Năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Tháng Giêng đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Và cùng năm 1973, nhiều nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và
Hoa Kỳ và 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Nhằm chào mừng các sự kiện này, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm tới các quốc gia đó hoặc lãnh đạo các quốc gia đó tới Việt Nam. Nhưng, đây không chỉ là những chuyến thăm theo nghi lễ đối ngoại. Mỗi sự kiện đều đi kèm với việc ký kết một số lượng lớn các thỏa thuận hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau và chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như ý muốn của các quốc gia tương tác với Việt Nam. Và một số chuyến thăm kết thúc bằng việc thông qua các tuyên bố chung ghi nhận việc nâng quan hệ song phương lên mức cao nhất.
Trong thời gian chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12, hai bên đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác và thông qua Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về làm sâu sắc hơn và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai
Việt Nam-Trung Quốc. Nhưng không chỉ nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Việt Nam, mà Chủ tịch nước Việt Nam cũng đã tới Trung Quốc vào tháng 10 để tham dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3. Bên lề diễn đàn này, ông Võ Văn Thưởng đã có một số cuộc họp quan trọng với lãnh đạo của các quốc gia khác nhau. Vào tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến thăm Trung Quốc, đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của ông trên cương vị mới.
Kết quả nổi bật nhất chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược toàn diện và ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hàng không, giáo dục, tài chính, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng, khai thác kim loại đất hiếm, chăm sóc sức khỏe. Vào tháng 11, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2023 tại Hoa Kỳ và tiến hành một số cuộc họp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, cũng như Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khi tham dự Khóa họp 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9.
Trong năm 2023, còn có một quốc gia đã nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất. Nước này là Nhật Bản. Hiện Nhật Bản là nước đầu tư lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio về việc nâng cấp
quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới đã được thông qua vào tháng 11 trong thời gian chuyến thăm Tokyo của Chủ tịch nước Việt Nam và được củng cố vào tháng 12 khi Thủ tướng Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản. Hồi tháng 5, ông đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 mở rộng ở Tokyo và tiến hành các cuộc hội đàm, hội kiến ở đó. Và vào tháng 9, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko đã đến thăm Việt Nam.
Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được thông qua vào tháng 7 trong thời gian chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Italia, quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngại giao cách đây nửa thế kỷ, cũng như với Áo mà Chủ tịch nước Việt Nam đã thăm trước đó. Và chuyến thăm Vatican của ông Võ Văn Thưởng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ của Việt Nam với Tòa Thánh: lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam, Tòa thánh Vatican có một Đại diện thường trú ở Hà Nội. Chủ tịch nước Việt Nam cũng chính thức mời
Đức Thánh Cha Phanxicô sang thăm Việt Nam.
Hồi tháng 2, ông Phạm Minh Chính đã đến thăm Singapore, quốc gia có 50 năm hợp tác kinh doanh hiệu quả với Việt Nam và là một trong những nhà đầu tư chính của nước này. Vào tháng 6, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đến thăm Việt Nam, quốc gia này đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973 và trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực. Hai bên đang tiến hành cuộc đàm phán để đưa quan hệ song phương lên mức cao nhất. Bộ trưởng Ngoại giao Australia đã đến Việt Nam vào tháng 8. Vào tháng 6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư chính của Việt Nam. Vào tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện”.
Vào tháng 9, ông Phạm Minh Chính thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống nước này, rồi vào tháng 10 ông tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Ả Rập Saudi. Vào tháng 10, Bộ trưởng Phụ trách Scotland của Anh đã đến Hà Nội để tiến hành cuộc đàm phán về việc mở rộng xuất khẩu sang nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan về việc đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên mức cao nhất. Vào tháng 11, Tổng thống
Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Lãnh đạo hai nước nhất trí nỗ lực thúc đẩy mục tiêu nâng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương. Tháng 12, Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko đến thăm Việt Nam và ký kết một số thỏa thuận nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước.
Quan hệ Nga-Việt cũng phát triển tích cực trong năm 2023. Hồi tháng 3, phái đoàn Nga do Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko dẫn đầu đã đến Hà Nội để thảo luận về việc mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau. Vào tháng 5, Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã tiến hành các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Vào tháng 10, phái đoàn Viện Đuma Quốc gia Nga do Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin dẫn đầu đã chính thức thăm Việt Nam. Trong tháng 10 và tháng 11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nga và Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã đến thăm Việt Nam.