Nếu hai chục năm trước, khu vực này đóng góp 16% GDP thì giờ chỉ còn 12% GDP. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với TPHCM thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
“ĐBSCL đang tụt hậu”
TTXVN cho biết, ngày 12/12, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết, đồng bằng sông Cửu Long đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI).
Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của khu vực này đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình của khu vực DDBSCL lại thấp hơn so với cả nước.
“Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, Đồng bằng sông Cửu Long vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp”, ông Phạm Tấn Công nói.
Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023, theo lãnh đạo VCCI, là “rất có ý nghĩa” và “phù hợp với yêu cầu đặt ra của quá trình cải cách”.
Kết quả nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên khu vực này khẳng định việc cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững thời gian tới.
TTXVN cho hay, báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 do VCCI phối hợp với Trường Đại học Fulbright thực hiện.
TS Vũ Thành Tự Anh, Trường ĐH Fullbright, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, “thể chế, quản trị và liên kết vùng” được xem là nội dung then chốt, có ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực ĐBSCL.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực giàu tiềm năng nhưng hiện đang đi chậm lại so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước.
“Nếu như hai thập niên trước, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%”, báo cáo cho hay.
Thậm chí, so với Thành phố Hồ Chí Minh mức độ tụt hậu còn nghiêm trọng hơn.
“Nếu như vào năm 2000, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ nhỉnh hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long một chút, thì đến nay, GRDP của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ xấp xỉ 3/4 so với Thành phố Hồ Chí Minh”, báo cáo chỉ rõ.
Sự tương phản giữa một quá khứ đầy triển vọng và hiện tại kém tươi sáng là ẩn ý sau nhận xét “đồng bằng đi trước về sau”.
Các chuyên gia lưu ý, điều quan trọng hơn, là chính sự tương phản này, cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng, sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng vốn được ví là “vựa lúa của cả nước” này ra bên lề hành trình phát triển của đất nước.
VCCI cho hay, báo cáo được công bố lần này cũng chỉ ra ba vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội – môi trường, trong đó, tăng trưởng đầu tư của đồng bằng sông Cửu Long tuy được duy trì ổn định nhưng xét chung vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến cho tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022.
Thêm vào đó, giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng đầu tư thực trung bình của khu vực này chỉ đạt 5,2%, do đó, cần có các cơ chế chính sách và giải pháp tháo gỡ kịp thời về cơ chế quản trị, điều phối, liên kết vùng hiệu quả.
TS. Vũ Thành Tự Anh lưu ý, vấn đề liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TPHCM mà còn là cơ sở tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư”, chuyên gia nhấn mạnh.
6 nhóm nguyên nhân
Theo cáo cáo, có 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện tại ở ĐBSCL.
Trong đó có điều kiện tự nhiên, công nghệ, vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư – kinh doanh và cơ chế quản trị - hợp tác – liên kết vùng.
Tại sự kiện, Giám đốc VCCI Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Phương Lam nêu ý kiến, rằng để giải quyết 6 nhóm nguyên nhân này, hướng đến tháo gỡ một trong những mắt xích của 3 vòng xoáy kinh tế - xã hội – môi trường để tạo vòng xoáy đi lên.
“Đồng bằng sông Cửu Long đang cần nhận diện các điểm nghẽn hay nút thắt của thể chế, quản trị và mối liên kết hợp tác vùng”, ông nói.
Theo ông Lam, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright tập hợp trên 30 chuyên gia trong và ngoài nước tham gia biên soạn trong suốt một năm qua nhằm cung cấp kết quả nghiên cứu khách quan, tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, chính quyền địa phương.
Báo cáo được ra mắt trong bối cảnh, các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương, đồng thời, vùng cũng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh nhằm khai thác nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng hướng quy hoạch, tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt.
“Có như thế, Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 13-NQ-TW đề ra”, chuyên gia lưu ý.
Di dân nhiều nhưng lao động ở ĐBSCL vẫn thất nghiệp
Thông tin tại sự kiện, TS Vũ Thành Tự Anh, dẫn báo cáo tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn cao nhất nước, thu nhập bình quân của người dân khu vực này luôn thấp hơn bình quân cả nước.
Ông Anh cho hay, chỉ khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh năm 2020, 2021 thì người lao động mới trở về đồng bằng sông Cửu Long nhưng hết dịch dân lại di chuyển đến các vùng khác tìm việc làm. Cho rằng đây là quy luật khách quan của thị trường, lao động sẽ đổ về đâu có nhiều cơ hội nhất, có điều kiện phát triển nhất, TS.Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, đây là điều đáng suy nghĩ đối với các nhà làm chính sách.
