Không phải Ấn Độ, Việt Nam mới là “đích nhắm” đầu tư số 1
© AFP 2023 / Hoang Dinh NamVietinBank tại trung tâm Hà Nội
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
Vượt Ấn Độ, Việt Nam lọt top điểm đến đầu tư mới nổi hàng đầu với gần 80% ý kiến bầu chọn Việt Nam vào 2 vị trí điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì tại khu vực các thị trường mới nổi, theo khảo sát của Cushman & Wakefield.
Các yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư chính là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.
80% ý kiến bầu chọn Việt Nam
Vừa qua, Cushman & Wakefield – công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu có trụ sở đặt tại Chicago, Illinois, Mỹ – đã thực hiện cuộc khảo sát với hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu thế giới.
Kết quả cho thấy, có đến gần 80% ý kiến bầu chọn Việt Nam vào 2 vị trí điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì tại khu vực các thị trường mới nổi. Xếp tiếp theo với số phiếu 75% là Ấn Độ.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết Việt Nam được nhìn nhận là một nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam còn hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong thời gian gần đây.
Một dẫn chứng là vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc Nam, giai đoạn đầu tiên của sân bay quốc tế Long Thành, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, các tuyến metro ở cả miền Bắc và miền Nam đất nước.
Với lợi thế môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và bứt phá trong năm 2022.
Nửa đầu năm 2022, đã có 10,06 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Trong đó, bất động sản chiếm đến 26% tổng số vốn.
© C&WCushman & Wakefield 200 Lựa chọn đầu tư hàng đầu trong các thị trường mới nổi
Cushman & Wakefield 200 Lựa chọn đầu tư hàng đầu trong các thị trường mới nổi
© C&W
“Thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn”
Các nhà đầu tư hàng đầu đổ vốn vào Việt Nam đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Các loại tài sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang được săn lùng bởi các nhà đầu tư”, - bà Trang nói.
Về điều này, ông John Campbell, Phó Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam đã tạo nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam.
“Thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Thị trường vẫn chưa hoàn thiện tuyệt đối, còn một chặng đường dài phía trước nhưng thật khả quan khi thấy rằng thị trường đã thu hút nhiều ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao và lĩnh vực hậu cần hơn so với trước đây”, - ông John chia sẻ.
Theo báo cáo mới đây của EY, trong nửa đầu năm nay, hoạt động đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể.
Mặc cho những bất ổn trên thị trường vốn và thị trường nợ, tổng giá trị thương vụ giao dịch trong 6 tháng đã đạt mức xấp xỉ với con số trong cả năm 2021, tương đương 4,97 tỷ USD.
Tuy nhiên, Cushman & Wakefield cho rằng, nếu tính tỷ lệ rủi ro trên lợi tức, có đến hơn 50% nhà đầu tư vẫn tin rằng chỉ số tốt nhất hiện nay là từ các thị trường cấp một. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam xếp thứ hai với 20% ý kiến.
Cũng theo bà Trang Bùi, tình hình lãi suất và lạm phát tăng khiến nhà đầu tư phần nào 'chùn chân' và cẩn trọng xem xét lại danh mục đầu tư.
“Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận họ vẫn tiếp tục triển khai vốn vào những dự án đã cam kết. Họ tin rằng mặc cho tăng trưởng chậm, dòng vốn chảy vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương sẽ dần ổn định lại khi nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ dần thích ứng với bối cảnh hiện tại”, - bà Trang Bùi phân tích.
Về phần mình, ông Gordon Marsden, Giám đốc thị trường vốn khu vực APAC của Cushman & Wakefield thì cho rằng, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào dài hạn trong những lĩnh vực và thị trường thiếu nguồn cung cơ bản hoặc có nguồn cung ổn định, ít chịu rủi ro biến động.
Theo kết quả khảo sát, giả định nếu có một tỷ USD, thì đến 25% công ty sẽ đổ vốn vào logistics. Tiếp đến là các phân khúc văn phòng và phi truyền thống như trung tâm dữ liệu (data center) và nhà ở đa gia đình.
Dù lợi suất có giảm, hơn 35% nhà đầu tư vẫn cho rằng lĩnh vực logistics vẫn chưa đủ nguồn cung đáp ứng thị trường. Trong khi đó, 30% vẫn kỳ vọng tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực này, dù với tốc độ chậm hơn, theo khảo sát của Cushman & Wakefield.
“Dọn ổ đón đại bàng”
Trong bối cảnh cạnh tranh FDI khốc liệt giữa các nước trong khu vực, đan xen với những biến động chính trị toàn thế giới, việc thu hút FDI thực tế không phải điều dễ dàng hoàn toàn với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nêu rõ, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Theo ông Đông, sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu, tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng. Việt Nam cũng sẽ bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ và các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.
Cùng với đó, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử, nhất là sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics…
“Trong bối cảnh đó, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu với Chính phủ có thêm những chính sách, cơ chế để ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành một cấu phần quan trọng của ngành bất động sản công nghiệp”, - ông Đông nói.
Nêu các giải pháp hoàn thiện các khu công nghiệp đạt chuẩn quốc tế, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam đang được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng với chất lượng quốc tế.
Đáng chú ý, việc nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành tại một số địa phương cũng đang được triển khai nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Hiện nay, Việt Nam có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, - Thứ trưởng Đông cho hay và nhấn mạnh, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế - xã hội và môi trường.
Theo các chuyên gia, trong khi làn sóng chuyển dịch đầu tư ngày càng mạnh mẽ nhất là xu hướng “rời Trung Quốc” giúp Việt Nam tăng cơ hội trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu, để đón được “đại bàng lớn”, chúng ta cũng cần “dọn sẵn ổ” và chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cũng như có chọn lọc, ưu tiên đối với dòng vốn FDI chất lượng cao.
Việt Nam cần phát huy lợi thế môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định về chính trị, chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý đắc địa với khả năng kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới và nên đầu tư hơn nữa nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải nỗ lực cải thiện năng lực vừa tránh “thua ngay trên chính sân nhà” vừa để trực tiếp tham gia vào chuỗi lên kết, chuỗi sản xuất cung ứng, nâng cao vị thế của nền công nghiệp phụ trợ đất nước.