đầu tư mới để đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp”, - ĐBQH Vũ Tiến Lộc lưu ý.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, việc này sẽ tác động rất lớn, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.
Để giảm tác động bất lợi, Quốc hội cũng cần ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để "yên lòng" các nhà đầu tư chiến lược và giao Chính phủ nghiên cứu chính sách cụ thể, theo ông Lộc.
Chuyên gia phân tích, việc này đảm bảo duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn để vừa đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập.
Muốn vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp để bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư do phải nộp thuế bổ sung.
“Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm một nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách của chúng ta hướng tới, không phân biệt đó là doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không”, - ông Vũ Tiến Lộc lưu ý.
Chuyên gia cũng khuyến nghị cần ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường, hoạt động nghiên cứu phát triển, lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao và có quy mô lớn và tất cả đều nhằm tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hội nhập và thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.
Về khả năng bị kiện
Tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho rằng, các doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế hoàn toàn có thể khởi kiện để tiếp tục hưởng các ưu đãi theo luật Đầu tư hiện hành.
Vị đại biểu đoàn Tây Ninh cho hay, theo quy định về bảo đảm đầu tư tại luật Đầu tư hiện hành thì trường hợp nhà nước có chính sách ưu đãi thấp hơn, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi trong thời gian còn lại của dự án. Điều này có nghĩa, khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có khả năng doanh nghiệp khởi kiện để áp dụng quy định đảm bảo đầu tư.
Bà Thanh Thuý nêu ý kiến, nghị quyết cần quy định chi tiết theo hướng giảm khả năng khiếu kiện của doanh nghiệp chịu thuế; đồng thời xác định nguyên tắc giải quyết khi khiếu kiện xảy ra, đảm bảo Nhà nước không bị thiệt hại.
Góp ý về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng băn khoăn, việc phát sinh tranh chấp thì câu hỏi đặt ra là trong trường hợp phát sinh tranh chấp, việc giải quyết sẽ theo quy định nào và tổ chức, cơ quan nào xử lý.
“Giải quyết tranh chấp là theo luật Việt Nam hay luật quốc tế, là thẩm quyền chuyên biệt tòa án Việt Nam hay tòa án quốc tế. Quy định giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án, cần phải được xác định rõ”, - Thanh Niên dẫn ý kiến ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề.
Cũng theo vị đại biểu đoàn TPHCM, trường hợp có khả năng tranh chấp, nhà đầu tư có thể chọn đóng thuế chỗ khác, khiến Việt Nam có thể mất nguồn thu này.
Vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần có cơ chế xử lý để tránh xung đột với quy định của Luật Đầu tư và đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu soạn thảo ban hành hướng dẫn chi tiết về nghị định này để nhà đầu tư không phải chờ đợi lâu.
“Họ sắp xếp đầu tư và sắp xếp sổ sách kế toán và các cơ quan của ta cũng lo tiếp cận các vấn đề mới, tránh những băn khoăn lo lắng”, - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói.
Trước các vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư có thể khiếu kiện hay không và kiểm soát việc này thế nào, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể kiện.
Tuy nhiên, trong trường hợp khiếu kiện, các công ty đa quốc gia cũng gặp khó khăn trong chứng minh thiệt hại do chính sách thuế gây ra. Bởi nếu họ không nộp thuế bổ sung ở Việt Nam thì phải nộp thuế ở nước khác.
“Tức là khi doanh nghiệp khiếu kiện phải nộp thuế bổ sung ở Việt Nam thì lập tức họ có nguy cơ phải nộp khoản thuế đó ở nước ngoài, dù chưa biết thắng hay thua. Điều này sẽ giảm thủ tục khởi kiện của các công ty đa quốc gia”, - ông Vũ Tiến Lộc phân tích.
Rất ít khả năng bị kiện
Trình bày báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc ban hành nghị quyết này để xác định quyền đánh thuế và mang lại lợi ích cho đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.
Bộ trưởng nhắc lại, khi hội nhập toàn diện, các quy định của quốc tế phải thực hiện, đòi hỏi Việt Nam phải luôn luôn chủ động để sửa đổi quy định của pháp luật phù hợp với yêu cầu của quốc tế để thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Về ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại các công ty xuyên quốc gia (TNCs) có thể nộp thuế tại nước ngoài thay vì chấp nhận nộp thuế ở Việt Nam, ông Phớc khẳng định: Nếu họ trả thuế ở nước mẹ, quy trình rà soát thuế tại Việt Nam và các nước cũng rất phức tạp, thậm chí mất thêm chi phí. Chính vì vậy, chắc chắn các các công ty xuyên quốc gia muốn nộp thuế tại Việt Nam vì chi phí thấp hơn và có thể ngành Thuế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp để giảm bớt các thủ tục, khâu trung gian nhằm giúp họ thuận lợi kinh doanh.
Về băn khoăn khả năng các doanh nghiệp khởi kiện khi sắc thuế được áp dụng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với 122 doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế để “chuẩn bị tinh thần”, tránh việc khiếu kiện.
“Tôi nghĩ rằng việc dẫn đến khiếu kiện là rất ít khả năng”, - VOV dẫn lời Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng phân tích, ở đây nếu doanh nghiệp không đóng thuế tại Việt Nam thì cũng phải đóng thuế tại nước ngoài. Mà đóng thuế nước ngoài thì phức tạp hơn rất nhiều vì cơ quan thuế nước ngoài cũng phải sang Việt Nam thu thuế.
Đối với chính sách ưu đãi đầu tư mới song hành cùng việc bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ KH&ĐT cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang yêu cầu chỉnh sửa lại trong thời gian rất ngắn ban hành đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư”, - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.