Bảy tháng ở đất nước Việt Nam trong thời chiến và hòa bình
06:40, 25 Tháng Mười Hai 2023
Trong chuỗi đối thoại "Những trang lịch sử", Sputnik kết thúc câu chuyện về những người Nga đầu tiên đến Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ - các nhà quay phim Roman Karmen, Evgeny Mukhin và Vladimir Yeshurin từ Moskva.
SputnikNhân chứng của các sự kiện lịch sử
Họ đi bộ hàng nghìn cây số qua Việt Bắc, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thái Bình, ngay cả khi máy bay Pháp ném bom nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc quay phim diễn ra tại vị trí của các chiến sĩ quân đội nhân dân và các cánh đồng nông nghiệp, trong các xưởng quân giới và bệnh viện, trong rừng rậm và các thị trấn mới được giải phóng. Họ quay phim những anh hùng trận Điện Biên Phủ và tù binh Pháp bị bắt ở đó.
Họ gặp và trò chuyện rất lâu với Hồ Chí Minh,
Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng. Họ cũng quay phim ở Hà Nội, khi quân Pháp đang rời đi và các đơn vị quân đội nhân dân tiến vào thủ đô.
Thành quả của công việc kéo dài bảy tháng là bộ phim tài liệu màu dài tập "Việt Nam" - câu chuyện chân thực, thuyết phục về cuộc sống của đất nước, về chủ nghĩa anh hùng của dân tộc các bạn. Bộ phim ra mắt năm 1955 toát ra niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi đẹp của đất nước các bạn, trở thành văn kiện
lịch sử Việt Nam và về tình hữu nghị của nhân dân chúng ta. Nhưng không chỉ bộ phim trở thành chứng tích vô giá của những nhân chứng người Nga về thời kỳ lịch sử đó.
Sau khi hoàn thành công việc thực hiện bộ phim, Roman Karmen cũng viết một cuốn sách về chuyến đi đến Việt Nam và tất cả những gì ông nhìn thấy ở đất nước các bạn. Ba trăm năm mươi trang sách, hàng chục bức ảnh độc đáo. Cuốn sách có tựa đề "Ánh sáng trong rừng nhiệt đới" đến với độc giả vào đầu năm 1957, và được tái bản nhiều lần sau đó dưới những tựa đề khác nhau.
Khám phá về Việt Nam cho người xem và độc giả
Bộ phim và cuốn sách trở thành một khám phá thực sự về Việt Nam đối với hàng triệu khán giả và độc giả, không chỉ ở Liên Xô mà còn ở nhiều nước khác, giới thiệu làm quen lần đầu với văn hóa Việt Nam hiện đại với những nhân vật nổi bật.
Lúc đó đại đa số người dân ở bên ngoài chưa biết đến ngay cả tên nước Việt Nam. Và đối với Roman Karmen và hai đồng nghiệp của mình, họ đã trở thành bạn tốt của nhau. Tố Hữu là một trong những người đầu tiên chào đón các nhà quay phim Moskva đến đất Việt Nam, kể lại từ cuối những năm 40, ông đã dịch những bài thơ của Konstantin Simonov về cuộc đấu tranh của nhân dân Liên Xô chống phát xít từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Những nhà làm phim Nga gặp gỡ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu. Vũ Ngọc Phan kể cho họ nghe việc ông bắt đầu dịch tác phẩm "Anna Karenina" của
Lev Tolstoy và "Người mẹ" của Gorky sang tiếng Việt vào năm 1936 như thế nào. Và trong những năm chiến tranh, ông dịch cuốn "Chúng tôi là những
người Xô Viết" của Boris Polevoy, trở thành một trong những cuốn sách yêu thích nhất của các chiến sĩ quân đội nhân dân
Nguyễn Đình Thi là cố vấn văn học được giao nhiệm vụ giúp đỡ các nhà làm phim tài liệu từ Moskva. Roman Carmen nói trong cuốn sách của mình về con đường chiến đấu vẻ vang và sự sáng tạo của ông.
"Tôi mến Thi ngay từ cái nhìn đầu tiên và còn chưa tưởng tượng được tình bạn bền chặt sẽ gắn kết chúng tôi như thế nào trong những tháng ngày lang thang trên các con đường chiến tranh ở Việt Nam và sau đó là ở Moskva. Sự xuất hiện của người đàn ông khiêm tốn nhưng tài năng này dường như hiện thân trong tâm trí tôi tâm hồn và lòng dũng cảm của người dân Việt Nam", - ông Karmen viết.
Nguyễn Đình Thi cùng với những nhà quay phim hoàn thành tác phẩm và rời Việt Nam đến Moskva - ông được mời dự đại hội Hội Nhà văn Liên Xô.
