Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài hơn 1.100 km, với hàng chục cửa khẩu khác nhau. Điều này tạo ra nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, lại vừa tiềm ẩn nguy cơ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội qua biên giới, trong đó có tội phạm về ma túy.
Hàng ngàn tội phạm ma tuý bị bắt giữ
Theo báo PLO, ngày 29/11, tại TP.HCM, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia năm 2023.
Tham dự và chỉ đạo hội nghị, về phía Việt Nam có Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04, trưởng đoàn. Về phía Campuchia có Đại tướng Khing Sà-rạt, Cục trưởng Cục Chống tội phạm ma tuý, Tổng cục Công an quốc gia, trưởng đoàn.
C04 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công an 10 tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã phát hiện 1.902 vụ, bắt giữ 3.595 đối tượng và thu giữ 65,6 kg heroin, 8 kg cần sa, 591,9 kg và gần 100.000 viên ma tuý tổng hợp.
Quá trình thực hiện cao điểm, Công an Việt Nam đã phá 413 vụ, bắt giữ 754 người, thu giữ hơn 406 kg ma tuý tổng hợp, hơn 6kg ketamine, 42,5 kg heroin, 300 gói nước vui cùng với nhiều vật chứng liên quan.
Công an 10 tỉnh giáp Campuchia và TP.HCM đã vận động đầu thú, bắt giữ 21 đối tượng. Đến nay, còn khoảng 13 đối tượng đang bị truy nã về tội phạm ma tuý, nghi trốn ở Campuchia.
Thời gian tới, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng phòng, chống ma tuý Campuchia xác minh, truy bắt các đối tượng này.
C04 cho biết, qua công tác tuyên truyền, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an 2.907 tin báo liên quan về an ninh trật tự. Trong đó, có 911 tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý 688 vụ với 770 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma tuý.
Đường biên giới dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho biết, tình hình tội phạm ma tuý diễn biến phức tạp. Hiện đã xuất hiện người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dưới vỏ bọc du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh để ngụy trang và móc nối với các đối tượng trong nước lập ra các doanh nghiệp, công ty bình phong, nhưng thực chất là để tổ chức sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
“Việt Nam và Campuchia đã phối hợp khám phá nhiều vụ án ma tuý và các đối tượng truy nã nguy hiểm. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy dọc theo tuyến biên giới hai nước chưa giảm, thậm chí còn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động”, - PLO dẫn lời tướng Viện.
Cũng theo lãnh đạo C04, bối cảnh hiện nay đòi hỏi cơ quan chức năng 2 nước phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy.
Mấy năm nay, trên tuyến biên giới Việt Nam -Campuchia, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng.
Các đối tượng triệt để lợi dụng đi lại, thông thương tiện lợi giữa hai nước, cũng như những khó khăn, sơ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua Thái Lan, Lào, Campuchia về Việt Nam rồi đưa đi nước thứ ba tiêu thụ.
Đặc biệt, thời gian trở lại đây còn xuất hiện xu hướng các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Campuchia qua tuyến biên giới về Việt Nam.
Trong đó, có cả bột ma túy thành phẩm, bao bì sau đó pha trộn, dập thành viên nén rồi đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh thành phía Nam, một số tỉnh phía Bắc Việt Nam hoặc tiếp tục vận chuyển sang nước thứ ba.
Theo báo Lao động Thủ đô, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài hơn 1.100 km gồm 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia; có 12 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu chính, 26 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở qua lại hai bên biên giới.
Đặc điểm vị trí địa lý này một mặt tạo ra nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy vậy, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để hoạt động phạm tội qua biên giới, trong đó có tội phạm về ma túy.