Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo về quan hệ Việt Nam-Campuchia và phương hướng hợp tác trong thời gian tới; công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý, bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng và một số vấn đề lưu ý đối với lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ biên giới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong tình hình hiện nay; những bài học kinh nghiệm và vấn đề cần quan tâm trong triển khai công tác quản lý biên giới trên thực địa tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia thuộc tỉnh Kiên Giang; tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia và một số vấn đề cần lưu ý đối với công tác biên giới tại tỉnh Kiên Giang trong tình hình mới…
Về biên giới lãnh thổ, hai nước có đường biên giới dài khoảng 1.258km trên đất liền đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) tiếp giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia (Rattanakiri, Mondukiri,Tboung Khmum, Kratie, Svay Rieng, Pray Veng, Kandal, Takeo và Kampot).
Đến nay, hai nước đã hoàn thành phân giới khoảng 1.045km, xây dựng được 2.048 cột mốc tại 1553 vị trí trên thực địa, gồm 315 cột mốc chính tại 264 vị trí, 1.511 cột mốc phụ tại 1.068 vị trí và 221 cọc dấu.
Việt Nam-Campuchia đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định Biên giới Quốc gia năm 1985 và Hiệp ước Bổ sung năm 2005 (gọi tắt là Hiệp ước Bổ sung năm 2019) và Nghị định thư Phân giới, Cắm mốc Biên giới Đất liền.
Hai nước cũng đã tổ chức trao nhận bản đồ địa hình biên giới. Việc ký hai văn kiện pháp lý này có ý nghĩa to lớn, đặt nền tảng để hai bên duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực biên giới.
Theo Vietnam Plus, hiện nay, hai nước còn khoảng 213km đường biên giới chưa hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc và đang tiếp tục đàm phán giải quyết vấn đề này.
Theo đó, Kiên Giang kiến nghị Trung ương sớm cho chủ trương đàm phán với Campuchia giải quyết đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền giữa hai nước còn lại. Trong đó, khu vực biên giới Kiên Giang với Campuchia còn tồn đọng từ mốc 296 đến mốc 300.