Chắc là Washington và Brussels sẽ không từ bỏ chính phủ “bù nhìn” chán ngấy nhưng trung thành của họ trong tình huống khó khăn. Họ có thể viện trợ cho Ukraina những gì? Những chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: kể từ mùa xuân năm 2022, các nước phương Tây đã chuyển giao cho Kiev 5.220 xe tăng và xe bọc thép, 80 trực thăng, 28 máy bay, 23.000 UAV và hơn 1.300 hệ thống pháo binh. Quân đội Nga đã phải đối phó với tất cả các loại thiết bị này trên chiến trường - ngoại trừ xe tăng Abrams vẫn vắng mặt trong những cuộc giao tranh.
Ngày nay, lực lượng vũ trang Ukraina bao gồm những đội quân “đa dạng” nhất trên thế giới về thành phần vũ khí. Ví dụ, hiện nay trong hạm đội xe tăng Ukraina có ít nhất 7 loại xe tăng chiến đấu chủ lực. Sự đa dạng của các loại pháo sẽ khiến bất kỳ bảo tàng quân sự lớn nào phải ghen tị.
Tuy nhiên, các phương tiện chiến đấu của phương Tây không giúp Kiev lật ngược tình thế trong cuộc xung đột với Nga. Những chiếc xe bọc thép đắt tiền bị nổ tung khi đi vào bãi mìn, bị phá hủy bởi cuộc tấn công tên lửa được phóng từ trực thăng hoặc bởi máy bay không người lái kamikaze rất rẻ tiền; pháo binh của Lực lượng Vũ trang Ukraina bị các hệ thống pháo phản lực Nga đè bẹp (Lực lượng Vũ trang Nga đã nắm vững chiến thuật phản pháo trong thời gian chiến dịch quân sự đặc biệt).
Hãy cho chúng tôi các máy bay chiến đấu tiên tiến
Bộ chỉ huy Ukraina hiểu rằng, không thể chiến đấu nếu không có sự hiện diện tích cực trên không. Còn Nga đang tích cực sử dụng không quân. Đó là lý do tại sao Kiev đã từ lâu yêu cầu phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại. Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã đồng ý chuyển giao cho Kiev khoảng 60 tiêm kích F-16 phiên bản cũ, nhưng chưa rõ khi nào những chiếc máy bay này sẽ đến Ukraina. Cũng chưa rõ những chiếc máy bay này sẽ đóng quân ở đâu vì các sân bay của Ukraina không phù hợp với F-16 Fighting Falcon (Chim ưng chiến). Cuối cùng, liệu họ có đủ thời gian để huấn luyện phi công Ukraina vận hành máy bay F-16 và đào tạo các kỹ thuật viên và kỹ sư?
Đầu tháng 12, Kiev đã bàn giao danh sách các loại vũ khí mong muốn Mỹ và phương Tây viện trợ, bao gồm máy bay chiến đấu đa năng F/A-18 Hornet, trực thăng Apache và Black Hawk, máy bay vận tải quân sự C-17 và C-130 cũng như drone MQ-9B Sky Guardian.
Máy bay chiến đấu đa chức năng F/A-18 Hornet hạng nặng là một phương tiện khá đặc biệt, ban đầu được thiết kế như một phương tiện có khả năng hoạt động trên tàu sân bay. Máy bay này không có bất kỳ lợi thế đáng kể nào so với F-16. Trong khi đó, sự quan tâm của Lực lượng Vũ trang Ukraina đối với trực thăng phương Tây là rất dễ hiểu: Ukraina gần như không còn lực lượng không quân của riêng mình, chưa kể mấy chiếc Mi-8/17 còn sống sót một cách kỳ diệu. Trực thăng tấn công AH-64 Apache đã tự khẳng định mình là một vũ khí đáng gờm nhưng… rất phức tạp. Quá trình đào tạo phi công lái Apache mất nhiều thời gian. Nói về trực thăng vận tải Black Hawk thì nó cũng không dễ để làm chủ. Cả hai loại trực thăng không hề rẻ. Một chiếc Apache có giá khoảng 52 triệu USD; giá của mỗi chiếc Black Hawk vào khoảng 25 triệu USD. Ngoài ra, Kiev đang gặp vấn đề với máy bay vận tải quân sự: số ít chiếc máy bay vẫn đang bay đã hết hạn sử dụng và không còn nơi nào để chế tạo máy bay mới. C-17 của Mỹ (có giá khoảng 310 triệu USD/chiếc) và C-130 (khoảng 65 triệu USD/chiếc) được coi là sự thay thế cho các máy bay của Liên Xô. Tất nhiên, họ có thể huấn luyện phi công lái chúng. Nhưng, Ukraina phải có rất nhiều máy bay vận tải nếu không thì kém hiệu quả. Ngoài ra, máy bay vận tải dễ trở thành mục tiêu và có vận tốc chậm chạp: đây là con mồi tuyệt vời cho lực lượng phòng không và không quân tiền tuyến của Nga.
Nhiều khả năng phương Tây sẽ không chuyển giao cho Ukraina UAV trinh sát - tấn công MQ-9B Sky Guardian. Thứ nhất, Nga rất dễ vô hiệu hóa nó bằng gây nhiễu. Thứ hai, nó có các tính năng đặc trưng rất tốt. Mỹ nhận ra rằng, chỉ cần một chiếc MQ-9B rơi vào tay người Nga, chương trình phát triển máy bay không người lái của quân đội Nga sẽ nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ.
Phương tiện chống tên lửa Iskander
Tất nhiên, phương Tây sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev. Tuy nhiên, nguồn cung sẽ bị hạn chế cho đến khi ngành công nghiệp quốc phòng của Châu Âu và Mỹ đạt được tốc độ sản xuất cần thiết. Không có cuộc thảo luận nào về bất kỳ loại vũ khí mới nào.
Ví dụ, Kiev đề nghị viện trợ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Rõ ràng, về mặt lý thuyết, đây là một trong số ít hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander-M của Nga. Tuy nhiên, chưa chắc Mỹ sẽ chuyển THAAD cho Kiev. Thiết bị này rất đắt tiền: một tổ hợp gồm 6 bệ phóng di động, một radar, một trung tâm điều khiển và các phương tiện hỗ trợ trị giá khoảng 2 tỷ USD. Liệu Washington có đáp ứng được yêu cầu này hay không (và thậm chí trong năm bầu cử tổng thống) – đây là một câu hỏi lớn không lời đáp.
Bổ sung lực lượng hải quân Ukraina
Cuối cùng vài lời về hạm đội. Vào năm 2024, Hải quân Ukraina sẽ nhận tàu hộ vệ tên lửa Hetman Ivan Mazepa do Thổ Nhĩ Kỳ đóng. Nhưng, một chiếc tàu hộ thống khó có thể gây khó khăn cho Hạm đội Biển Đen Nga đang tích cực đổi mới. Vì trên thực tế, hạm đội Ukraina không có tàu chiến nào khác.