Bà Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm bị cáo buộc tham ô tài sản, đưa hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Dư luận cũng quan tâm, trong đại án này, liệu nhà chức trách có thu hồi được số tiền thiệt hại khổng lồ chưa từng có từ trước đến nay hay không.
Trương Mỹ Lan rút hơn 1 triệu tỷ đồng khỏi SCB
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã công bố cáo trạng truy tố 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.
Theo đó, như Sputnik đã thông tin, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị cáo buộc 3 tội danhgồm tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Kết quả điều tra cho thấy, trong giai đoạn 10 năm từ 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm của mình (1.000 khoản cho cá nhân, 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng.
Tiền được giải ngân để phục vụ cho hoạt động của toàn bộ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát và mục đích cá nhân của bà Lan.
Tính đến thời điểm bắt bà Lan và khởi tố vụ án (tức tháng 10 năm ngoái), nhà chức trách xác định, tổng dư nợ (cả gốc và lãi) mà SCB không có khả năng thu hồi đối với nhóm bà Trương Mỹ Lan là hơn 677.000 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các các tài sản đủ điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 498.000 tỷđồng của ngân hàng SCB.
Cùng với đó, bà Trương Mỹ Lan cũng bị truy tố về 2 tội danh, tương ứng với hai thời kỳ thực hiện hành vi phạm tội khác nhau. Thứ nhất, từ 1/1/2012 – 31/12/2017, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, với số tiền thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng.
Thứ hai, từ ngày 9/2/2018 – 7/10/2022 (sau khi bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực), bà Lan bị cáo buộc phạm tội tham ô tài sản, với số tiền chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, đồng thời gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng tiền lãi và chi phí phát sinh. Tất cả đã được cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can.
Đối mặt khung hình phạt tử hình
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội Tham ô tài sản quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Báo Dân Trí dẫn Khoản 4, Điều 253 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người phạm tội chiếm đoạt số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Bị can Bị can Đỗ Thị Nhàn (57 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cũng bị truy tố về tội Nhận hối lộ quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (khung hình phạt 20 năm, chung thân hoặc tử hình).
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối) nhận định, vụ án này đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức, hành vi thủ đoạn xảo quyệt, xảy ra trong thời gian dài, số tiền thiệt hại, chiếm đoạt cực kỳ lớn thế nên có thể thấy tất cả các tội mà bà Trương Mỹ Lan đối diện đều ở khung hình phạt cao nhất của các tội.
Theo tạp chí Sở hữu trí tuệ dẫn quan điểm của luật sư, với quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tổng hợp hình phạt thì có 3 khả năng có thể xảy ra.
Thứ nhất: Nếu tội tham ô tài sản bị tuyên tử hình thì các hình phạt khác ở các tội khác cộng lại vẫn áp dụng là tử hình.
“Đây có lẽ là trường hợp mà bà Trương Mỹ Lan có thể phải lưu tâm, suy nghĩ nhiều nhất”, - luật sư nói.
Thứ hai: Nếu bị tuyên chung thân ở nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản thì tổng hợp hình phạt cả các tội khác cộng lại vẫn là chung thân. Nếu thoát tử hình thì khả năng rất cao mức hình phạt có thể áp dụng là tù chung thân.
Thứ 3: Nếu mức hình phạt ở các tội không phải là chung thân, tử hình thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.
Thu hồi được không?
Số tiền mà Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt và gây thiệt hại là lớn nhất từ trước đến nay trong một vụ án hình sự.
Trả lời liệu hậu quả thiệt hại vụ án lên tới hơn 498.000 tỷ đồng có thể khắc phục được không, luật sư Hà Công Tâm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, việc xác định hậu quả vụ án cũng như khắc phục hậu quả sẽ phụ thuộc vào bản án có hiệu lực pháp luật mà tòa tuyên.
“Trường hợp tòa án xác định bà Lan và đồng phạm có tội, gây thiệt hại cho SCB, thì những người này phải có trách nhiệm bồi thường cho ngân hàng”, - báo Thanh Niên dẫn lời luật sư Tâm nhấn mạnh.
