Những trang sử vàng

Năm 1954: Cuộc giải phóng Hà Nội qua con mắt các nhà làm phim Nga

Trong loạt bài mạn đàm “Những trang vàng lịch sử”, Sputnik tiếp nối câu chuyện về những người Nga đầu tiên đến Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sputnik
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, khi Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội giải phóng thành phố khỏi bọn thực dân Pháp chiếm đóng, hoà trong đông đảo quần chúng hân hoan chào đón đoàn «bộ đội Cụ Hồ» đã có cả ba người Nga. Đó là những nhà quay phim được ban lãnh đạo Liên Xô cử sang nước Cộng hòa non trẻ theo thỏa thuận với Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện bộ phim về cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam. Ba người Nga này trở thành những đại diện đầu tiên của Liên Xô chính thức đến Việt Nam 4 tháng rưỡi trước khi thủ đô được giải phóng. Xin nói thêm, trước đây cả ba đều từng tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống bọn phát-xít Hitler.

Lời kể của những chứng nhân lịch sử

Hình ảnh trong những ngày tháng lịch sử đó được tái hiện với sự trợ giúp của bộ phim tài liệu màu dài mà các chuyên gia Nga đã quay và nhật ký hành trình của ông Roman Karmen trưởng nhóm công tác.
Theo Hiệp định Genève, ngày 9 tháng 10 quân Pháp phải rút hoàn toàn khỏi Hà Nội, và ngày 10 tháng 10 các đơn vị chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tiến vào tiếp quản thủ đô. Các nhà quay phim Liên Xô đã đề ​​nghị Ủy ban Kiểm soát Quốc tế (ICC) cho phép họ đến Hà Nội sớm hơn mốc đó vài ngày.
Những trang sử vàng
Những người Nga đầu tiên đến Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong khi chờ được phép, ba người Nga đã có cuộc gặp ông Trần Duy Hưng Thị trưởng đầu tiên của thủ đô Việt Nam độc lập. Ông Thị trưởng kể với các vị khách này về những điều kỳ lạ xảy ra tại ICC khi thảo luận các chi tiết của thủ tục chuyển giao thành phố. Chẳng hạn, người Pháp yêu cầu nhân viên công an Việt Nam, lực lượng đầu tiên vào thủ đô, phải đeo băng tay màu xanh trên tay áo thay vì màu đỏ. Người Pháp cũng phản đối đề xuất của Việt Nam - in hình chim bồ câu hoà bình của Picasso trên băng tay này. Phía Pháp cũng khăng khăng rằng công an Việt Nam không được đeo huy hiệu vinh danh chiến thắng Điện Biên Phủ. Và họ «vô cùng bức xúc» khi biết đơn vị Việt Nam sẽ tiến vào thành phố trên những chiếc ô tô mang dòng chữ “Chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ”.
Những người phải tháo chạy khỏi Hà Nội thì nói với các nhà quay phim rằng mỗi ngày càng gia tăng mạnh sự phản kháng chống lại việc phía Pháp cưỡng bức di cư và tháo dỡ mang các máy móc thiết bị ra khỏi các doanh nghiệp công nghiệp, trái với Hiệp định Genève. Chẳng hạn, 440 công an Hà Nội thông báo mọi thứ vẫn giữ nguyên vị trí. Các công nhân đã đóng đá, gạch vào thùng thay vì các thiết bị còn máy móc được chôn giấu xuống đất.
Quả thật, kế hoạch của phía Pháp hòng «rút ruột» Hà Nội đã hoàn toàn thất bại, ông Roman Karmen lưu ý trong cuốn sách của mình. Những kẻ chiếm đóng dự định đưa 200.000 người ra khỏi thủ đô. Dù sức ép và những lời đe doạ bạo lực, chỉ có 8.000 người buộc phải di cư. Còn 380.000 dân ở lại háo hức chờ đợi những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Không gia đình nào ở Hà Nội không náo nức chuẩn bị hoa cờ băng rôn và trang phục lễ hội.
Chiều 7 tháng 10, Bộ chỉ huy quân sự Pháp cho phép các nhà quay phim Liên Xô và mấy đồng nghiệp Việt Nam trợ giúp họ trong công tác vào Hà Nội và tự do di chuyển khắp thành phố trong bối cảnh Pháp ban bố thiết quân luật. Và sáng hôm sau, dưới trời mưa tầm tã, họ chạy xe vào Hà Nội - trên chiếc xe jeep có các sĩ quan Việt Nam và Pháp tháp tùng. Trong những thời khắc đáng nhớ đó, những người Nga đã thấy một Hà Nội như thế nào?
Những trang sử vàng
Đài Matxcơva phát thanh bằng tiếng Việt phủ sóng toàn cầu

