Báo Pháp luật TPHCM, Thanh Niên dẫn lời ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan tại cuộc tiếp xúc cử tri TPHCM ngày 30/11 nêu rõ, việc này cũng chứng tỏ quan điểm của Đảng và Nhà nước là “không có vùng cấm”, không miễn trừ cho dù đó là vi phạm của ai.
“Rất đau lòng”
Vụ ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhân dân, dư luận, trong đó, có cử tri TP.HCM.
Báo Thanh Niên tường thuật, chiều qua 30/11, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 7 gồm ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM; thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Phó chính ủy Quân khu 7, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP.HCM, đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Phú Nhuận sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Báo Pháp luật TPHCM cũng đưa tin lưu ý rằng, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri với tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 7 sau Kỳ họp thứ 6 QH khoá XV và tổ Đại biểu HĐND TP đơn vị 21 trước kỳ họp lần thứ 13, khoá X, chiều 30/11, cử tri quận Phú Nhuận đã bày tỏ quan tâm đến trường hợp của ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt mới đây.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Quốc Cường (ngụ P.10, Q.Phú Nhuận) đề cập đến trách nhiệm giám sát, khi mới đây xảy ra trường hợp ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bị Công an tỉnh Thái Bình (quê ông Nhưỡng) bắt để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự.
Theo báo Thanh Niên dẫn lời của cử tri Nguyễn Quốc Cường, ông Lưu Bình Nhưỡng có nhiều phát ngôn "dậy sóng", phê phán nhiều vấn đề liên quan tư pháp... nhưng nay xảy ra vụ việc, khiến cử tri “rất đau lòng”. Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát để phát hiện, cảnh báo sớm từ xa.
“Tôi đề nghị và mong các ĐBQH quan tâm thực hiện chức năng giám sát để phát hiện, cảnh báo, cảnh tỉnh sớm, từ xa, không xảy ra sai phạm nghiêm trọng của tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan, đơn vị Nhà nước”, Pháp luật TPHCM dẫn kiến nghị của cử tri quận Phú Nhuận cho hay.
‘Không có vùng cấm’
Ghi nhận và phản hồi lại ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ, ông Lưu Bình Nhưỡng là đại biểu Quốc hội khóa XIV, là Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đối với việc này, cần phải chờ xem cơ quan điều tra có kết luận thế nào.
“Đương nhiên đây là điều đáng tiếc, hổ thẹn. Nhưng nó cũng chứng tỏ quan điểm của Đảng, Nhà nước chúng ta là "không có vùng cấm", không phải là đại biểu Quốc hội, hay nổi tiếng... mà vi phạm pháp luật thì được miễn trừ”, theo báo Thanh Niên trích lại phát biểu của bà Lan.
Bà Lan nhấn mạnh với cử tri rằng, vụ việc của ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ được tiến hành giải quyết theo đúng quy trình.
“Qua đó, tôi cũng muốn nhấn mạnh là "không có vùng cấm". Bất cứ ai, nếu vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm, xử lý thích đáng của pháp luật. Nếu như chúng ta cứ cho rằng một người làm luật là không thể vi phạm luật, một bác sĩ không thể bệnh, một luật sư không thể gây tội thì không có... Chuyện gì xảy ra sẽ do trách nhiệm cá nhân mỗi con người”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.
Như Sputnik đưa tin, phát biểu mới đây tại buổi thông báo kết quả cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cũng phân tích rõ vụ việc của ông Lưu Bình Nhưỡng.
Trong đó, ông Yên khẳng định, các cơ quan chức năng đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng thẩm quyền.
Phó Ban Nội chính T.Ư quán triệt rằng, pháp luật của Việt Nam quy định rất chặt, nhất là pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự.
Để quyết định khởi tố một vụ án, quyết định khởi tố một bị can, đặc biệt áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam là cực kỳ nghiêm trọng.
“Những đóng góp tốt thì chúng ta phải ghi nhận nhưng những vi phạm của ông Lưu Bình Nhưỡng cũng phải xử lý. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết định xử lý thì cần tin có căn cứ”, Phó Ban Nội chính trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ, không một cơ quan nào có thể tự thực hiện. Toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra được viện kiểm sát cùng cấp kiểm soát trực tiếp, toàn diện và chịu trách nhiệm về việc phê chuẩn.
Nếu khó khăn, vướng mắc còn phải xin hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những vấn đề khác còn được các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm xử lý, chỉ đạo xử lý theo đúng quy định của Nhà nước, tổ chức.
Ông cũng chỉ rõ người dân chưa hiểu còn băn khoăn, lo lắng, ý kiến này, ý kiến khác nhưng hãy tin vào kết quả điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cũng theo ông Yên, trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có nhiều thông tin hơn để hiểu nhiều chiều, đánh giá công tâm, khách quan, đúng bản chất sai phạm về vụ án này.