Đáng chú ý, thời điểm chuyến thăm của Thủ tướng Hoàng gia Campuchia đến Hà Nội khá trùng với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (thăm Việt Nam từ 12-13/12).
Những chuyến thăm cấp cao dồn dập đến Hà Nội cho thấy vị thế ngày càng được nâng lên của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Campuchia thăm Việt Nam
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7/12 cho biết, Thủ tướng Hoàng gia Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, sẽ thăm chính thức Việt Nam ngay trong tháng 12 này.
"Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, ngài Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 - 12/12/2023", - VOV dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Việt Nam, có thể nói, là đất nước vô cùng thân thuộc đối với con trai ông Hun Sen. Tuy nhiên, đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet đến Việt Nam trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Gần nhất, ông Hun Manet đến Việt Nam hồi tháng 8/2022 trên cương vị Phó Tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Việt Nam và Campuchia vốn là hai quốc gia láng giềng gần gũi, thân thiết, có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời.
Mối quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Phnom Penh được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước giày công vun đắp, đồng thời, đã trở thành tài sản chung quý giá của hai dân tộc.
Những chuyến thăm dồn dập khẳng định vị thế của Việt Nam
Như Sputnik đã đưa tin, cũng trong ngày hôm nay, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra thông cáo về chuyến thăm chính thức đến Hà Nội trong hai ngày 12-13/12 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện.
Các thông cáo dồn dập về những chuyến thăm cấp cao, đặc biệt, chuyến công du của Thủ tướng Campuchia Hun Manet diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình càng thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế, khẳng định vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam về chính sách đối ngoại.
Năm 2023 được coi là năm ngoại giao rất thành công của Việt Nam. Đánh giá tổng thể trước đó, chính bản thân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã nhấn mạnh rằng, năm 2023, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về hoạt động đối ngoại.
Như đã thông tin, phát biểu với cử tri hôm 5/12, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh rằng, năm 2023 là hoạt động đối ngoại rất sôi động và phong phú, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các kênh, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, trên tất cả các diễn đàn, các đối tác.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã đặt quan hệ với 193 nước. Việt Nam có các khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia.
Trong đó, đối với các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước G7, Việt Nam đã có quan hệ khuôn khổ cao là đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược. Việt Nam là thành viên của 70 diễn đàn, cơ chế hợp tác quốc tế; ký được 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới.
Như đã biết, năm nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ với tất cả các quốc gia lớn khác như Nga, Trung Quốc, khối Liên minh châu Âu..
"Phải khẳng định rằng, năm 2023, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động đối ngoại. Điều nay làm cho vị thế, uy tín của đất nước trong trường quốc tế tăng lên. Tham dự một số hoạt động song phương, đa phương ở một nước lớn như Hòa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản…ở bất kỳ nơi nào, tôi cũng thấy được sự đánh giá cao các các quốc gia trước sự nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục những khó khăn, thách thức để trở thành điểm sáng về kinh tế", - Chủ tịch Võ Văn Thưởng cho biết.
Lịch trình dự kiến của Thủ tướng Manet ở Việt Nam
Năm 2023 đánh dấu 56 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967-24/6/2023).
Với hơn nửa thế kỷ xây dựng, vun đắp và phát triển quan hệ bền chặt, Việt Nam – Campuchia đã luôn chứng minh cho thế giới thấy mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, không thế lực nào có thể can thiệp, phá hoại.
Với tính chất chuyến thăm cấp cao theo lời mời của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, theo thông lệ, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, hai Thủ tướng sẽ có cuộc gặp hẹp, sau đó hội đàm và chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác.
Thủ tướng Việt Nam và Campuchia cũng sẽ đến thăm, trò chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương và dự Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam - Campuchia.
Đáng chú ý, cũng trong chuyến thăm đến Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Campuchia lần này, Thủ tướng Hun Manet sẽ đến chào và hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Quan hệ Việt Nam – Campuchia rất tốt đẹp
Chuyến thăm của ông Hun Manet đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ Hà Nội – Phnom Penh phát triển hết sức tốt đẹp với nhiều kết quả tích cực.
Các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Chuyến thăm gần đây nhất của một lãnh đạo Campuchia diễn ra vào đầu tháng 12-2023 (Chủ tịch Quốc hội Campuchia Khuon Sudary đến Việt Nam).
Hồi tháng 9 tại Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Hun Manet đã gặp mặt trực tiếp khi cùng dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Tháng 10/2023, con trai của ông Hun Sen cũng đã gặp gỡ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn cấp cao Vành đai con đường lần thứ ba.
Hợp tác kinh tế - thương mại là một trong các trụ cột của quan hệ Việt Nam – Campuchia. Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 10,57 tỷ USD năm 2022, tăng gần 11% so với năm 2021. Kim ngạch hai chiều 9 tháng đầu năm 2023 đạt 6,5 tỷ USD. Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều mặt hàng nông sản của Campuchia.
Cùng với đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, Việt Nam hiện có 205 dự án đầu tư đang còn hiệu lực tại Campuchia với số vốn lên tới hơn 2,9 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Campuchia đứng thứ hai trong số các quốc gia mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất.
Ngoài kinh tế, hợp tác an ninh, quốc phòng, quân sự được duy trì ổn định. Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành cắm mốc 84% đường biên giới trên đất liền. Các năm qua, hai bên đều nỗ lực hoàn thành nốt 16% khối lượng phân giới cắm mốc.
Lãnh đạo hai nước đều tin tưởng rằng, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia còn rất lớn do đó, Chính phủ hai nước đều hết lòng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, địa phương hai bên tăng cường hơn nữa về hợp tác kinh tế, kết nối giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng, nâng cấp thêm các cửa khẩu, thắt chặt liên kết giữa nhân dân hai nước, phối hợp bảo đảm giữ vững ổn định, an toàn và an ninh biên giới, ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới.