Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã rời Hà Nội chiều 12/12, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 – 12/12 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính.
Ông Hun Manet lần đầu thăm Việt Nam với tư cách là Thủ tướng chính phủ Hoàng gia Campuchia
Việt Nam là nước thứ ba trong các chuyến công du nước ngoài của tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet năm 2023. Trước đó, ông đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia với tư cách tân thủ tướng Campuchia và là nguyên thủ quốc gia trẻ nhất dự hội nghị thường niên của tổ chức này. Chuyến thăm Trung Quốc Trung Quốc của ông cũng diễn ra trong tháng 9/2023 trước khi ông tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế “Một vành đai-Một con đường” (BRI) tổ chức tại Bắc Kinh trung tuần tháng 10/2023.
“Tính chất đặc biệt của chuyến thăm này nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên, ông Hun Manet đến thăm Việt Nam với tư cách Thủ tướng chính phủ Hoàng gia Campuchia. Tương tự như trường hợp của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, những chuyến công du ngoại giao đầu tiên đến bất kỳ đâu của một nguyên thủ quốc gia cũng đều có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp tốt để họ chứng tỏ bản lĩnh của mình, chứng tỏ vị thế của quốc gia mà mình là đại diện”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Đối với hai quốc gia Campuchia và Việt Nam, chuyến thăm của tân thủ tướng Hun Manet nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Mục đích đó nằm trong khuôn khổ các hoạt động tăng cường hợp tác ba bên giữa ba quốc hội Việt Nam, Lào và Campuchia vừa diễn ra tại Viêng Chăn (Lào).
Trong hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chân thành tỏ lòng biết ơn quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot; trân trọng truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân, đế quốc trước đây.
“Lời cảm ơn chân thành này không chỉ chứng tỏ rằng thế hệ lãnh đạo hiện nay của Campuchia luôn kế tục truyền thống của các thế hệ đi trước và hiện nay vẫn luôn ghi nhớ công lao của “Đội quân nhà Phật” đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi sự diệt vong mà còn đánh tan những luận điệu xuyên tạc, có hàm ý kích động, chia rẽ rằng “Campuchia đang rơi vào vòng tay của Trung Quốc”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Hầu hết các lĩnh vực quan hệ song phương đều được đặt lên bàn nghị sự
Các chuyên gia đều có bình luận chung về kết quả chuyến thăm này như sau: Hai bên đều thống nhất không đặt mục tiêu quá cao cho chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet mà chỉ giới hạn ở mức độ “rà soát kết quả hợp tác và thảo luận để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả” (trích nguyên văn từ bài báo “Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Manet thăm chính thức Việt Nam” đăng trên Tạp chí Cộng sản số ra ngày 11/12/2023).
“Tuy hai bên không đặt mục tiêu quá cao cho chuyến thăm, kết quả của cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu do thủ tướng hai nước dẫn đầu cho thấy có rất nhiều vấn đề được thảo luận và thống nhất trên tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Hầu hết các lĩnh vực quan hệ song phương đều được đặt lên bàn nghị sự”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, về chính trị có điểm nhấn là phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác quan trọng giữa Chính phủ hai nước, trong đó có cơ chế “Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật” và “Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới”; tăng cường kết nối, giao lưu giữa thanh niên và lãnh đạo trẻ hai nước; cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực để kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2024), theo đó Campuchia sẽ cử lãnh đạo Chính phủ sang Việt Nam dự Lễ kỷ niệm ngày 7-1, ngày giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Về hợp tác quốc phòng và an ninh có hai điểm nhấn quan trọng. Một là kiên định nguyên tắc không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để chống lại nước kia. Hai là phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới và cùng nhau hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Việc hoạch định và cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia đối với 16% độ dài biên giới chung còn lại cũng được hai bên nhất trí xúc tiến một cách thực chất.
“Về hợp tác phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư có ba điểm mới là gắn kết nối cơ sở hạ tầng với kết nối về thể chế và chính sách, phát triển biên mậu ở cả hai bên biên giới, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước. Việc phát triển kinh tế cũng gắn liền với việc kết nối giao thông đường bộ cao tốc và giao thông đường không, phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch tay ba “Một hành trình ba điểm đến” giữa Campuchia, Lào và Việt Nam”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phát biểu với Sputnik.
Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng cũng lưu ý: các vấn đề quốc tế được hai bên đề cập đến trong phạm vi hẹp gồm Biển Đông, tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN. Campuchia chỉ sở hữu 443 km đường bờ biển phía Đông Bắc Vịnh Thái Lan là khu vực biệt lập, ít liên quan đến Biển Đông. Việc phân định ranh giới và hợp tác biển trên Vịnh Thái lan chủ yếu do ba nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam thu xếp theo UNCLOS-1982. Vấn đề tiểu vùng sông Mê Kông thì vừa đạt được một số kết quả về quản lý và chia sẻ nguồn nước tại được Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 8 đã diễn ra tại Bắc Kinh đầu tháng 12/2023. Đối với vấn đề còn lại là ASEAN, hai bên cam kết ủng hộ Lào hoàn thành vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 và AIPA 2024; thúc đẩy hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và Tiểu vùng Mekong mở rộng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.
Vì trong chuyến thăm Campuchia cách đây hơn một năm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã ký kết tới 11 văn kiện hợp tác nên trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Campuchia, hai bên chỉ tiếp tục ký kết 3 văn kiện mới, là sự bổ sung hợp lý cho các cam kết trước đó giữa hai bên, gồm:
Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia;
Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Campuchia;
Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Ngoại giao và Quan hệ quốc tế Campuchia.
“Mặc dù mục tiêu và kết quả chuyến thăm và làm việc của tân Thủ tướng trẻ tuổi chưa gây được tiếng vang lớn, nhất là chuyến thăm này là “gối đầu” với chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; nhưng dù sao, đó cũng là thành công đầu tiên của Samdech Thipadei Hun Manet, một trong các nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi ở khu vực ASEAN đến một đất nước vừa là láng giềng hữu nghị, vừa là bạn bè truyền thống, vừa là ân nhân của nhân dân Campuchia”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long đưa ra đánh giá về kết quả chuyến thăm, trả lời phỏng vấn của Sputnik.