Việt Nam không hút "đại bàng" FDI bằng công cụ thuế

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và không thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược bằng công cụ thuế.
Sputnik
Với đề xuất giảm thuế VAT 2% cho nửa đầu năm 2024, TTXVN dẫn ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá đây là cách nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ lại cho doanh nghiệp, người dân, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng hoá thuận lợi hơn.

Vì sao nên tiếp tục giảm VAT 2%?

Như Sputnik đã đưa tin, sáng 20/11, Quốc hội bắt đầu chương trình làm việc đợt 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Phiên họp xem xét tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) 6 tháng đầu năm 2024 cũng như áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu từ đầu năm 2024.
Trao đổi với TTXVN bên lề kỳ họp về nội dung tiếp tục giảm 2% VAT cho 6 tháng đầu năm 2024, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nêu quan điểm ủng hộ việc hỗ trợ này.
"Quốc hội cần tiếp tục xem xét giãn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; trong đó, đặt biệt là chính sách tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024", - ĐBQH Trần Hoàng Ngân bày tỏ trong cuộc trao đổi với TTXVN.
Theo ông, đại dịch COVID từ năm 2020, ảnh hưởng sang năm 2021 và liên tiếp các cú sốc về xung đột địa chính trị thế giới sau đó khiến kinh tế Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
"Vì lẽ đó, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến giãn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân", - đại biểu nói.
Ông dẫn chứng, kết quả trong 3 năm từ năm 2020 đến nay đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí khoảng 700 nghìn tỷ đồng, đặc biệt trong năm 2023 hơn 190 nghìn tỷ đồng; riêng giảm 2% VAT trong 4 tháng từ tháng 7 - 10 vừa qua là 15,6 nghìn tỷ đồng.
ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá, thời gian qua, việc giãn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức nhất định mà quan trọng hơn giúp người dân trang trải chi phí mua sắm hàng hoá với mức thấp hơn, từ đó giúp tổng cầu đỡ suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung.
Tuy vậy, hiện tình hình doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn. 10 tháng qua, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động và tạm ngừng kinh doanh tăng 20%, số việc làm và đơn hàng cũng giảm ảnh hưởng đến người lao động.
Lo thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến các nhà đầu tư rời sản xuất khỏi Việt Nam

Ảnh hưởng ngân sách hơn 25.000 tỷ đồng

Dự thảo nghị quyết được Chính phủ trình đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Tuy nhiên, mức thuế giảm này không áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ, đã được quy định tại Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 101 của Quốc hội như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính phủ tin rằng chính sách giảm thuế sẽ kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay của Việt Nam qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế.
Chính phủ cũng tính toán, giảm thuế VAT 2% như trên sẽ khiến thu ngân sách Nhà nước giảm khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng khi ban hành và thực thi chính sách. Vì giảm thuế VAT đã áp dụng trong các tháng cuối năm 2023, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2023 chỉ tăng 7,3%, thấp hơn so với mức tăng của các quý trước.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp để chỉ đạo, điều hành chủ động, kịp thời, bảo đảm nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024.
Cũng có ý kiến cho rằng, đánh giá tác động giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác, chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.
Theo cơ quan thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế VAT theo hướng áp dụng thuế suất 8% với tất cả các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.
Phân tích ảnh hưởng của chính sách giảm thuế VAT 2% đến thu ngân sách của đất nước, vị chuyên gia nhận định, thoạt nghĩ thì miễn, giảm, gia hạn thuế, phí sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, tuy nhiên, trên thực tế trong 3 năm thực hiện vừa qua thì tổng thu ngân sách vẫn tăng so với dự toán.
ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá, việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí thực chất là cách nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ lại cho doanh nghiệp, người dân, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ hàng hoá thuận lợi hơn. Lúc này, nguồn thu ngân sách tăng, góp phần kéo giãn bội chi ngân sách, nợ công.

"Với mức nợ công hiện nay thấp hơn mức trần nợ công do Quốc hội đặt ra, sẽ còn nhiều dư địa để thực hiện các chính sách liên quan đến thuế, phí", - ông Ngân tin tưởng.

Chính phủ đánh giá, việc giảm thuế VAT có lợi cho cả người dân và doanh nghiệp. Người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, do giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó giảm trực tiếp chi phí của họ trong tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Trong khi đó, với doanh nghiệp, giảm 2% mức thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp Việt bỏ lỡ hàng tỷ đô do chưa tận dụng ưu đãi thuế CPTPP bằng 0

Việt Nam không hút đầu tư bằng công cụ thuế

Trước việc Quốc hội xem xét việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, vị ĐBQH Đoàn TPHCM cũng cho rằng, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Ông chỉ rõ, thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước quốc tế, không phải cam kết quốc tế nhưng nội dung rất hay, ý nghĩa do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và được 142 quốc gia đồng thuận.
"Theo tôi, Việt Nam nên tham gia áp dụng loại thuế này. Bởi, việc áp dụng loại thuế này chắc chắn giúp tăng nguồn thu ngân sách tới đây", - ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là 15%, áp dụng đối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu EUR, tương đương 800 triệu USD trong ít nhất hai năm của bốn năm liền kề gần nhất và hoạt động có lợi nhuận thì hoàn toàn có khả năng thu được khoản tiền từ nguồn này.
Trước đó, có quan điểm lo ngại rằng, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi về thuế bị giảm đi có thể khiến nhiều "đại bàng" FDI thay đổi quyết định đầu tư, có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang nước khác.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân thấu hiểu điều này và cho biết, có ý kiến cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu dẫn đến hạn chế khả năng thu hút vốn FDI của các tập đoàn, công ty đa quốc gia, nhưng theo ông, nếu để bảo đảm môi trường cạnh tranh giữa các quốc gia công bằng, minh bạch và quan trọng nhất là chống chuyển giá thì chúng ta vẫn cần áp dụng.
Trên quan điểm không thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược bằng công cụ thuế, mà Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… Khi đó, Việt Nam có môi trường đầu tư tốt nhất trong điều kiện tốt nhất, với thể chế chính trị ổn định, hệ sinh thái về nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng cơ sở hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí về logistics.
Ông Ngân cũng khuyến nghị cần lưu ý đến xu thế thời đại với các yếu tố phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và cho rằng, khi nền kinh tế sẵn sàng các yếu tố như vậy mới thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư có công nghệ cao, tân tiến, thân thiện với môi trường. Chỉ có như vậy mới phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Thảo luận