Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trình bày trước Quốc hội những khó khăn của ngành ngân hàng đối với các vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội quan tâm như can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt hay giảm thao túng, sở hữu chéo ngân hàng.
Sputnik
Thời báo Ngân hàng dẫn lời Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khi Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng và ngân hàng yếu kém hay trong quá trình xử lý sự cố SCB, khi được tham vấn, các cơ quan bộ, ngành đều hỏi những điều này quy định như thế nào trong luật. Do đó, theo Thống đốc, nếu không được luật hóa rất khó triển khai.
Về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo cổng TTĐT Ngân hàng Nhà nước dẫn phát biểu của Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm.

Dự án luật “rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm”

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo Cổng TTĐT Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, chất lượng của dự thảo Luật được nâng lên đáng kể.
Nước cờ mới của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là dự án luật “rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm”, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.
Do vậy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhắc lại, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
“Đây là việc hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật”, website NHNN dẫn lại phát biểu của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.
Tỷ giá ở châu Âu rất căng thẳng, VND vẫn ổn định, NHNN chưa cần bán USD

Minh bạch và tăng cường giám sát giúp giảm thao túng, sở hữu chéo

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, quan tâm, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

“Đây là luật khó, phức tạp, chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là rất đáng trân trọng, sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật”, cổng TTĐT NHNN dẫn lời Thống đốc bày tỏ.

Thống đốc lý giải, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, hoạt động tuân thủ theo các pháp luật về doanh nghiệp, tuy nhiên tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính, huy động tiền của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác để cho vay, nên các tổ chức tín dụng cũng phải hoạt động tuân thủ theo các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro, tuân thủ các giới hạn an toàn. Luật Các tổ chức tín dụng này sẽ có những quy định đảm bảo giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.
Thời báo Ngân hàng (cơ quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) dẫn phát biểu của Thống đốc tại phiên họp ngày 23/11 cho biết, trong dự thảo luật này cũng có rất nhiều quy định đã được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật mà Quốc hội đã thảo luận vào tháng 5.
Đặc biệt, những nội dung để nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các TCTD để hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn, bổ sung yêu cầu trách nhiệm và các giải pháp từ chính các cổ đông của các TCTD khi các TCTD có vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng quản trị và Ban điều hành của TCTD; minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, thông tin công khai về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…
Kiến nghị sửa đổi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước
Đề cập đến giải pháp giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đây là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo làm sao để xử lý triệt để vấn đề thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động của ngân hàng. Khi soạn thảo để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thức rằng “phải có một loạt các giải pháp mới xử lý được”.
Theo Thống đốc, trước tiên trong luật phải có các quy định. Dự thảo luật mà Quốc hội thảo luận vào tháng 5 có những quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân từ 5% xuống 3%. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận nhiều đại biểu có ý kiến không cần thiết phải giảm xuống 3% và đặt ra câu hỏi là quy định như vậy thì có xử lý được triệt để hay không.
Thống đốc nhắc lại, trong rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, NHNN trả lời rằng, nếu chỉ quy định thì không thể xử lý triệt để được, bởi vì quy định là để có căn cứ, có cơ sở xử lý khi xảy ra sai phạm, còn quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Cùng với đó, chỉ một mình ngành ngân hàng cũng chưa đủ.

“Chúng ta quy định 5% cổ phần, nhưng nếu cổ đông cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc xử lý thao túng này cũng không thể xử lý được. Cho nên cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ. Việc này đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành Ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương. Đặc biệt là phải có một hệ thông tin về doanh nghiệp, về cá nhân để xác thực được họ là ai và họ có liên quan như thế nào với doanh nghiệp đi vay vốn và những người có liên quan”, Thống đốc nêu vấn đề.

Mặt khác, để giảm thao túng dự thảo luật đã thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế, cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ 15% xuống 10%. Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu có thể sẽ giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể này.
Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên sắp phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Về phía Ngân hàng Nhà nước trong quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, NHNN cũng nhận diện và cũng nhận thức được cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt ở các TCTD đều có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng TCTD.
“Họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Đó là một số những giải pháp tôi cho rằng thời gian tới sẽ tăng cường để hoàn thiện chỉnh lý để giảm thao túng cũng như giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng”, Thống đốc bày tỏ.

Cần luật hóa “can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt”

Đối với các ý kiến về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và cho vay đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là những vấn đề rất lớn và rất cần quy định để khi các TCTD có vấn đề sẽ có cơ sở pháp lý để thực hiện.

“Bởi trong thời gian vừa qua khi NHNN xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng và ngân hàng yếu kém hay trong quá trình xử lý sự cố SCB, trong quá trình tham vấn các cơ quan bộ, ngành, tất cả đều nêu rằng: vậy giải pháp này thực hiện quy định ở điều nào, khoản nào trong luật? Vì vậy nếu trong luật không quy định, sau này sẽ rất khó có cơ sở để thực hiện”, Thống đốc dẫn chứng.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ các giải pháp hỗ trợ đối với TCTD trong quá trình can thiệp sớm, cho vay đặc biệt phải có tài sản đảm bảo. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng nhận thấy đây là những quy định để hướng tới những quy định mang tính phổ quát trong hoạt động của ngân hàng. Để bản thân các TCTD phải nhận thức được trách nhiệm của mình, không ỷ lại và phải chịu trách nhiệm về những rủi ro mà TCTD do họ sở hữu phát sinh, gây hệ lụy.
Cơ quan chủ trì soạn thảo luật cũng có một số băn khoăn. Theo Thống đốc, hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính, rất dễ tác động lan truyền, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống và an ninh tiền tệ của quốc gia.
Món quà bất ngờ trong thùng xốp Trương Mỹ Lan gửi cựu sếp thanh tra Ngân hàng Nhà nước
“Nếu trong trường hợp khẩn cấp, cấp thiết, nếu như trong luật không có những quy định để các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, lúc đó sẽ rất khó có thể có những biện pháp để xử lý trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của quốc gia”, Thống đốc nêu vấn đề.
Tuy nhiên Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc lại, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, là những vấn đề lớn và cũng cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vậy Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các TCTD tại kỳ họp này là hết sức cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở kỳ họp sau.
“Qua lắng nghe các ý kiến của đại biểu chúng tôi cũng ghi chép rất kỹ lưỡng. Tất cả những ý kiến này cơ quan soạn thảo cũng sẽ tích cực, sẽ vào cuộc ngay, phối hợp với UBKT để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chúng tôi sẽ Báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội ở kỳ họp sau”, Thống đốc cho biết.
Thảo luận