Việc Liên Xô sẵn sàng trao đổi sứ giả với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được nêu rõ ngay từ ngày 30 tháng 1 năm 1950 trong Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô, chính thức công nhận Nhà nước dân chủ độc lập non trẻ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngay sau đó, theo đề xuất của phía Việt Nam, chuyện bắt đầu không nói về các đặc phái viên mà là về cấp Đại sứ, bởi “việc bổ nhiệm Đại sứ Liên Xô sẽ giúp củng cố uy tín chính trị của Việt Nam DCСH”. Matxcơva đồng ý với đề nghị này. Tháng 4 năm 1952, Đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, ông Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ tịch nước tương lai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là nước Việt Nam thống nhất, đã trình Quốc thư tại Điện Kremlin.
Theo kế hoạch sơ bộ, Đại sứ đầu tiên của Liên Xô sẽ đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay cả trước khi kết thúc hoạt động chiến sự chống Pháp. Trong “An toàn khu» giữa núi rừng Việt Bắc, được coi là thủ đô tạm thời của nước Cộng hòa, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc, phía Việt Nam đã dựng lên mấy ngôi nhà sàn cao dành cho cơ quan đại diện ngoại giao của Liên Xô. Tuy nhiên, sau đó Mátxcơva nhận được thông báo rằng, trước đà tiến triển thuận lợi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Geneva nhằm lập lại hòa bình ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn được tiếp nhận Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội sau giải phóng. Matxcơva chấp thuận ý kiến đó.
Sứ mệnh Đại sứ được trao cho ông Alexandr Lavrishev, nhà ngoại giao 42 tuổi đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Mùa hè năm 1945, ông tham gia hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh sau chiến thắng Đức Quốc xã, sự kiện tổ chức tại thành phố Potsdam của nước Đức. Tại cuộc đàm phán Geneva về Đông Dương nhằm chấm dứt chế độ cai trị của thực dân Pháp trong khu vực, ông Alexandr Lavrishev là Thư ký trọng trách của phái đoàn Liên Xô.
Con rắn dành cho Đại sứ
Ngày 14 tháng 10 năm 1954, bốn ngày sau khi người Pháp rời khỏi Hà Nội, ông Lavrishev cùng với nhóm nhân viên Đại sứ quán đầu tiên, khoảng 12 người, khởi hành từ Matxcơva. Nhân tiện xin nói thêm, trong nhóm này có cả thực tập sinh Nikolai Nikulin, người sau này trở thành chuyên gia lớn nhất của Liên Xô và Nga về văn học Việt Nam. Điểm đến đầu tiên trên lộ trình của các nhà ngoại giao Xô-viết là Bắc Kinh, sau đó đi xe lửa đến Bằng Tường. Trên đường tới Hán Khẩu, có khoảng dừng, quyết định cử hai thành viên trong phái đoàn đáp máy bay đến Hà Nội làm «tiền trạm», quan sát bối cảnh trong thành phố. Sở dĩ có động tác này, là bởi giới truyền thông Pháp mô tả Hà Nội như là đô thị hoang tàn bị phá hủy, ở đó lan tràn nạn đói. Trở về Hán Khẩu, các “trinh sát viên” thông báo rằng thành phố Việt Nam này rất yên bình, các cửa hiệu ngập tràn hàng hóa và trên đường phố là những người dân ăn mặc đẹp đẽ vui tươi.
Tại điểm biên giới Bằng Tường, phái đoàn Liên Xô đã được các ông Lê Thanh Nghị và Nguyễn Khánh Toàn chờ đón, báo tin rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ DCCH đã về Hà Nội. Hành trình dài 200 km đến thủ đô Việt Nam trải qua trên 14 chiếc xe hơi do Chính phủ Liên Xô tặng cho ban lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vừa giao đến Bằng Tường đúng vào thời điểm đó. Suốt dọc đường về thủ đô, đoàn xe được nhân dân các địa phương nồng nhiệt đón chào. Trong một lần dừng chân giải lao, bà con dân quê mang tới tặng ông Đại sứ không chỉ vô số trái cây và hoa tươi mà còn cả một con rắn giấy khổng lồ với màu sắc rực rỡ.
Gặp gỡ Hà Nội
Phái đoàn ngoại giao Liên Xô đến Hà Nội ngày 27 tháng 10. Và trong cùng ngày, tại dinh thự dành riêng cho Đại sứ đã diễn ra cuộc gặp không chính thức đầu tiên, khi các nhà ngoại giao Xô-viết được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể, vị Chủ tịch nước đặc biệt chú ý đến chi tiết có một số cán bộ Liên Xô giao lưu với nhà lãnh đạo Việt Nam bằng tiếng Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét rằng nếu ở Liên Xô bắt đầu nghiên cứu tiếng Việt thì quan hệ giữa hai nước chúng ta ắt có tương lai tươi sáng. Bởi càng có nhiều thanh niên hai nước học ngôn ngữ của nhau thì sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc chúng ta sẽ ngày càng sâu sắc và bền chặt.
Cũng tại cuộc gặp này, đã quyết định rằng Đại sứ Lavrishev tiến hành trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 1 tháng 11. Và đến ngày 7 tháng 11, nhân mốc kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga kế tiếp, Đại sứ Liên Xô đã tổ chức dạ tiệc chiêu đãi trọng thể với sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ông Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và nhiều tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là cuộc chiêu đãi đầu tiên do một Đại sứ quán nước ngoài tổ chức tại Hà Nội kể từ khi thành phố được giải phóng.
Hồi ức của những người dự tiệc chiêu đãi Liên Xô
Do không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc chiêu đãi và bàn tiệc nên các nhân viên Đại sứ quán Xô-viết quyết định chuẩn bị những đồ ăn nhẹ mang phong cách ẩm thực dân tộc Nga, còn đầu bếp Việt Nam sẽ chuẩn bị món ăn dân tộc của nước chủ nhà. Các vị khách người Việt vốn chỉ quen với thuốc lá châu Âu, tại buổi chiêu đãi này lần đầu tiên nhìn thấy thuốc lá cuốn giấy của Nga, «nặng» hơn thuốc lá điếu rất nhiều và thậm chí đã thử hút. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì yêu cầu một trong những nhà ngoại giao Liên Xô nói được tiếng Việt hát một bài ca Nga. Nhà ngoại giao Xô-viết này cất tiếng hát một nhạc phẩm từ thời Nội chiến - “Biệt đội đang đi dọc bờ biển”, kể về «vị chỉ huy Đỏ» huyền thoại Shors. Không ngờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng biết bài ca này và ông bắt đầu say sưa hoà giọng hát cùng đồng chí Liên Xô.