Ngày 8 tháng 10 năm 1954

Sáng ngày 8 tháng 10. Trên các đường phố, xe jeep và xe tải của Pháp lao qua với tốc độ điên dại, các đội tuần tra quân sự lùng sục khắp nơi. Các đại lộ trung tâm vắng tanh không một bóng người. Nhộn nhịp hơn cả là ở vùng ngoại thành, nơi sinh sống của cư dân các làng nghề thủ công. Ở đây lễ hội chào mừng ngày giải phóng đã bắt đầu. Từng nhóm người tụ tập ở cổng làng, ở cửa nhà. Qua cánh cửa mở của cửa hiệu, thấy rõ những lá cờ đỏ sao vàng nổi bật trên các kệ hàng. Đâu đâu cũng đều vang lên tiếng trò chuyện vui vẻ và tiếng cười phấn khởi. Một người lính Pháp đứng gác với vẻ mặt rầu rĩ, còn chênh chếch từ bốt canh của anh ta, trong một xưởng nhỏ, những chiếc máy khâu đang chạy hết công suất để đáp ứng nhu cầu về những lá cờ của nước Cộng hòa chiến thắng. Khắp nơi, ngay trước mắt lính Pháp, người dân cạo sạch những khẩu hiệu hô hào giả dối của Pháp in trên tường: “Hãy đi Nam, sẽ được cứu thoát khỏi bàn tay Việt Minh tàn bạo!". Ngay trong ngày 8 tháng 10, để thích ứng với tâm trạng cư dân, ngay cả những tờ báo phản động nhất ở Việt Nam cũng thay đổi hoàn toàn giọng điệu và đăng những bài chào mừng quân đội cách mạng sắp tiến vào Hà Nội.
Mỗi lúc càng xuất hiện nhiều ô tô chở các sĩ quan của Quân đội Nhân dân làm việc trong Uỷ ban Quốc tế. Mọi người chào đón những chiếc xe này bằng nhiều tràng pháo tay và tiếng reo hò nhiệt tình. Lính canh Pháp đứng nghiêm như thể nhận khẩu lệnh khi thấy chiếc xe jeep của Pháp chở các nhà quay phim Matxcơva dạo quanh thành phố, còn sau đó, khi nhận ra rằng có cả sĩ quan Việt Nam trên xe, họ bối rối nhìn theo. Từ cổng những ngôi nhà có người Pháp sinh sống, những chiếc xe tải rời đi, chở theo tủ, giường, tủ lạnh, vali và cả những chiếc bồn cầu bằng sứ.
Các nhà quay phim Matxcơva đã kịp ghi hình tất cả. Lúc đầu, họ tác nghiệp một cách thận trọng, vì khi tấm thẻ mà hộ được nhận để vào thành phố không đả động gì về cho phép quay phim. Nhưng ngay sau khi tin chắc rằng lính Pháp không phản ứng với máy quay, những người Nga bắt đầu làm việc công khai. Những thước phim độc đáo mà họ ghi lại quanh cảnh Hà Nội đón chờ những người chiến thắng đã được đưa vào bộ phim mà các chuyên viên này chuẩn bị hồi đầu năm sau. Và điểm nhấn thực sự của bộ phim là cảnh các đơn vị Quân đội Nhân dân tiến vào thủ đô. Trong cuốn sách được xuất bản ngay sau bộ phim, tác giả Roman Karmen đã thuật lại chi tiết về những chuyện này.
Những trang sử vàng
Tại sao Đại sứ Liên Xô đến Hà Nội muộn hơn Đại sứ Việt Nam DCCH tại Matxcơva?

