Ninh Bình kiểm tra quản lý tiền công đức: Có Chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư

UBND tỉnh Ninh Bình quyết định kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh.
Sputnik
Theo quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích, nhiều di tích lớn như chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư sẽ được tiến hành kiểm tra.

Ninh Bình kiểm tra tiền công đức, tiền tài trợ ở các di tích lịch sử

Báo Thanh Niên ngày 19/12 dẫn thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, UBND tỉnh Ninh Bình vừa quyết định kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành kiểm tra tiền công đức và tiền tài trợ ở các di tích lịch sử - văn hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020.
Theo báo Tiền phong, hôm 3/11, UBND tỉnh Ninh Bình đã văn bản số 850 gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố giao Sở Tài chính chủ trì về việc nghiên cứu hướng dẫn tại văn bản số 11752 ngày 30/10 của Bộ Tài chính.
UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng quyết định, kế hoạch kiểm tra quản lý tiền công đức và tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.
Ngoài việc kiểm tra trực tiếp, UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tổng hợp kinh phí cho hoạt động kiểm tra để tính vào dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.
Được biết, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chi hơn 132 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ tu bổ và ngăn chặn sự suy giảm chất lượng của 99 di tích.
Bất ngờ với số tiền công đức của chùa Ba Vàng, Quảng Ninh

Sẽ kiểm tra quản lý tiền công đức tại Chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư

Ninh Bình có trên 1.800 di tích, trong đó có khoảng 1000 di tích thuộc loại di tích hỗn hợp giữa thắng cảnh, khảo cổ, cách mạng, lịch sử và kiến trúc.
Tỉnh Ninh Bình cũng có 395 di tích được xếp hạng, bao gồm 314 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, và một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Ngoài ra, trước đó, thông tin trên báo Lao Động hồi tháng 2 năm nay đề cập, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 790 đền, chùa, đặc biệt, tỉnh có những ngôi chùa lớn như chùa Bái Đính, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch tới thăm quan, chiêm bái, viếng lễ.
Lãnh đạo Sở Tài chính Ninh Bình cho biết, việc quản lý tiền công đức tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang được triển khai thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính.
Cụ thể, các cơ sở tiếp nhận tiền công đức, tài trợ phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.
Trường hợp tiếp nhận tiền mặt thì phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
Người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
Liên quan quyết định mới công bố, UBND tỉnh Ninh Bình giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các Sở Văn hoá, Thể thao, Sở Nội vụ, Sở Du lịch tham mưu việc kiểm tra và báo cáo trước ngày 23/3/2024.
Tỉnh cũng giao cho Chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kiểm tra di tích theo phân cấp quản lý về di tích, báo cáo kết quả trước ngày 1/3/2024.
Chùa Ba Vàng của Đại đức Thích Trúc Thái Minh sẽ báo cáo về tiền công đức
Riêng đối với di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư phải thực hiện kiểm tra và hoàn thành trước ngày 1/3/2024.
Theo quyết định số 392/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích thì trên địa bàn tỉnh này có 1.821 di tích được kiểm kê. Trong đó, có nhiều di tích lớn như chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư…

Minh bạch, rõ ràng trong quản lý tiền công đức

UBND tỉnh Ninh Bình nhắc lại, nhà nước không quản lý tiền công đức, tiền tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.
Tuy nhiên, nguồn thu tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, đảm bảo công khai, minh bạch.
UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng việc kiểm tra tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử nhằm giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tiền tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng.
Việc này, theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, sẽ tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xem xét cụ thể việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tiền tài trợ cho các di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi; nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ tại các di tích trong năm 2023.
Trải nghiệm kinh hoàng ở khoá tu hè: Trụ trì chùa Cự Đà nói gì?
Trước đó, Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn kiểm tra việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc.
Trừ tỉnh Quảng Ninh, UBND các tỉnh khác có nhiệm vụ ban hành quyết định kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cấp tỉnh. Thời kỳ kiểm tra trong năm 2023.
Đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Nội dung kiểm tra bao gồm: kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, mục đích của việc kiểm tra nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa.
Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.
Thảo luận