Nhận định về xu hướng Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam, chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang nắm nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông John Campbell - Phó giám đốc, Bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, các công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam, không chỉ nhằm thâm nhập thị trường Đông Nam Á, mà còn lấy đó làm “bàn đạp” để tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ.
Trung Quốc gia tăng đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam
Trong vòng 5 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là một trong top 5 quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Số liệu được Tổng cục Thống kê tổng hợp cho thấy, nếu như năm 2011, số vốn đăng ký của Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) là 1,3 tỷ đô la Mỹ thì đến năm 2017, số vốn đăng ký của Trung Quốc tăng 2,7 lần, bình quân mỗi năm tăng khoảng 18%.
Đặc biệt, kể từ khi thương chiến Mỹ – Trung nổ ra, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Bất chấp đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn đăng ký đầu tư mạnh vào Việt Nam và luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/11 cho thấy, trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3,31 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc) 3,15 tỷ USD, chiếm 19,2%; Trung Quốc 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7%; Đài Loan (Trung Quốc) 2,05 tỷ USD, chiếm 12,5%.
Về khối lượng đầu tư, chỉ tính đến hết tháng 9 vừa qua, số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho thấy, Trung Quốc đã đầu tư 2,92 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ hai sau Singapore (3,98 tỷ USD).
Tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trên 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, theo báo Công Thương.
Lý do nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam
Theo báo cáo vừa được Savills Việt Nam công bố, nhu cầu sản xuất sản phẩm năng lượng mặt trời đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt đối với khu vực phía Bắc.
Trina Solar - tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc, là nhà đầu tư lớn nhất tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên với hai nhà máy đang hoạt động ổn định.
Trina cũng đề xuất triển khai giai đoạn 3 của Dự án Nhà máy phát triển năng lượng tại Thái Nguyên với mức đầu tư dự kiến 420 triệu USD. Đây là mức đầu tư lớn nhất của Tập đoàn này tại nước ngoài trong lĩnh vực quang điện.
Thời báo Ngân hàng cũng dẫn lý giải của ông John Campbell - Phó giám đốc, Bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam về nguyên nhân khiến Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời.
Theo ông John Campbell, thứ nhất là lợi thế vị trí địa lý. Việt Nam có vị trí tiếp giáp Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất.
Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đi kèm lợi thế về giá đất công nghiệp cạnh tranh so với khu vực phía Nam, từ đó tạo sức hút riêng của các tỉnh trong khu vực đối với nhà đầu tư Trung Quốc.
Ông John Campbell lưu ý, mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam là điều đáng chú ý.
“Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đặc biệt, Việt Nam đồng thời sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao kèm chi phí lao động cạnh tranh.
“Chính phủ trong thời gian qua đã đưa ra các ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm hấp lực đầu tư tại Việt Nam trong tương quan với các thị trường lân cận”, đại diện Savills Việt Nam bày tỏ.
Theo chuyên gia, các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam, không chỉ nhằm thâm nhập thị trường Đông Nam Á mà còn lấy đó làm bàn đạp để tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng hơn.
Săn lùng bất động sản công nghiệp
Phó giám đốc, Bộ phận Dịch vụ công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, nhu cầu được ghi nhận từ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử và năng lượng mặt trời là rất lớn.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị sản xuất, nhiều chủ đầu tư tại Việt Nam đang rốt ráo nâng cao chất lượng xây dựng khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn của mình.
Trong đó, CNCTech là một trong những chủ đầu tư tích cực nhất, với khoản đầu tư đáng kể tại 6 tỉnh trên khắp Việt Nam với 19 khu công nghiệp trải rộng trên 5.487 ha. Nổi bật nhất là dự án tại Vĩnh Phúc.
Hiện nay, các khu công nghiệp trên toàn quốc nhìn chung có tỷ lệ lấp đầy cao (trên 80%), trong đó tỷ lệ lấp đầy ở các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và 91% ở các tỉnh trọng điểm phía Nam. Các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ở mức 83% trên cả nước.
Do đó, chuyên gia lưu ý, việc tìm kiếm mặt bằng trống và phù hợp là một thách thức với các doanh nghiệp sản xuất, và rất cần nhận được hỗ trợ từ các chuyên gia và chủ đầu tư với quy trình rõ ràng.
Campbell nhấn mạnh, thị trường bất động sản công nghiệp đang thay đổi với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn. Khi ngành sản xuất và hậu cần phát triển, các sản phẩm ngày càng đa dạng như nhà máy xây sẵn, nhà kho, cơ sở đa tầng, cơ sở kết hợp, tòa nhà được kiểm soát nhiệt độ và xây dựng phù hợp nhu cầu.
“Hiện nay, người thuê đã có nhiều lựa chọn hơn và không còn bị ràng buộc với thời hạn thuê đất rộng rãi hơn. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư”, đại diện Savills nêu nhận định.
Do đó, để thu hút các doanh nghiệp tốt nhất, các khu công nghiệp và nhà phát triển bất động sản xây sẵn nên tập trung phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cao và các ưu đãi.
Cùng với đó, chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của Việt Nam để nâng cao năng suất và hiệu quả.
Chính phủ Việt Nam cũng cần thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chuỗi cung ứng; đơn giản hóa thủ tục đầu tư và sử dụng đất, cũng như đẩy mạnh số hóa cũng là những vấn đề trọng tâm.
Tương tự, mới đây, CBRE ghi nhận, trong 9 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp được các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tìm kiếm tích cực đất công nghiệp và kho xưởng tại thị trường Việt Nam; chiếm khoảng 70 - 80% số lượng hỏi thuê tới CBRE tại khu vực phía Nam và phía Bắc.
VnEconomy dẫn dự báo của CBRE cho hay, trong hai năm tới, giá thuê đất công nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng ở ngưỡng 6-10%/năm tại cả phía Bắc và phía Nam.
Nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy giá thuê tăng trưởng tại nhiều địa phương. Cùng với đó, giá thuê kho xưởng xây sẵn dự báo tăng nhẹ từ 2-4%/năm trong 2 năm tới.
Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi…, thị trường Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là điểm đến được cân nhắc lựa chọn đầu tư.