Roman Carmen kể cho độc giả cuốn sách của ông về Nguyễn Du - tác giả kinh điển của văn học Việt Nam, về những bài thơ của Hồ Xuân Hương, về "Bài hát người vợ chiến binh" của Đoàn Thị Định. Giới thiệu tới độc giả các tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố và những tác giả đoạt giải lần đầu tiên trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Các nhà quay phim từ thành phố Moskva là khách mời danh dự tại cuộc gặp gỡ đầu tiên của giới trí thức sáng tạo thủ đô sau khi
Hà Nội giải phóng. Roman Carmen bày tỏ sự ngưỡng mộ về các tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân, về kỹ năng sân khấu của nữ diễn viên Kim Xuân và các diễn viên sân khấu truyền thống Việt Nam. Lễ hội của các đoàn văn công bắt đầu ở Hà Nội ngay sau ngày giải phóng cũng không khiến ông thờ ơ.
Ông Roman Carmen viết: "Cùng với tự do, nghệ thuật dân tộc thực sự mà bọn thực dân cố gắng một cách vô ích để tiêu diệt đã quay trở lại Hà Nội, một nền nghệ thuật bắt nguồn từ sâu thẳm nền văn hóa Việt Nam cổ đại".
Làm phim cùng các đồng nghiệp Việt Nam
Các nhà làm phim tài liệu Liên Xô có nhiều cuộc gặp gỡ thú vị với các đồng nghiệp Việt Nam. Đó là cuộc gặp gỡ thân mật giữa những người quay phim thành phố Moskva và một nhóm các nhà làm phim tài liệu Việt Nam ngay từ những ngày đầu làm việc. Roman Karmen cho biết, họ dự định thực hiện bộ phim với sự hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp Việt Nam, để công việc này sẽ trở thành bước khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa những nhà làm phim hai nước.
Và tất nhiên, họ quan tâm tìm hiểu về mức độ phổ biến của phim Liên Xô với những người Việt yêu nước.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ là Phạm Văn Khoa cho biết, các chiến sĩ quân đội nhân dân và nông dân rất thích xem các phim được lồng tiếng Việt như "Đội cận vệ trẻ", "Alexandr Matrosov", "Cô ấy bảo vệ Tổ quốc", "Zoya" - về các anh hùng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Hitler. Trong những bộ phim này, như các bạn Việt Nam lưu ý, nhân dân nhìn thấy những tấm gương sinh động về lòng dũng cảm, lòng yêu nước, sự kiên trì trong mọi thử thách. Chính nhờ những bộ phim này mà ở Việt Nam có nhiều người được gọi theo tên các anh hùng Liên Xô như Oleg Koshevoy, Zoya Kosmodemyanskaya, Alexandr Matrosov. Trong trận
Điện Biên Phủ có nhiều trường hợp bộ đội Việt Nam lặp lại những chiến công của họ, lấy thân mình lấp lỗ châu mai địch.
Các nhà quay phim Moskva không chỉ một lần tham dự các buổi chiếu
phim Liên Xô - tại những làng của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN tại các căn cứ quân sự trong rừng rậm và các làng mới giải phóng. Họ nhận thấy có những lỗ thủng trên màn hình ở khắp mọi nơi. Những người bạn Việt Nam giải thích không thể làm gì được: ngay khi cảnh bọn phát xít xuất hiện trên màn ảnh, những người lính quân đội nhân dân mất kiềm chế và dùng súng bắn vào chúng trên màn chiếu phim.
Khi Hà Nội giải phóng, các nhà quay phim Moskva lại ghi nhận sự quan tâm to lớn của người dân thủ đô đối với các bộ phim Liên Xô.
"Các rạp chiếu phim đông đúc. Quảng cáo điện ảnh thông báo chiếu các bộ phim "Đô đốc Ushakov", "Người cận vệ trẻ", "Câu chuyện về một người chân chính". Mọi người đến xem những phim này nhiều lần", - ông Karmen viết trong cuốn sách của mình.
Phạm Văn Khoa lưu ý, nếu ông có số lượng phim Liên Xô nhiều gấp mười lần thì dù thế nào cũng không thể thỏa mãn được sự yêu thích của người dân Hà Nội đối với phim ảnh.
Các nhà quay phim Liên Xô cũng chứng kiến sự ra đời của dòng phim tài liệu Việt Nam.
"Những bộ phim chúng tôi làm rất yếu về mặt kỹ thuật. Có rất ít thiết bị - chỉ có một số máy quay phim khổ hẹp thu được từ kẻ thù. Thật vui mừng khi nhận được ba chiếc máy quay tự động từ Moskva - nhờ chúng mà chúng tôi quay được những tập phim về trận Điện Biên Phủ", - Phạm Văn Khoa tiếc nuối nói.
Các nhà quay phim Moskva đến thăm một xưởng phim trong rừng rậm, nơi họ được xem một số bộ phim mới nhất do các nhà làm phim tài liệu Việt Nam quay.
"Tất nhiên, về mặt kỹ thuật thì chúng không hoàn hảo", - Roman Karmen lưu ý trong cuốn sách về Việt Nam của mình.
