Chuyện đáng kinh ngạc

Việt Nam: Chàng trai khuyết tật tự lập công ty công nghệ sau hàng chục lần nhà tuyển dụng từ chối

HÀ NỘI (Sputnik) - Đam mê công nghệ thông tin từ nhỏ, sau hàng chục lần đi xin việc bị từ chối, Lê Thúc Vinh, chàng trai với chiếc lưng cong do di chứng của căn bệnh cong vẹo cột sốt đã thành lập công ty riêng về công nghệ, tạo cơ hội phát triển cho bản thân và bạn bè cùng hoàn cảnh.
Sputnik
Hiện anh Lê Thúc Vinh là người sáng lập - CEO của Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Vidoco (Vidoco) chuyên về công nghệ thông tin và kiêm luôn việc đào tạo nghề cho những người khuyết tật. Sputnik có cơ hội phỏng vấn chàng trai nghị lực này.
Lê Thúc Vinh là người sáng lập - CEO của Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Vidoco
Sputnik: Chào anh Lê Thúc Vinh, xin anh cho biết động lực gì giúp anh thành lập Công ty Cổ phần công nghệ VIDOCO sau rất nhiều lần các nhà tuyển dụng từ chối?
Anh Lê Thúc Vinh:
Tôi tự thành lập công ty trước hết là giúp mình. Lúc đó, đơn giản mình chỉ cần một công việc gì đó để làm để tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân. Rồi có một, hai bạn cùng hoàn cảnh theo học nghề, cùng làm. Thế là công ty ra đời. Mình hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội là để tạo ra nhiều cơ hội công việc hơn.
Anh Lê Thúc Vinh là người sáng lập - CEO của Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Vidoco (VIDOCO)
Sputnik: Từ năm 2017 đến nay, VIDOCO đã đạt được những thành tựu nào, đặc biệt đối với người khuyết tật?
Anh Lê Thúc Vinh:
Từ lúc thành lập 2017, trải qua rất nhiều khó khăn ban đầu, đợt dịch COVID-19 vừa kết thúc thì tiếp tục đợt suy thoái kinh tế vừa rồi. Với kiến thức kinh doanh khởi đầu hầu như không có, minh chỉ biết chuyên môn nên càng khó khăn hơn.
Ngoài ra, sự giúp đỡ của những anh chị, đối tác, khách hàng, đến thời điểm hiện tại, VIDOCO cũng đã có những thành tựu nho nhỏ. Đội ngũ nhân sự cũng được 15-16 bạn. Một số cộng tác viên sức khoẻ yếu thì làm từ xa qua internet.
Anh Lê Thúc Vinh là người sáng lập - CEO của Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Vidoco (VIDOCO)
Những nỗ lực của VIDOCO cũng đã nhiều lần được Phòng Thương mại, Bộ Công Thương vinh danh và khen tặng.
Đối với người khuyết tật. Hơn 5 năm qua, VIDOCO đào tạo và giới thiệu việc làm cho hơn 300 bạn là người khuyết tật trẻ có được việc làm đem lại thu nhập từ 3-12 triệu. Cùng đồng hành để họ có con đường sự nghiệp nuôi bản thân, giảm gánh nặng xã hội.
Chuyện đáng kinh ngạc
Chiến thắng ung thư, kình ngư Việt ‘truyền lửa’ đam mê cho trẻ khuyết tật
Sputnik: Trong quá trình vận hành VIDOCO cùng với các đồng nghiệp giống mình, khó khăn nào khiến anh phải suy nghĩ nhất? Điều gì giúp anh vượt qua những thử thách này?
Anh Lê Thúc Vinh:
Khó khăn nhất chủ yếu là về vấn đề chuyên môn của các bạn. Các bạn hầuhết đều không được đào tạo chính quy. Do đó, mình và anh em không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ.
Tại công ty mình, lương có thể chưa cao nhưng vấn đề học là luôn ưu tiên hàng đầu. Bởi vậy, các bạn mình luôn cử đi học những lớp ngắn hạn và dài hạn để bổ trợ kiến thức còn thiếu.
Anh Lê Thúc Vinh là người sáng lập - CEO của Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Vidoco (VIDOCO)
Sputnik: Được biết ngoài VIDOCO, anh còn sáng lập Trung tâm Tiếp Lửa để làm cầu nối cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ học nghề, kiếm việc làm. Anh có thể chia sẻ thêm về Trung tâm Tiếp Lửa?
Anh Lê Thúc Vinh:
Trung tâm Tiếp lửa đầu tiên là một câu lạc bộ dành cho các bạn người khuyết tật trên Facebook. Trung tâm được hình thành trước cả VIDOCO. Mục đích ban đầu chủ yếu là giao lưu, kết nối làm quen.
Sau đó thì mình tổ chức đào tạo nghề như một trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Định hướng cho các bạn.
Đến năm 2021, để hoàn thiện quy trình và hoạt động bài bản, Trung tâm đã chuyển lên thành Doanh nghiệp xã hội. Từ đó đào tạo nghề và liên kết đào tạo tốt hơn.
Việt Nam có 400 doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ
Sputnik: Anh có thể chia sẻ dự định trong tương lai với VIDOCO, Trung tâm Tiếp lửa cũng như những dự án tới đây dành cho người khuyết tật?
Anh Lê Thúc Vinh:
Mình đang ấp ủ 2 dự án lớn. Đầu tiên là thành lập trường đào tạo nghề cho các bạn khuyết tật một cách chính quy hơn, bài bản hơn, với đầy đủ cơ sở trang thiết bị. Đây là con đường dài phía trước. Với khả năng tài chính hiện tại thì không biết liệu có thành hiện thực hay không, nhưng mình luôn hành động mỗi ngày.
Tiếp theo là dự án “sàn thương mại điện tử” dành cho các bạn khuyết tật. Đây sẽ là nơi giúp các bạn kinh doanh đồng thời bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các bạn làm ra. Hơn nữa, mình muốn tạo 1 môi trường liên kết các doanh nghiệp xã hội lại với nhau, để cùng xây dựng và phát triển. Dự án này dự kiến tháng 12 chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Sputnik: Cảm ơn anh về buổi nói chuyện thú vị! Chúc anh và các bạn sớm đạt được mục tiêu của mình trong tương lai.
Thảo luận