Theo Thời báo Ngân hàng dẫn lời Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú bộc bạch, chưa bao giờ điều hành tín dụng lại khó khăn như thời gian qua trước nhiều áp lực bủa vây. Về phía ngành Ngân hàng đang phải giải quyết các vấn đề tồn đọng như vụ việc tại SCB, 3 ngân hàng 0 đồng vẫn đang tiếp tục xử lý.
Thanh tra Chính phủ thanh tra việc điều hành tín dụng của NHNN
Ngày 1/12, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng.
"Để kịp thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Thanh Tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tăng trường tín dụng", - VTV dẫn văn bản của
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Trước đó, tại cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng.
Theo Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong việc điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, điều chỉnh chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023.
Cơ quan thanh tra được giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12/2023 và kết quả thanh tra vào tháng 1/2024.
Công văn cũng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Tuy nhiên, đến nay, tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu quốc hội và các chuyên gia", - văn bản nêu.
Tăng trưởng tín dụng hiện mới đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra cả năm 2023 khoảng 14%. Ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chia lại room tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu.
Cụ thể, các ngân hàng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022.
NHNN cũng ưu tiên thêm cho những ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Văn phòng Chính phủ được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Vì sao tăng trưởng tín dụng còn thấp?
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng chiều 30/11, Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) có báo cáo cho biết, tính 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các TCTD.
Theo NHNN, dư địa còn lại từ nay đến hết năm của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương với các TCTD còn khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế. Với thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.
Đại diện NHNN lý giải, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.
Đầu tiên là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn chung (xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh), cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...).
Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).
Áp lực bủa vây công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ tại cuộc họp với Phó Thủ tướng:
"Chưa bao giờ điều hành tín dụng lại khó khăn như thời gian qua trước nhiều áp lực bủa vây. Về phía ngành Ngân hàng đang phải giải quyết các vấn đề tồn đọng như vụ việc tại SCB, 3 ngân hàng 0 đồng vẫn đang tiếp tục xử lý", - theo Thời báo Ngân hàng dẫn lời Phó Thống đốc cho biết.
Năm 2023 thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Chính vì vậy, tất cả đổ dồn lên thị trường tiền tệ, tín dụng.
"Trước thực tế này, NHNN cũng mong muốn gánh vác khó khăn của nền kinh tế thông qua việc làm tối đa trách nhiệm. Điều này minh chứng trong thời gian qua, ngành Ngân hàng triển khai rất nghiêm túc các Nghị quyết, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", - Phó Thống đốc nói.
Rút kinh nghiệm năm ngoái, ngay từ đầu năm nay, NHNN phân bổ tăng trưởng tín dụng và đến tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm nay khác năm trước mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
Nắm bắt thực tế trên, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh ngay điều chuyển từ ngân hàng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các ngân hàng đang thiếu "room" tín dụng và không làm thay đổi tổng mức tín dụng 14,5%.
Hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, tất cả phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là "bài toán khó".
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2023, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.