“Chúng tôi lo ngại khi ghi nhận sự gia tăng hoạt động gần đây của một số nước phương Tây, EU và các tổ chức do họ kiểm soát liên quan đến chủ đề thu hồi vũ khí hóa học và đạn dược thời Thế chiến thứ hai bị chìm ở Biển Baltic. Những vấn đề thuộc loại này cần được giải quyết trên các diễn đàn quốc tế phù hợp, trước hết là tại Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển Khu vực Biển Baltic (HELCOM), với việc bắt buộc phải tính đến ý kiến của Nga và các nước đồng minh khác trong liên minh chống Hitler về vấn đề này, cũng như những rủi ro về môi trường”, - ông Belyaev nhấn mạnh.
Theo ông, hoạt động toàn diện của HELCOM hiện đang bị tê liệt do hành động của phương Tây.
“Những hành động riêng lẻ không có sự phối hợp, những nỗ lực nhằm “đưa” các cấu trúc không chuyên môn như Hội đồng các quốc gia Biển Baltic hay NATO tham gia vào chủ đề này không chỉ phản tác dụng mà còn có thể dẫn đến những hậu quả rất tai hại cho toàn bộ vùng Baltic”, - ông nói thêm.
Sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc năm 1945, hàng chục nghìn tấn vũ khí hóa học đã bị đánh chìm ở biển Baltic. Kho vũ khí lớn nhất được thả xuống vùng lân cận các đảo Gotland và Bornholm. Theo các nhà khoa học Nga, dưới đáy biển có thể có vài nghìn tấn khí mù tạt (yperit). Báo Politico trước đó đưa tin chính quyền Đức đang lên kế hoạch triển khai chương trình trục vớt đạn dược từ đáy biển.