Luật sư mong hội đồng xét xử cân nhắc thấu đáo giữa công và tội, giữa lý và tình để cho bị cáo Nguyễn Thành Danh được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt.
Cựu Giám đốc CDC Bình Dương nhiều lần từ chối nhận tiền
Chiều 9/1, TAND TP. Hà Nội tiếp tục xét xử 38 bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ cùng một số địa phương.
Trong số 21 bị cáo bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng có ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương.
Theo báo An ninh Thủ đô, tại phiên xử hôm nay, luật sư bào chữa cho cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương Nguyễn Thành Danh đã đề nghị các cơ quan tố tụng miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo này.
Theo cáo trạng vụ án, ông Danh bị cáo buộc đã thống nhất và chỉ đạo nhân viên CDC Bình Dương ứng trước kit test của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT, sau đó hợp thức để Công ty Việt Á trúng thầu. Hậu quả, ngân sách bị thiệt hại hơn 55 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù có sai phạm, nhưng khác với nhiều cựu quan chức trong vụ án, ông Danh được xác định đã nhiều lần từ chối nhận lợi ích từ Công ty Việt Á, không vụ lợi, thành khẩn khai báo và có nhiều thành tích.
Xét nhiều yếu tố, đại diện viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo 10 tháng 4 ngày tù, đúng bằng thời gian bị tạm giam.
"Sai phạm có tính chất đặc biệt"
Luật sư Nguyễn Thành Công, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Danh phát biểu tại phiên xử bày tỏ, ông "vui mừng" vì ở góc độ buộc tội, phía viện kiểm sát đã cân đối giữa yếu tố công và tội, để đề nghị mức hình phạt vừa phải cho ông Danh.
Tuy nhiên, luật sư Công vẫn muốn trình bày thêm một số căn cứ, để hội đồng xét xử cân nhắc hơn nữa, qua đó miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Thành Danh.
Đầu tiên, luật sư đồng ý với quan điểm về việc cựu Giám đốc CDC Bình Dương có sai phạm, tuy nhiên cho rằng việc ứng kit test của Việt Á là thực hiện theo chủ trương của Sở Y tế tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương.
"Nghĩa là, CDC Bình Dương chấp hành chỉ đạo của cấp trên, chứ bản thân CDC Bình Dương hay bị cáo Danh không tự ý hoặc đề xuất chủ trương này", - luật sư lập luận.
Luật sư Nguyễn Thành Công chỉ rõ, cái sai của bị cáo Nguyễn Thành Danh là thay vì phản đối chủ trương, chỉ đạo của cấp trên để thực hiện cho đúng pháp luật về đấu thầu thì lại hợp thức hóa hồ sơ để rồi dẫn tới sai phạm.
Cùng với đó, luật sư cho rằng sai phạm tại CDC Bình Dương có điểm mang tính đặc biệt, đặc thù, khác với các trường hợp khác tại vụ án này. CDC Bình Dương bắt buộc phải mượn và mua thêm kit test xét nghiệm của Việt Á để sử dụng.
Bởi trong 7 máy xét nghiệm Real time - PCR mà CDC Bình Dương được tài trợ để chống dịch, có 2 máy do Trung ương chuyển về chỉ chạy được kit test của Công ty Việt Á. Vì thế, bên cạnh các loại kit test khác, CDC Bình Dương buộc phải mua thêm kit test Việt Á để duy trì chạy máy.
Năm 2021, CDC Bình Dương sử dụng tổng số hơn 600.000 kit test, trong đó kit test của Việt Á là hơn 105.000, chiếm 17,5%.
"Điều này cho thấy, CDC Bình Dương đã chủ động mua các loại kit khác có giá thành thấp hơn để giảm chi phí, việc chọn kit của Việt Á là do tình thế ép buộc phải làm", - luật sư nhấn mạnh.
Luật sư cũng chỉ ra rằng, do cơ chế độc quyền phân phối trên thị trường, CDC Bình Dương không thể biết được giá kit test của Công ty Việt Á đưa ra là giá bị nâng khống. Bởi lẽ, ngay chính các văn bản của Bộ Y tế đều xác định và giới thiệu mức giá cho các địa phương.
"CDC Bình Dương cũng thể nào biết được việc hiệp thương giá có sai phạm", - Thanh Niên dẫn lời của luật sư cho hay.
Đối với cáo buộc của viện kiểm sát về việc cựu Giám đốc CDC Bình Dương chỉ đạo cấp dưới thông đồng và cung cấp hồ sơ kỹ thuật cho đơn vị thẩm định giá, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng dùng từ "thông đồng" là quá nặng nề.
Lý do luật sư đề cập thì sai phạm này chỉ là vô ý và việc đã rồi nên các bị cáo phải tìm nguồn để thanh toán.
Đề nghị cho hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt
Điểm quan trọng được luật sư tập trung bào chữa cho cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh là việc bị cáo này không vụ lợi hay nhận bất cứ lợi ích gì.
"Đây là điểm khiến bị cáo Danh rất khác biệt trong vụ án này", - luật sư Nguyễn Thành Công bày tỏ.
Theo ông Công, ngay từ đầu, CDC Bình Dương chỉ xin tham gia phòng, chống dịch Covid-19 mà không tổ chức thầu, do không có chuyên môn, kinh nghiệm, nhưng không được chấp nhận.
Đồng thời, khi được phía Công ty Việt Á đặt vấn đề tặng quà cảm ơn, bị cáo Nguyễn Thành Danh đã quyết liệt từ chối và "không chỉ một mà nhiều lần" từ chối nhận tiền quà từ Phan Quốc Việt.
Cũng dẫn bối cảnh xảy ra vụ án là thời điểm dịch bệnh căng thẳng, luật sư nhắc lại, ông Danh là một trong những bị cáo bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tiên và cũng là thành viên thuộc đơn vị mũi nhọn hàng đầu chống dịch tại tỉnh Bình Dương.
Khi ấy, tinh thần chống dịch như chống giặc, khối lượng công việc đổ dồn về CDC Bình Dương vô cùng lớn, trong khi đơn vị này mới sáp nhập và hoạt động từ năm 2019, chưa hoàn thiện được cơ cấu, tổ chức, thiếu nhân lực có chuyên môn về đấu thầu.
Bên cạnh những nội dung trên, luật sư cũng trình bày các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Danh như: nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, hợp tác tích cực với CQĐT, có thành tích xuất sắc trong công tác...
Bị cáo Danh có nhiều giấy khen, bằng khen và danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú". Năm 2020 bị cáo Danh là 1 trong 10 người được trao tặng danh hiệu "Công dân tiêu biểu" tỉnh Bình Dương và còn được nhiều đơn vị có đơn xin giảm nhẹ.
Theo luật sư, bị cáo Danh từng xin nghỉ hưu trước hạn nhưng vì Covid-19 nên tiếp tục ở lại chống dịch, đăng ký tham gia vào tuyến đầu.
"Tuy nhiên, ngày nhận quyết định nghỉ hưu cũng là ngày nhận quyết định khởi tố bị can", - luật sư cho rằng, bị cáo Danh là trường hợp vô cùng đau xót.
Từ những căn cứ đã nêu, luật sư mong hội đồng xét xử cân nhắc thấu đáo giữa công và tội, giữa lý và tình để cho bị cáo Danh được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, đó là miễn trách nhiệm hình sự (phạm tội trong hoàn cảnh, tình thế cấp thiết) đối với cựu Giám đốc CDC Bình Dương.