“Khi chúng ta chấp nhận phải có lượng di dân, nhưng ngay khi di dân rồi thì với lực lượng còn lại vẫn thất nghiệp cao, vẫn thiếu công ăn việc làm. Thực trạng đó có nghĩa là chúng ta đang thiếu cơ hội nội sinh của nền kinh tế ĐBSCL”, Tuổi Trẻ dẫn phát biểu của TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết.
Ở góc độ khác, tỷ lệ doanh nghiệp/ngàn dân của ĐBSCL cũng chỉ bằng 40% cả nước. 9 tháng đầu năm nay, khu vực này cùng với đồng bằng Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung là các vùng có lượng doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn thấp so với số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động.
Tuy vậy, vẫn có điều thú vị, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, là ở ĐBSCL, dù các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng tỷ lệ doanh nghiệp lãi lại cao với khoảng 52% các doanh nghiệp trong vùng báo có lãi.
“Có một lý do đằng sau chuyện này là không gian kinh tế chúng ta còn rộng rãi, mức độ cạnh tranh chưa quá gay gắt nên kinh doanh ở đây vẫn dễ có lãi hơn các vùng khác, tuy nhiên, có lãi đấy, nhưng lại rất mỏng, nên làm sao phải tăng lên”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
Ông phân tích, lãi mỏng là do chi phí cao, phí logistics, nguyên vật liệu đầu vào đều cap, trong khi giá bán thì phải theo thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các vùng khác.
“Nước đang miễn phí nên vô cùng lãng phí”
Phát biểu tại hội nghị, nói về vấn đề nguồn nước, ông Patrick Haverman (đại diện Tổ chức UNDP tại Việt Nam) cho rằng, Việt Nam cân nhắc thành lập các tổ chức lưu vực sông để hỗ trợ quản lý nước từ góc độ người dân.
Chuyên gia cho rằng, tổ chức này được thành lập duy nhất cho ĐBSCL hoặc 2-3 tổ chức cho các tiểu vùng khác có chế độ thủy văn tương tự.
Tổ chức này sẽ có chức năng quản lý, vận hành, tham vấn cho các bên sử dụng nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Đơn vị này cũng có trách nhiệm thu thập, phổ biến thông tin liên quan đến nước, phục vụ truyền thông cho các bên sử dụng nước bao gồm cả người dân và doanh nghiệp, cũng như thông tin chuyên sâu cho các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, từ đó mang lại giá trị lợi ích cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, báo cáo năm nay đưa ra một trong những khuyến nghị đáng chú ý là vấn đề tôn trọng quy luật tự nhiên, coi tất cả các nguồn nước đều là nguồn tài nguyên quý giá một các bài bản về chiến lược và chính sách nông nghiệp để sử dụng tài nguyên nước thật hiệu quả trước khi quá muộn.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh: “Chúng tôi muốn nói về 3,5 triệu ha lúa, về an ninh lương thực, về phát triển các lĩnh vực lúa giảm phát thải, tăng giá trị gia tăng, thân thiện, bền vững về môi trường. Cần đưa các nội dung quản lý tài nguyên nước tại khu lưu vực sông vào Luật Tài nguyên nước”.
Chuyên gia cho rằng, cần áp dụng cơ chế thị trường vào quản lý nước, có thể khuyến nghị này gây tranh cãi, nhưng chuyên gia lưu ý, cái gì miễn phí thì thường sẽ bị sử dụng rất lãng phí.
Do nước đang miễn phí nên vô cùng lãng phí nhưng hiện nay đã khan hiếm rồi và đang chuẩn bị thiếu nước vào mùa khô, do đó, ông Anh kiến nghị, cần coi nước là hàng hóa kinh tế và phải định giá.
“Định giá thế nào, lộ trình ra sao, hỗ trợ ngược lại cho nông dân thế nào là câu chuyện chính sách cần phải bàn. Tôi không tin chúng ta tiếp tục miễn phí nước thế này là giải pháp bền vững về môi trường”, ông Vũ Thành Tự Anh bày tỏ quan điểm.
Tại hội nghị, các đại biểu cho biết, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự suy giảm sức cầu cả trong và ngoài nước đang khiến tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 4,2% so với cùng kỳ.
Điều này dẫn đến hệ quả là dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm nay chỉ trên dưới 5%, thấp hơn nhiều mục tiêu ban đầu là 6,5% do Quốc hội đặt ra.
Xét về trung hạn, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng ổn định khoảng 6-7% giai đoạn 2024-2028.