Ngày 9 tháng 10 năm 1954

Trước lúc sang 9 tháng 10, ngày quân Pháp rời đi và những nhóm nhỏ bộ đội Việt Nam đầu tiên tiến vào thành phố, các nhà quay phim Nga đã thức thâu đêm để bàn bạc về bản đồ Hà Nội xem sẽ quay phim ở đâu. Buổi sáng, trời âm u, mưa lắc rắc. Người Pháp cấm cư dân ra khỏi nhà, cấm mọi loại phương tiện giao thông. Nhưng lệnh cấm này không áp dụng cho những chiếc ô tô do các nhà quay phim Matxcơva chạy xe dưới sự bảo trợ của ICC.
6 giờ 30 phút sáng. Xe của những người Nga chạy theo phố Duy Tân đến điểm hẹn đầu tiên của các sĩ quan hai bên ở phía nam thành phố. Giữa đường là những chiếc ô tô cắm cờ Việt Nam và cờ Pháp. Các sĩ quan thảo luận những chi tiết cuối cùng của việc bàn giao khu vực đầu tiên phân chia thành phố. Một bên ngã tư là xe chở bộ đội Việt Nam, còn bên kia là xe bọc thép chở lính quân cảnh Pháp.
6 giờ 55 phút. Chỉ huy Pháp ra lệnh qua máy bộ đàm. Đoàn xe thiết giáp chở quân tăng tốc lao về phía bắc. Đúng 7 giờ, ô tô đưa các chiến sĩ Việt Nam băng qua ngã tư và tiến sau quân Pháp.
“Và ở đây diễn ra một điều kỳ diệu. Những con đường trống không vắng vẻ. Tiếng ồn của xe bọc thép rời xa dần còn chưa lắng xuống, nhưng bỗng nhiên xuất hiện hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ trên các nóc nhà. Và ngay lập tức đường phố trở nên đông đúc, nhộn nhịp tưng bừng, người người hò reo, vẫy tay, công kênh những đứa bé lên cao trên đầu, phát khóc vì vui mừng, ca hát, cười đùa. Những chiếc xe chở bộ đội Việt Nam thật sự gặp khó khi lách qua đám đông này”, ông Roman Karmen viết trong cuốn sách kể về thời gian công tác ở Việt Nam.
Giữa đám đông đang sôi nổi tận hưởng niềm hạnh phúc giải phóng, Roman Karmen để ý thấy một nhà quay phim người Mỹ mà chuyên viên Nga vừa làm quen hôm trước. Người Mỹ này đứng gần xe ô tô của anh ta, tay buông thõng cầm chiếc máy quay phim. Anh ta không ghi hình.
Bộ đội Việt Nam cần vượt ranh giới khu vực kế tiếp vào lúc 8 giờ sáng. Các nhà quay phim Matxcơva đã vượt qua đó từ trước, sớm hơn nửa giờ. Và một lần nữa lại thấy đang ở trong một thành phố rỗng không vắng lặng. Rồi nửa giờ sau một lần nữa là cảnh đại chúng hân hoan vui mừng! Cảnh vệ Việt Nam đứng gác tại Bưu điện, Ngân hàng và dinh Thống đốc.
Lúc 11 giờ 30, các quân nhân Việt Nam chốt ở trạm điện, nhà máy nước và trước tường thành. Đến 16 giờ 30, bộ đội vượt qua ranh giới khu cuối giáp cầu và tiến lến cầu. Cách chiến sĩ Việt Nam đầu tiên chỉ một bước, người lính Pháp cuối cùng bước xuống cầu. Hà Nội đã sạch bóng quân thù!
Những trang sử vàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lần thứ hai ở Matxcơva. Và lại ẩn danh

Ngày 10 tháng 10 năm 1954

Sáng 10 tháng 10, Hà Nội long trọng chào đón lực lượng chủ lực của Quân đội Nhân dân là Trung đoàn Thủ đô huyền thoại dẫn đầu đội hình của Đại đoàn Quân Tiên phong 308 tiến vào tiếp quản thủ đô. Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô cùng các chiến sĩ bộ binh từ Mai Dịch, qua ô Cầu Giấy rồi Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, cửa Bắc tiến vào Thành Hà Nội. Các chiến sĩ vừa vượt qua cửa ngõ đô thị đã hứng cả một trận mưa hoa không ngừng trong suốt cuộc diễu hành xuyên thành phố. Hà Nội chào đón các anh bộ đội bằng những lời ca tụng, những bài hát và những tràng pháo tay nhiệt tình.
Nhà quay phim Nga Roman Karmen viết trong cuốn sách của ông rằng: “Họ đã thắng cuộc chiến vì họ căm ghét chiến tranh”.
Ngày hôm đó các nhà quay phim Matxcơva đã có rất nhiều cuộc gặp vui vẻ. Bởi trước đó trong bốn tháng rưỡi làm việc ở vùng rừng núi chiến khu, mỗi lần làm quen với những người bạn Việt Nam mới đều kết thúc bằng lời hứa: “Hẹn gặp lại ở Hà Nội!”. Thế là bây giờ những cuộc tái ngộ này đã thành sự thật.
Nhưng đã có một cuộc gặp hoàn toàn bất ngờ - với những đồng hương Xô-viết. Trong đám đông người hân hoan, mấy nhà quay phim nhận ra chiếc ô tô Liên Xô «Pobeda» đầy bụi đường, và trên xe là nhóm phóng viên của các tờ báo trung ương Liên Xô «Pravda» và «Komsomolskaya Pravda». Các nhà báo này vừa đến, sau khi lao như tên bay không ngừng nghỉ từ biên giới Trung Quốc để kịp dự ngày giải phóng Hà Nội.
Vậy là bấy giờ ở Hà Nội vừa giải phóng có tốp công dân Liên Xô 5 người. Và qua những trang sách, bài báo, họ thuật lại tất cả những gì đã tận mắt chứng kiến, còn chính yếu và sống động nhất là trong bộ phim tài liệu dài, đã trở thành một khám phá thực sự về Việt Nam dành cho hàng triệu người khắp thế giới. Nhân mốc kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ phim này sau khi phục chế đã được trao tặng cho quân dân Việt Nam.
Thảo luận