Đối với số tiền thiệt hại khổng lồ như cáo buộc của viện kiểm sát, luật sư Hà Công Tâm cho hay điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Một trong những yếu tố quan trọng, đó là việc kê biên tài sản và tự nguyện khắc phục hậu quả trong quá trình giải quyết vụ án”, - luật sư nói.
VKSND Tối cao cho hay, trừ bà Lan và 5 bị can đang bỏ trốn, 80 người còn lại đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Nhiều bị can còn tích cực phối hợp cùng cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án và nộp tiền, tài sản khắc phục.
Thu giữ, kê biên số lượng tiền, tài sản khủng trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, trong giai đoạn điều tra đã thu giữ hơn 590.000 tỷ đồng và gần 15 triệu USD.
Trong đó, thu giữ của ông Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Greenhill Village 14,5 triệu USD. Được biết, đây là nguồn tiền mà bà Lan đưa cho ông Việt để nhận chuyển nhượng dự án Greenhill Quy Nhơn; thu giữ của Trần Văn Hùng, nhân viên tòa nhà Sherwood ở quận 3, TPHCM 190.000 USD.
Theo SGGP, gia đình bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nhị, Trương Huệ Vân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án là hơn 118.700 tỷ đồng và 306.000 USD, thu giữ của ông Nguyễn Phú Tiên, Giám đốc Công ty TNHH An Nhựt Long An số tiền 50 tỷ đồng - là nguồn tiền bà Lan thanh toán chuyển nhượng dự án khu dân cư Chợ Mới.
Bị can Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư quảng trường thời đại Times Square, đã khắc phục 1 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cũng thu giữ của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương 414 tỷ đồng - là nguồn tiền bà Lan giao cho các cá nhân tại doanh nghiệp trên nắm giữ 66,93% vốn điều lệ.
Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ thêm của các bị can số tiền hơn 55.400 tỷ đồng. Hiện nay, các cơ quan tố tụng đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ bị can mở tại các ngân hàng, tổng số tiền gần 1.900 tỷ đồng và hơn 8,4 triệu USD.
Đã tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng; tạm giữ 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chức, 147 bản thỏa thuận bồi thường các thửa đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án Bắc Phước Kiểng thuộc huyện Nhà Bè, TPHCM.
Cơ quan chức năng cũng kê biên 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến bà Trương Mỹ Lan; kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của 7 bị can; kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại tỉnh Quảng Ninh liên quan tới thỏa thuận hợp tác với bà Lan.
Cơ quan công tố cũng cho hay, đối với tài sản thể hiện tại 143 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư tại xã An Nhựt Tân (tỉnh Long An), UBND tỉnh này đề nghị được nhận lại số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bố trí tái định cư cho 37 hộ dân chưa nhận nền đất và các hộ dân tại các dự án khác trên địa bàn huyện Tân Trụ.
Cơ quan công tố cũng ngăn chặn giao dịch của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương đối với 8 tài khoản mở tại SCB, tổng số tiền hơn 789 tỷ đồng; kê biên hơn 877 triệu cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan; kê biên hơn 137 triệu cổ phần của 5 công ty, ngăn chặn hơn 14.000 cổ phần của 1 công ty.
Trên Thanh Niên cũng cho hay, ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn giáo dục Văn Lang và Tổng giám đốc Tập đoàn Capella, người bị cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, đã nộp khắc phục hơn 657 tỷ đồng và hơn 3,3 triệu USD.
Bị can Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Tường Việt, sau khi khởi tố vụ án đã trả cho SCB hơn 813 tỷ đồng, đồng thời xin được nộp lại hơn 2.200 tỷ đồng đã nhận của bà Trương Mỹ Lan. Bị can đã nộp khắc phục hơn 52 tỷ đồng.
Ngoài ra,cơ quan chức năng đã kê biên 22 tài sản là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Lan và những người liên quan.