Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực, đồng thời, kinh tế Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế thế giới.
Vốn FDI kỷ lục
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng ngày 11/1, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết năm 2023 được đánh giá là năm thành công thu hút vốn FDI của Việt Nam.
Theo đó, vốn FDI vào Việt Nam năm 2023 đạt kỷ lục 36,6 tỷ đô la Mỹ với hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58%.
Số chương trình mục tiêu quốc gia đã giảm từ 60 chương trình (2011-2015) xuống còn 21 chương trình (2016-2020), đến nay còn 3 chương trình (2021-2025).
Đã cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng.
Trong quy hoạch, loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.
Đặc biệt, đầu tư công đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… các “quả đấm thép” cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT.
GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.284 USD
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu cho biết: “Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực”.
Ông Dũng nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực nhưng là năm thứ ba liên tiếp “đạt dưới mục tiêu bình quân chung” kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và chiến lược 10 năm (khoảng 7%).
“GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 đô la Mỹ, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 đô la Mỹ”, - Bộ trưởng lưu ý, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Ngoài ra còn có nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ “dân số vàng”.
Bộ trưởng cũng trăn trở, năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao, tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn vẫn chậm phát triển so với yêu cầu đặt ra.
Sang năm 2024, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.
Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; hạ tầng đường sắt (đặc biệt là triển khai dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam), hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Năm 2024, đầu tư tư nhân dự báo tiếp tục khó khăn, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. bộ sẽ tiếp tục tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc kéo dài.
Kinh tế Việt Nam là “điểm sáng” của kinh tế thế giới
Phát biểu tại hội nghị, Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn năm 2023, kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của thế giới.
“Những kết quả này tiếp tục đóng góp và khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, - báo Chính phủ dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Người đứng đầu Chính phủ điểm lại, thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% với nhiều dự án chất lượng cao, như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng là điểm sáng, bộ đã tham mưu cho Chính phủ lập 26 tổ công tác, phát hiện hơn 1.000 vướng mắc để tập trung tìm giải pháp tháo gỡ.
Có 217.700 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường, tăng 4,5%. Đến cuối năm, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường lớn hơn số doanh nghiệp rút lui, đảo chiều so với đầu năm. Nhiều doanh nghiệp về bất động sản và hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi.
Trong 111 quy hoạch quốc gia, đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định được 107 quy hoạch. Thủ tướng đánh giá, đây là nỗ lực lớn bởi công tác quy hoạch khó vì phải phát huy thế mạnh, hạn chế được điểm yếu và có tầm nhìn.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, theo Thủ tướng cũng có bước tiến mạnh mẽ, đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã thu hút được 41 quỹ đầu tư, cam kết đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Do đó, Bộ KH&ĐT cần làm tốt chức trách và nhiệm vụ được giao, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu, phát huy kết quả đạt được, không say sưa, thỏa mãn, chủ quan, lơ là.
Cần chuẩn bị tâm thế, phản ứng chính sách và nguồn lực với dự báo tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023, làm việc tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024.
“Vượt qua chính mình là rất khó, nhưng các đồng chí đã làm được và tôi tin chắc sẽ làm tốt hơn nữa”, - Thủ tướng tin tưởng.