Yên Nhật về sát mức đáy của 3 thập kỷ, còn cơ hội cho người Việt?

HÀ NỘI (Sputnik) – Trong bối cảnh đồng Yên giảm giá, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực tìm mọi phương án để thích ứng và ổn định cuộc sống của mình. Nhiều người buộc gửi thu nhập về quê hương, chấp nhận sự sụt giảm về tỷ giá. Một số khác chọn cách tích trữ tiền, đợi đồng Yên phục hồi.
Sputnik

Thực tập sinh là đối tượng ảnh hưởng nhiều

Là chủ cửa hàng đồ cũ tại Nhật, những tưởng lạm phát sẽ khiến doanh thu cửa hàng tăng do người dân chuyển sang mua sắm đồ cũ. Thế nhưng, anh Lưu Xuân Châu, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Fukuyama, Hiroshima cho biết, lạm phát và đồng Yên Nhật giảm khiến việc kinh doanh và thu nhập của anh cũng bị xáo trộn khi mà hàng tháng anh vẫn phải gửi tiền sinh hoạt về cho vợ con tại Việt Nam.

“Lượng khách của cửa hàng tôi giảm đi trông thấy. Mọi chi phí như tiền thuê nhà, điện, nước đều giữ nguyên, song thu nhập thì giảm. Nếu như trước đây, thu nhập mỗi tháng tầm 15 Man (khoảng 30 triệu), đây là số tiền đủ cho tôi trang trải cuộc sống bên Nhật và gửi về hỗ trợ gia đình tại Việt Nam. Đồng yên giảm 30% so với 3 năm trước. Ví dụ trước kia, hàng tháng gửi về quê tầm 10 man (khoảng 20 triệu), thì nay quy đổi khi gửi về Việt Nam chỉ còn khoảng 16 triệu, tức là 10 man gửi về sẽ mất 4 triệu Việt Nam Đồng (VNĐ)”, anh Châu chia sẻ với Sputnik.

Không giống như anh Châu, cả gia đình chị Nguyễn Giang (5 người) đều đang sinh sống tại thành phố Shiga. Hai vợ chồng chị hiện đều làm việc cho 2 công ty lớn với thu nhập ổn định và không áp lực về việc phải gửi tiền về Việt Nam, nên dù giá cả sinh hoạt có tăng, nhưng đối với gia đình chị không phải là điều quá lo lắng.

“Thay đổi rõ nhất mà tôi thấy là vật giá thực phẩm tăng (20-30%, thậm chí có mặt hàng tăng 50%) dù lương không tăng. Thực chất gia đình tôi không bị xáo trộn quá nhiều. Để đối phó với vấn đề này, chúng tôi điều chỉnh cân đối lại chi tiêu một chút. Theo tôi, đối với thực tập sinh hoặc những người Việt sang Nhật xuất khẩu lao động, họ là những người ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất”, chị Giang cho hay.

Mặc dù vậy, song số lượng người Việt sang làm việc tại Nhật đang có chiều hướng tăng lên, bởi chi phí cho thực tập sinh sang Nhật lao động cũng tỷ lệ thuận với mức giảm của đồng yên.
Lâu nay Nhật Bản vẫn thu hút được rất nhiều lao động nhập cư từ các nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Điều này vừa có lợi cho nước Nhật đang già hóa dân số và thiếu lao động, vừa có lợi cho lao động nhập cư vì họ có được mức thu nhập, điều kiện sống cao hơn so với ở quê nhà.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản, đưa quan hệ lên tầm cao mới
Nếu so sánh số tiền một lao động tiết kiệm được khi làm việc tại Việt Nam so với số tiền khi làm việc tại Nhật Bản, thì Nhật Bản vẫn được xem là một thị trường tốt cho lao động người Việt có thể gắn bó lâu dài. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại nhật bản, chỉ sau Trung Quốc.

Lượng kiều hối từ Nhật về Việt Nam giảm mạnh

Đồng tiền của Nhật Bản hiện đang tiếp tục chịu áp lực mất giá kéo dài. Tỷ giá đồng yên Nhật Bản so với đồng USD đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ, dường như chưa thể tìm được đáy trong hoàn cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, đối diện với triển vọng lãi suất cao hơn và kéo dài hơn của các nền kinh tế phương Tây.
Trong phiên sáng của ngày 14/11 trên thị trường châu Á, tỷ giá đồng yên ghi nhận vào mức 151,72 yên đổi 1 USD, gần mức đáy trong vòng 1 năm là 151,92 yên đổi 1 USD đã được đạt vào ngày thứ Hai. Nếu đồng yên giảm dưới mức đáy của năm trước là 151,94 yên đổi 1 USD, điều này sẽ được coi là một đỉnh mới của đồng tiền này trong suốt 33 năm qua.
Dự báo bất ngờ về dòng kiều hối đổ về Việt Nam năm 2023
Theo ghi nhận của Sputnik, nhiều người cảm thấy lo ngại khi chuyển tiền về Việt Nam vì lí do tỉ giá thấp. Một số người quyết định giữ tiền trong tài khoản tại Nhật Bản, trong khi số khác đang xem xét việc mang theo tiền mặt để đợi tình hình tỉ giá tăng lên trước khi bán ra. Dù theo cách nào đi nữa, lượng kiều hối từ Nhật Bản sang Việt Nam trong khoảng thời gian từ giờ đến cuối năm, thậm chí sang đầu năm 2024, có thể chịu sự biến động tiêu cực.
Thảo luận