Thủ phủ công nghiệp miền Bắc Việt Nam "ế" hơn 1.300 căn nhà ở công nhân
20:48 01.11.2023 (Đã cập nhật: 20:52 01.11.2023)
© Ảnh : BatdongsanGolden Park Đường Phương Cầu 1, Xã Phương Liễu, Huyện Quế Võ, Bắc Ninh
© Ảnh : Batdongsan
Đăng ký
Xây dựng gần 1.700 căn nhà ở công nhân, Bắc Ninh – "thủ phủ công nghiệp" của miền Bắc – mới chỉ bán được hơn 300 căn, vẫn "ế" hơn 1.300 căn.
VOV dẫn lời lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm vấn đề thuế thu nhập, đặc thù công nhân ngoại tỉnh hay chỉ tiêu, công tác quy hoạch...
Theo phản ánh trên Vnexpress, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Bắc Ninh mà có tồn tại ở một số địa phương khác, bao gồm TP.HCM. Theo các chuyên gia, quy định về mua nhà ở công nhân, nhà ở xã hội của Việt Nam hiện đã lỗi thời, cần được điều chỉnh.
Bắc Ninh "ế" nhà ở công nhân, nhà ở xã hội
Theo VOV, Bắc Ninh đến nay đã triển khai đầu tư 51 dự án nhà ở xã hội cho đối tượng là người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, với tổng diện tích đất khoảng 157ha.
Sau khi hoàn thành, các dự án dự kiến có thể cung ứng khoảng 3,9 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng hơn 46.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 180.000 người.
Trong số đó, dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp là 29 dự án, quy mô xây dựng 15.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 75.000 người, với 21 dự án đã hoàn thành và 8 dự án đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, Bắc Ninh cũng đang triển khai đầu tư 22 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng lên đến 31.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 105.000 người, gồm 7 dự án đã hoàn thành và 15 dự án đang chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Trong thời gian vừa qua, các chủ dự án đã rao bán gần 1.700 căn nhà ở công nhân. Tuy nhiên, số lượng bán được lại không nhiều, hiện 7 dự án đang ế khoảng hơn 1.300 căn nhà.
VOV dẫn lời Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng gần 6 nghìn căn nhà ở xã hội đã hoàn thành, nhưng hiện chỉ có khoảng hơn 3.000 căn được đăng ký mua.
Ít người đủ điều kiện mua nhà
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Dũng, là bởi nhà ở xã hội dành cho công nhân thường tập trung ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất trên địa bàn huyện, xã. Do vậy, người thu nhập thấp ở nông thôn không được phép mua, thuê, từ đó dẫn đến ít đối tượng đủ điều kiện mua.
Ngoài ra còn có nguyên nhân từ vấn đề thuế thu nhập. Theo quy định hiện hành, thu nhập trên 11 triệu đồng phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Với 11 triệu đồng mỗi tháng để chi tiêu sinh hoạt, lại còn phải gửi về gia đình, nhiều người dân không đủ điều kiện mua nhà.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, để công nhân mua được nhà ở, cần phải xem xét đến mức thu nhập. Bên cạnh đó, người lao động đa số là công nhân ngoại tỉnh nên không có nhu cầu mua nhà, đa số chỉ muốn thuê nhà ở. Do đó, phát triển loại nhà lưu trú sẽ phù hợp hơn.
"Chúng tôi đã trao đổi với Tổ công tác của Chính phủ về loại hình nhà lưu trú. Đây là loại hình nhà mà công nhân có nhu cầu nhiều nhất. Thời gian tới, để phát triển được nhà ở lưu trú công nhân thì Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, tham mưu để hình thành một hệ thống về tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu lựa chọn nhà đầu tư đến khâu quy hoạch, quản lý phát triển và sử dụng nhà ở xã hội", - VOV dẫn lời ông Nguyễn Tuấn Dũng.
Cũng theo ông, khi triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, địa phương còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến một loạt các vấn đề khác nữa, như chỉ tiêu, công tác quy hoạch...
Về chỉ tiêu, nhà ở xã hội được xây dựng với mật độ 1,5 lần và hệ số sử dụng đất cũng 1,5 lần, nhưng lại không quy định các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội. Do đó, việc triển khai quy hoạch rất lúng túng.
Về giá bán, theo quy định hiện nay, chỉ được thẩm định một lần ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, lãi suất khống chế 10%/năm, cùng với việc tăng giá vật liệu, lạm phát, lại không có các quy định hướng dẫn điều chỉnh giá khi hoàn thiện dự án.
"Thời gian tới, Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào Luật Sửa đổi trình Quốc hội thông qua cần lưu ý đến vấn đề liên quan về giá. Nếu giá được điều chỉnh hằng năm sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa việc tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân", - đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Còn theo Vnexpress, trong báo cáo vướng mắc về nhà ở xã hội mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đánh giá đa số công nhân ở Bắc Ninh có tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên thay đổi công việc. Ngoài ra, tỉnh cho rằng người lao động cũng chưa có thói quen ở nhà cao tầng.
Không chỉ riêng Bắc Ninh
Không chỉ riêng ở Bắc Ninh, tình trạng "ế" nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn tồn tại ở một số địa phương khác. Báo Vnexpress cho biết, sau khi rà soát, HĐND TP.HCM ghi nhận, một dự án nhà ở xã hội tại TP. Thủ Đức có hơn 1.000 căn dự kiến bàn giao cuối năm nay, nhưng chỉ có khoảng 100 hồ sơ đăng ký thuê nhà.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do một số bất cập trong chính sách hiện hành. Theo lý giải của đại diện chủ đầu tư dự án, trên thực tế có nhiều khách hàng thuộc nhóm đối tượng được hưởng chính hỗ trợ về nhà ở xã hội đã tìm hiểu, nhưng lại có rất ít hồ sơ đạt yêu cầu.
Theo quy định hiện hành, những người được mua nhà ở xã hội cần đáp ứng 3 điều kiện về nhà ở, cư trú và mức thu nhập.
Cụ thể, điều kiện về cư trú là phải có đăng ký thường trú tại nơi có dự án nhà ở xã hội hoặc đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên. Đối tượng mua nhà ở xã hội cũng không được thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức lương không quá 11 triệu đồng/tháng.
Theo các chuyên gia, những quy định này hiện đã lỗi thời, ví dụ giá nhà ở xã hội đã tăng gần gấp đôi sau 5 năm, nhưng cách xác định thu nhập thấp - điều kiện quan trọng để được mua nhà - vẫn giữ như 8 năm trước.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đã đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội, bỏ điều kiện về cư trú, cũng như nâng mức thu nhập lên cao hơn trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.