Tiềm năng hợp tác rất lớn giữa TPHCM và Ấn Độ
Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - TPHCM do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức đã diễn ra ngày 21/11, theo báo Nhân dân.
Thống kê được nêu tại diễn đàn cho thấy, năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt trên 15 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư ITPC Hồ Thị Quyên thông tin, tính đến tháng 10 năm nay, Ấn Độ có 237 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 130 triệu USD, đứng thứ 23 quốc gia có đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh.
Vị lãnh đạo nhấn mạnh, TPHCM và Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác khi Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết nhiều hiệp định.
“Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ”, - đại diện ITPC chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa được thông qua nghị quyết 98 về một số cơ chế đặc thù phát triển và sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.
“TPHCM luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Ấn Độ. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường hai nước rộng lớn, hàng hóa có sự bổ sung tốt cho nhau”, - Vnexpress dẫn lời Hồ Thị Quyên nói.
Cũng theo bà Quyên, thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy tiềm năng hợp tác với các đối tác Ấn Độ còn rất lớn và mong muốn Ấn Độ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như thương mại, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục.
Kêu gọi Ấn Độ đầu tư Metro và công nghệ cao
Trong khuôn khổ diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - TPHCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) đã giới thiệu các dự án sắp triển khai của thành phố đến các nhà đầu tư quốc gia Nam Á này
Theo Vnexpress, nổi bật trong số này là 12 tuyến đường sắt và 8 dự án công nghệ cao.
Theo đó, TPHCM mong muốn nhận đầu tư từ các doanh nghiệp Ấn Độ vào hệ thống đường sắt 12 tuyến gồm 9 tuyến đường sắt đô thị (metro) và 3 tuyến xe điện mặt đất với tổng mức đầu tư khoảng gần 437.000 tỷ đồng, xấp xỉ 19 tỷ USD.
Đồng thời, các tuyến đường sắt đô thị gồm metro số 2 – giai đoạn 2 và giai đoạn 3, metro số 3A giai đoạn 1 và giai đoạn 2, metro số 3B, metro số 4, metro số 4B, metro số 5 – giai đoạn 2, metro số 6. Các tuyến xe điện mặt đất gồm Monorail số 1, số 2 và số 3.
Thành phố kỳ vọng việc gọi vốn đầu tư vào 12 dự án giao thông công cộng này sẽ nhằm phát huy lợi thế của vùng TPHCM, hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị và giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.
Ngoài lĩnh vực hạ tầng giao thông, thành phố hướng đến kêu gọi vốn đầu tư từ Ấn Độ đối với các lĩnh vực công nghệ cao với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm khoa học – công nghệ và là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển, cung cấp các sản phẩm điện tử, vi mạch bán dẫn chất lượng cao cho đối tác trong và ngoài nước.
Hiện nay, Khu Công nghệ cao TPHCM đang mời gọi đầu tư 8 hạng mục gồm 3 dự án nghiên cứu và phát triển, 4 dự án sản xuất công nghệ cao, 1 dự án dịch vụ công nghệ cao.
Tổng vốn đầu tư tối thiểu của các hạng mục này lần lượt là 35 triệu USD, 180 triệu USD và trên 300 triệu USD.
Bên cạnh đó, thành phố cũng giới thiệu nhiều dự án thuộc các lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhà ở xã hội, giáo dục và y tế, văn hóa.
Trong đó, một số dự án nổi bật được chú trọng kêu gọi đầu tư như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (5,3 tỷ USD), Trung tâm Logistics Long Bình (250 triệu USD), đường Vành đai 4 (2,5 tỷ USD), cao tốc TPHCM – Mộc Bài (838 triệu USD) và cầu Cần Giờ (416 triệu USD).