Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản, đưa quan hệ lên tầm cao mới

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân hôm nay đã lên đường thăm chính thức Nhật Bản, theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.
Sputnik
Báo Tiền phong dẫn lời Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước đến Nhật Bản sẽ đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản

Theo báo Nhân dân, trưa 26/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm đã rời Sân bay quốc tế Nội Bài, lên đường thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/11, theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản.
Tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ; Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu.
Theo TTXVN, khoảng 19h15 chiều 26/11 theo giờ địa phương, tức khoảng 17h15 cùng ngày theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản.
Đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay và khách sạn có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và phu nhân; cùng với lãnh đạo và các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu và phu nhân; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đại diện Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Tokyo, bắt đầu chương trình thăm chính thức Nhật Bản
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra vào đúng thời điểm rất quan trọng, nhân dịp hai bên đã và đang cùng nhau tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm còn là sự kiện quan trọng trong loạt hoạt động kỷ niệm trong năm 2023.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002 lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2009 và Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ góp phần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên tầm cao mới

Liên quan đến chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
"Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước dự kiến sẽ hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, phát biểu chính sách tại Quốc hội Nhật Bản, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa... và thăm tỉnh Fukuoka", - báo Tiền phong dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ.
Theo ông, chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp 2 nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), với 3 ý nghĩa chính.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Tokyo, bắt đầu chương trình thăm chính thức Nhật Bản
Thứ nhất, chuyến thăm sẽ đưa quan hệ 2 nước phát triển lên tầm cao mới thông qua đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng - an ninh đến hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, cùng như mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Thứ hai, chuyến thăm góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu, trao đổi mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Theo đó, với chuyến thăm của Chủ tịch nước hôm nay, cả 4 đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều đã trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản trong năm 2023.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 2/2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio (tháng 5/2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa (tháng 9/2023).
Thứ ba, chuyến thăm là sự khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn cùng Nhật Bản phát huy điểm đồng về lợi ích vì sự phát triển của mỗi nước cũng như trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực.
"Với ý nghĩa và tầm quan trọng nói trên, tôi tin tưởng chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian tới", - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Thúc đẩy hợp tác thu hút vốn vay ODA của Nhật Bản

Nhà ngoại giao khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp và mật thiết nhất lịch sử, đơm hoa kết trái, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Cả hai nước luôn coi nhau là đối tác tin cậy, gắn bó chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực.
Lễ đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại sân bay Haneda, thủ đô Tokyo
Đặc biệt, hợp tác kinh tế là điểm sáng với rất nhiều thành tựu nổi bật. Nhật Bản hiện là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 30 tỷ USD), là đối tác hợp tác lao động thứ 2, du lịch và đầu tư thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Hai bên đã đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân có nhiều bước tiến tích cực. Hai nước cũng duy trì hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC hay Liên Hợp Quốc, ủng hộ lẫn nhau, chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Thứ trưởng Nguyên Minh Vũ cho rằng, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản trên các lĩnh vực sau:
Trước hết là làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương với đối tác Nhật Bản.
Tiếp đó, xây dựng hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ 2 nước qua việc tăng cường hợp tác đầu tư, ODA, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực..., giúp Việt Nam thực hiện 3 đột phá chiến lược, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Việt Nam cũng mong muốn 2 phía triển khai có hiệu quả chương trình ODA thế hệ mới, tiếp tục hợp tác thu hút vốn vay ODA của Nhật Bản trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực;
Đồng thời, tăng cường hợp tác đầu tư, thu hút vốn đầu tư thế hệ mới, chất lượng cao của doanh nghiệp Nhật Bản; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững của kim ngạch thương mại song phương; phối hợp nâng cao hiệu quả tận dụng và triển khai các thỏa thuận kinh tế giữa hai bên hoặc hai nước đều là thành viên như WTO, APEC, CPTPP, RCEP, AJCEP...;
Tăng cường hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tăng cường hợp tác địa phương, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tình cảm của người dân Việt Nam và Nhật Bản, giúp xây dựng nền tảng vững chắc để triển khai có hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, APEC, ASEAN, Mekong...
Thảo luận