"Nhưng đó thực sự là một thành tựu to lớn khi làm những bộ phim này trong điều kiện chiến tranh khó khăn như vậy. Chúng tôi thực sự phấn khích trước những gì được xem và ngưỡng mộ hành động anh hùng của các nhà làm phim Việt Nam", - ông nói thêm.
Những người Moskva vui mừng khi biết các đồng nghiệp Việt Nam của họ gần đây nhận được 20 bộ phim mới từ Liên Xô, và giờ đây những bộ phim họ làm ra có thể được thêm nhiều khán giả xem hơn trước.
Các đồng nghiệp Việt Nam làm việc cùng với các nhà làm phim Liên Xô trong bảy tháng. Chẳng hạn như Mai Lộc, một phần tư thế kỷ sau, trở nên nổi tiếng nhờ bộ phim truyện Cánh đồng hoang, được trao giải chính tại Liên hoan phim quốc tế Moskva. Vào năm 1954, ông tham gia quay một số tập quan trọng cho bộ phim của Roman Carmen, thể hiện mình là một nhà làm phim tài liệu giàu kinh nghiệm và một nghệ sĩ chu đáo.
Đặc biệt, chính Mai Lộc là người quay những cảnh mang tính biểu tượng khi giải phóng Hà Nội: trên cầu, phía trước có một người lính canh Việt Nam, và sau đó những người lính Pháp cuối cùng khom lưng bước xuống từ cầu. Những cảnh quay đẹp mắt được nhà quay phim Hồng Nghi thực hiện đưa vào phim, người đã từng quay quá trình trùng tu tổ hợp thủy lợi Bái Tường, tỉnh Thanh Hóa.
Roman Carmen dành nhiều lời tốt đẹp đến nhà làm phim Quang Huy. Kỹ sư trẻ Tân ở bộ phận ghi âm đảm bảo thiết bị đoàn
làm phim hoạt động trơn tru. Nhiều năm sau, nhà làm phim Nguyễn Quang Tuấn kể lại việc ông bắt đầu làm phim từ cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Và ông rất vui vì ngay từ đầu số phận đưa đến với ba nhà làm phim Liên Xô, những người đầu tiên đến đất nước Việt Nam.
"Tôi từng là trợ lý quay phim cho Roman Carmen. Chúng tôi cùng nhau quay phim ở Điện Biên Phủ, ở thị trấn mới giải phóng của Việt Bắc", - ông tự hào nhớ lại.
Làm việc với nhóm của Roman Carmen trở thành ngôi trường đào tạo xuất sắc cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau này họ trở thành những nghệ sĩ lớn được điện ảnh Việt Nam công nhận và nhận nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc tế.
Roman Carmen: "Tôi yêu Việt Nam đến hết cuộc đời"
Đây là những dòng cuối cùng trong nhật ký hành trình của Roman Carmen. Chúng bắt đầu từ tháng 12 năm 1954, khi các nhà làm phim Moskva chia tay Việt Nam sau khi hoàn thành công việc.
"Bảy tháng ở Việt Nam! Những ngày cuối cùng của chiến tranh và những ngày hòa bình đầu tiên trôi qua gần như không nhận thấy. Những cuộc gặp gỡ với mọi người - trẻ em, bộ trưởng, người khuân vác, giáo viên, đảng viên - không thể xóa nhòa trong ký ức của tôi. "Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Xin chào Moskva", Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lời tạm biệt với chúng tôi khi đứng trước ngưỡng cửa ngôi nhà nhỏ của Người, dưới tán lá của vườn hoa trong dinh thự. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy đất nước này và sẽ yêu nó đến hết cuộc đời", - ông xúc động.
"Trong giây phút chia tay, tôi muốn tin mình sẽ trở lại lần nữa, tôi sẽ thấy Việt Nam hạnh phúc, đoàn kết, không bị chia cắt. Những cái bắt tay, những cái ôm cuối cùng của những người thân yêu với tôi. Và khi máy bay lượn một vòng từ biệt Hà Nội, trên hình bầu dục màu ngọc lam của Hồ Hoàn Kiếm, một ý nghĩ ám ảnh tôi: "Tôi sẽ không vĩnh biệt các bạn mãi mãi, Việt Nam thân yêu!" - ông nói.
20 năm sau, Việt Nam đã trở thành điều mà Roman Carmen mong muốn: hạnh phúc, đoàn kết, không bị chia cắt. Cái tên Roman Carmen sẽ mãi mãi đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam như một trong những người sáng lập ra nó.
Điều này vẫn còn hiển hiện trong biên niên sử
tình hữu nghị Nga - Việt, như tên của con người làm cho đất nước các bạn trở nên gần gũi và dễ hiểu trong trái tim của hàng triệu người Nga. Và khi đám mây chiến tranh một lần nữa bao trùm Việt Nam, người dân Nga, phần lớn nhờ vào bộ phim và cuốn sách của Roman Karmen, đã làm mọi thứ cần thiết để giúp các bạn giành được chiến thắng cuối cùng.