Trước đó, Bộ Quốc phòng cũng đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình về việc “tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề”.
Đề xuất 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự
Kênh Truyền hình Quốc hội thông tin, chiều 3/1, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn nội dung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên, trẻ em qua 40 năm đổi mới.
Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về sự kế thừa, phát triển của các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh niên, trẻ em trong 40 năm qua.
Trong đó tập trung làm rõ những điểm mới trong 2 nhiệm kỳ gần đây. Cụ thể là đánh giá việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về thanh niên, trẻ em qua các chính sách được quy định trong hệ thống luật pháp, chính sách trong 40 năm qua.
Ngoài ra, các đại biểu còn nêu đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên, trẻ em trong thời gian tới. Đâu là những quan điểm, chủ trương nào cần tiếp tục thực hiện; những quan điểm, chủ trương nào cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Cùng với đó là định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên, trẻ em.
“Những ý kiến đóng góp chất lượng tại buổi tọa đàm sẽ được cơ quan soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các báo cáo Chuyên đề về hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh niên, trẻ em qua 40 năm đổi mới”, kênh Truyền hình Quốc hội cho biết.
Đưa tin về sự kiện này, ngày 3/1, báo Thanh Niên dẫn lời đại biểu tham dự cuộc toạ đàm – ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn liên quan đến đề xuất 100% thanh niên được thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây chú ý.
Cụ thể, nêu ý kiến tại tọa đàm, ông Vũ Trọng Kim tin rằng, nhìn lại cả chặng đường dài của lịch sử mới thấy thanh niên Việt Nam may mắn khi có Đảng lãnh đạo sáng suốt, có hệ thống chính trị giúp thanh niên có bệ đỡ phát triển.
Tuy nhiên, ông Kim thẳng thắn cho rằng, so với hệ thống quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước thì việc thực hiện các thể chế, chính sách về thanh niên chưa được như mong muốn. Nhiều nghị quyết rất lớn, nhưng tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề: thời gian kéo dài, chưa toàn diện, chưa triệt để.
Theo báo Thanh Niên, ông Vũ Trọng Kim bày tỏ tại cuộc toạ đàm nêu quan điểm đồng tình khi dự thảo báo cáo về xây dựng, hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách phát triển thanh niên qua gần 40 năm đổi mới đã đề cập tới vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông cũng cho rằng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên. Từ đó, ông Vũ Trọng Kim đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự 2015 để làm sao giống như một số nước, mỗi thanh niên đều được trải qua huấn luyện quân sự ít nhất là 2 năm.
“Trong luật Nghĩa vụ quân sự hiện nay có miễn, giảm nên không phải 100% thanh niên chúng ta được tham gia nghĩa vụ quân sự. Tôi mong muốn làm sao mỗi thanh niên đều được tham gia nghĩa vụ quân sự vì nó tạo cho thanh niên nhận thức, tinh thần mới”, báo Thanh Niên dẫn lời ông Vũ Trọng Kim nói.
Vị đại biểu phân tích, Việt Nam trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh nên những ai không trải qua quá trình huấn luyện nghĩa vụ quân sự sẽ "cảm thấy thiếu thiếu gì đó". Ông Kim cũng dẫn ví dụ tại Hàn Quốc với chính sách yêu cầu tất cả các thanh niên đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
“Các đồng chí biết là ở Hàn Quốc, một thanh niên đá bóng ở nước ngoài giỏi cỡ nào đi nữa anh cũng phải về tập trung thực hiện nghĩa vụ quân sự. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất quan trọng và mỗi thanh niên phải thấm trong tim, gan mình về nghĩa vụ này”, Thanh Niên nhắc lại phát biểu của ông Vũ Trọng Kim tại cuộc toạ đàm.
Quan điểm Bộ Quốc phòng
Thực tế, Bộ Quốc phòng đã nhiều lần trả lời về đề xuất “tất cả thanh niên đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự”.
Cụ thể, hồi đầu năm ngoái, cử tri Thái Bình nêu kiến nghị cho rằng, tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự rồi mới được đi học đại học, học nghề nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ:
“Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, quy định theo hướng tất cả nam thanh niên đến tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; sau đó mới được đi học đại học hoặc học nghề để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở gọi thanh niên nhập ngũ” (Câu số 7)”, Bộ Quốc phòng dẫn lại.
Bộ Quốc phòng nêu quan điểm nêu rõ Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn luật được ban hành, điều chỉnh một số nội dung cơ bản. Trong đó quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự đối tượng tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, tiêu chuẩn tuyển chọn về độ tuổi gọi nhập ngũ, sức khỏe, văn hóa, chính trị, đạo đức, chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và thân nhân, chế tài xử phạt...
Bộ Quốc phòng lưu ý, qua thực tiễn, quá trình triển khai thực hiện đã có những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhất định. Trong đó có một số vấn đề mà cử tri tỉnh Thái Bình đã phản ánh đó là thực hiện công bằng xã hội đối với mọi nam thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ.
Theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015, mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú... Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng, do điều kiện kinh tế đất nước còn hạn hẹp và nhiều yếu tố khác chi phối nên chưa thể gọi hết nam thanh niên nhập ngũ.
“Hằng năm chỉ gọi nhập ngũ từ 3,0 - 3,2% trong tổng số thanh niên ở độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự”, cổng thông tin Bộ Quốc phòng cho biết.
Bộ Quốc phòng nêu rõ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 theo chương trình soạn thảo luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực này bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện góp phần thực hiện công bằng trong tuyển quân.
Phát biểu trước đây tại kỳ họp 5 của Quốc hội hồi giữa năm 2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng nêu tình trạng số lượng người đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đông, nhưng số lượng miễn, hoãn lại nhiều. Phát biểu thảo luận tại tổ, Đại tướng Phan Văn Giang cho hay, tới đây sẽ sửa luật theo hướng giảm đối tượng được miễn, hoãn.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 2 triệu thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ nhưng mỗi năm chỉ có 100.000 người thực hiện nghĩa vụ quân sự.
“Số lượng người đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của Việt Nam đông, nhưng số lượng miễn, hoãn lại nhiều hay số lượng thanh niên vẽ vào người cũng nhiều”, đại tướng nói.
Do đó, trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ cùng Quân ủy Trung ương nghiên cứu và đề nghị sửa luật Nghĩa vụ quân sự để giảm đối tượng được miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
“Có thể tăng số lượng lên nhưng giảm thời gian phục vụ trong quân ngũ và tăng cường độ huấn luyện”, VTC News dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay.
Xử nghiêm hành vi trốn nghĩa vụ quân sự
Thanh Niên dẫn lời bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, theo quy định của luật Nghĩa vụ quân sự, thì trừ rất ít trường hợp được miễn, nên hầu hết thanh niên trong độ tuổi quy định đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Bà Tuyết cũng nêu, các quy định trong luật hiện hành được Quốc hội khóa 13 thông qua vẫn còn phù hợp.
“Tuy nhiên, vấn đề trốn nghĩa vụ quân sự cần phân loại và xử lý nghiêm theo quy định”, vị đại biểu đề nghị.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam là đất nước đang phát triển nên cần nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc bắt buộc toàn bộ thanh niên trong độ tuổi (18 đến 27 tuổi) phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm nên cần được cân nhắc nhiều mặt, nhiều yếu tố.