Chỉ còn 13 năm nữa
Quá trình tăng trưởng dân số mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, điều này là rất quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tận dụng tối đa cơ hội này để đạt được những kết quả ấn tượng trong việc phát triển kinh tế.
Ví dụ, các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã tận dụng thời kỳ dân số vàng để tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra việc làm, tăng cường quỹ tiết kiệm và đầu tư, cải thiện chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội. Nước láng giềng với Việt Nam - Trung Quốc cũng đã tận dụng cơ hội này để đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kể trong hơn 20 năm qua.
Riêng Việt Nam, đất nước đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. Trong suốt gần 20 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc duy trì một cơ cấu dân số đáng mơ ước nhờ giữ tỉ suất sinh thay thế ổn định. Cơ cấu vàng ở đây là tỷ lệ người lao động (độ tuổi từ 15 đến 64) chiếm một tỷ lệ lớn, khoảng ⅔ tổng dân số.
Nhờ vào thành tựu này, GS.TS Nguyễn Đình Cử - Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, Việt Nam có một lợi thế về lao động trẻ, trùng hợp với thời kỳ đất nước mở cửa, khi đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tăng lên nhanh chóng, góp phần tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong vài chục năm qua.
“Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng cùng lúc với thời điểm Việt Nam đang có nguồn lực dồi dào. Đây là dấu hiệu đáng mừng. Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam trước dịch Covid-19 là rất thấp, chỉ khoảng 23%. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng Việt Nam được dự báo kéo dài đến năm 2036, tức là chỉ còn 13 năm nữa là chấm dứt thời kỳ dân số vàng, chuyển sang dân số già”, vị chuyên gia nói bày tỏ quan điểm với Sputnik.
Theo dự báo của chuyên gia dân số, thời kỳ dân số vàng thường kéo dài từ 20 đến 40 năm. Để tận dụng cơ hội này, Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân - ông Nguyễn Đình Cử cho rằng, Việt Nam cần có các chính sách biến đổi nguồn lao động thành nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức, kỹ năng và tay nghề. Chỉ có điều này mới đảm bảo sự phát triển bền vững và thịnh vượng của quốc gia.
“Mặc dù có điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, song Việt Nam vẫn chưa tận dụng thời điểm dân số vàng do năng suất lao động chưa cao, tỷ lệ trình độ lao động được đào tạo ở trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp. Theo tôi, Việt Nam cần chủ động thích ứng xu hướng mức sinh thấp và già hóa ngày càng tăng, như cơ giới hóa, tự động hóa và nâng cao năng suất lao động”, GS.TS Nguyễn Đình Cử thẳng thắn nhìn nhận.
Hiện có khoảng 20-30% tỷ lệ lao động Việt Nam tập trung vào các ngành nghề năng suất thấp như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp Còn các ngành như dịch vụ, công nghiệp, xây dựng chỉ đạt khoảng 70%.
Theo ông Cử, tỷ lệ dân số vàng của Việt Nam đã qua đỉnh. Theo đó, năm 2018, độ tuổi làm việc đạt 69%, đến năm 2019 giảm còn 68%. Về mặt tỷ lệ, bắt đầu có xu hướng giảm. Dự kiến đến năm 2036 giảm còn 66%. Khi đó, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Tuy tỷ lệ giảm theo thời gian, nhưng chuyên gia đánh giá, tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động tại Việt Nam vẫn ở mức cao.
Chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền
Dân số hiện tại của Việt Nam là 100.036.549 người theo số liệu mới nhất ngày 20/12/2023 từ Liên Hợp Quốc. Việt Nam hiện vẫn duy trì được mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ đẻ 2,1 con/người (100 cặp vợ chồng sinh được 21 người con). Bình quân mỗi phụ nữ đạt mức độ 2 con, đạt được mục tiêu chính sách dân số của Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là nơi có mức sinh cao (như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ - bình quân 2,7 con/phụ nữ), nơi mức sinh lại thấp (như TP.HCM - chỉ 1,4 con bình quân trong năm 2021). Tức là, mức sinh giữa các vùng miền đang có sự chênh lệch.
Ngoài ra, thanh niên Việt Nam đang có xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn, sinh con muộn hoặc không sinh con, đặc biệt, tại vùng Đông Nam Bộ và Nam Bộ. Nếu lan rộng sẽ là vấn đề đáng lo ngại cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Chiến lược dân số của Việt Nam vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình ở nơi có tỷ lệ sinh con cao. Và khuyến khích sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp, đặc biệt vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Nguyễn Đình Cử cho rằng Chính phủ Việt Nam cần đa dạng hóa các giải pháp để hỗ trợ các gia đình nuôi con nhỏ. Quy luật trên thế giới, mức độ phát triển càng cao, tỷ lệ sinh càng thấp. Khi đó, già hóa càng trầm trọng. Đây là mặt trái của phát triển. Nếu tích cực đặt vấn đề ở hiện tại, thì có lẽ trong tương lai sẽ thay đổi được phần nào.
“Thứ nhất, hỗ trợ về mặt tài chính cho các gia đình trẻ nuôi con nhỏ như hỗ trợ bằng tiền mặt, giảm tiền học phí cho trẻ nhỏ, giảm mức phí về y tế, giáo dục, hay các mức phí đóng góp cho cộng đồng. Thứ hai, chế độ làm việc linh hoạt cho các gia đình có con nhỏ. Thứ ba, phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình trẻ. Thứ 4, nâng cao khả năng điều trị căn bệnh vô sinh hiếm muộn”, chuyên gia nêu giải pháp.
Việt Nam hiện đạt dân số 100 triệu người với tỉ lệ sinh thay thế duy trì ở mức ổn định trong suốt 22 năm và đã đề ra chiến lược phát triển dân số đến năm 2030.
Rõ ràng, dân số vàng cần kết hợp với chất lượng. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị cho quá trình già hoá dân số đang diễn ra. Đây là những yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của một quốc gia.