Kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đối đầu căng thẳng từ sau Chiến tranh lạnh
© Ảnh : Thanh Tùng/Báo Giao thôngTS. Võ Trí Thành
© Ảnh : Thanh Tùng/Báo Giao thông
Đăng ký
Sáng nay 9/1, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược".
Phát biểu tại đây, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn nhiều bất ổn, sau giai đoạn Chiến tranh lạnh thì đây là giai đoạn đối đầu căng thẳng kể từ năm 1989 đến nay.
Tuy nhiên, theo báo Dân Trí dẫn nhận định của vị chuyên gia khẳng định, những khó khăn nhất đã qua và kỳ vọng áp lực từ những cơn gió ngược đối với kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ giảm.
Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Nhìn nhận về tình hình kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế tài chính tiền tệ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ổn định hơn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề.
“Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất giảm bớt, thanh khoản ngân hàng ổn định, chứng khoán, trái phiếu trải qua cơn chấn động và bắt đầu phục hồi”, - báo Dân Trí dẫn lời ông Thành phân tích.
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ, khó khăn nhất đã qua, hy vọng áp lực từ yếu tố quốc tế sẽ giảm đi trong thời gian tới. Mặt khác, chuyên gia cũng nêu những vấn đề còn tồn tại hệ thống tài chính ngân hàng chưa đủ lành mạnh, xử lý ngân hàng yếu kém kéo dài hàng chục năm còn nhiều khó khăn.
“Nợ xấu gia tăng, nợ nội bảng hiện trên ngưỡng gần 3,4%, tiếp tục xu hướng tăng”, - theo ông Võ Trí Thành.
Cùng với đó, lòng tin vào thị trường tài chính chưa được cải thiện, điển hình là trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng cho người dân gắn với câu chuyện bất động sản, mua nhà, sửa nhà…
“Gần 64% tín dụng bất động sản là dành cho cá nhân, nhưng trong 2023 tín dụng cho cá nhân gần như không tăng”, - chuyên gia chỉ ra điểm mấu chốt.
Giai đoạn đối đầu căng thẳng từ sau Chiến tranh lạnh
Đối với quy mô toàn cầu, phân tích tình hình hiện tại, TS. Võ Trí Thành đánh giá, kinh tế thế giới đang trong giai đoạn “nhiều bất ổn”.
“Sau giai đoạn Chiến tranh lạnh thì đây là giai đoạn đối đầu căng thẳng kể từ năm 1989 đến nay”, - báo Dân Trí trích phát biểu của ông Thành lưu ý.
Theo vị chuyên gia, bên cạnh những căng thẳng, kinh tế thế giới cũng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Ông Thành dẫn chứng, chưa bao giờ trong cuộc khủng hoảng người ta lại bàn về xu thế, không chỉ là cam kết chính trị mà là đòi hỏi của thị trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển dịch các chuỗi cung ứng.
Về ngắn hạn, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có 3 điều về cơn gió ngược kinh tế. Đặc trưng đầu tiên là về việc phục hồi kinh tế thế giới còn khó khăn.
“Các quốc gia là đối tác thương mại du lịch của Việt Nam thì còn trong quá trình phục hồi hay câu chuyện kinh tế Mỹ còn nhiều tranh cãi”, - chuyên gia chỉ rõ.
Đặc trưng thứ hai, theo TS. Võ Trí Thành là điều kiện tài chính tiền tệ ngặt nghèo. Ông lưu ý, năm 2024 dự báo đỡ áp lực hơn, lạm phát giảm, lãi suất không tăng, bắt đầu xu hướng giảm nhất là ở các nước phát triển lãi suất vẫn còn neo cao. Đặc trưng thứ ba là rủi ro lớn từ địa chính trị, biến đổi khí hậu, rủi ro tài chính từ câu chuyện nợ của các quốc gia, nhiều quốc gia rơi vào tình trạng “vỡ nợ kỹ thuật”
“Kinh tế như cơ thể người, ốm sốt là điều có thể xảy ra”
Phát biểu tại diễn đàn, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, năm 2023, nền kinh tế thế giới và Việt Nam diễn ra “đầy thú vị”.
Ông cho hay, kinh tế thế giới tăng trưởng 2,9%, lạm phát không còn căng thẳng, trong khi tại Việt Nam, nền kinh tế có nhiều điểm sáng như Ngân hàng Nhà nước có 4 lần giảm lãi suất điều hành, tín dụng tăng trưởng 13,7%, phù hợp với các cân đối vĩ mô. Bên cạnh đó, tỷ giá điều chỉnh ở mức 2,89%, giúp Việt Nam vượt qua nhiều cú sốc bên ngoài.
Đầu tư công giải ngân đạt trên 81% so với kế hoạch, PGS.TS Nguyễn Đức Trung đánh giá, đây là mức ấn tượng và Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt để đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 6-6,5%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 cần nhiều giải pháp tổng thể. Theo Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng, ở mức độ tổng quan, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6-6,5% hoặc xấu hơn là không đạt. Ông so sánh, việc này cũng giống như cơ thể người, ốm sốt là điều có thể xảy ra.
“Chúng ta cần những khoảng lặng để điều chỉnh, nghĩ đến những điều lớn lao hơn cho dài hạn, thay vì cố gắng, nỗ lực ngay cả khi ốm. Chúng ta cần tầm nhìn dài hạn hơn thay vì phấn đấu từng năm một”, - PGS.TS Nguyễn Đức Trung lưu ý.
Theo Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM Nguyễn Khắc Quốc Bảo lưu ý, năm 2023 có nhiều điểm tối khi tổng cầu nền kinh tế giảm mạnh nhất 35 năm qua. Dù vậy, ở góc nhìn ngược lại, nhiều điểm sáng cũng đã xuất hiện, tạo điều kiện tăng trưởng cho năm 2024.
Đầu tiên, năm nay, xu hướng lạm phát của thế giới đã giảm xuống, tạo nhiều dư địa cho các chính sách hỗ trợ.
“Kinh tế Việt Nam đã đi qua những giai đoạn lạm phát lên đến đỉnh điểm, các dự báo gần đây đều cho rằng mặt bằng lạm phát sẽ giảm”, - ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh.
Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TPHCM cũng có lòng tin tổng cầu nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn trong 2024. Tổng cầu thế giới hồi phục vì hàng tồn kho của Mỹ và EU đã đạt đỉnh vào cuối 2023.
“Tồn kho đã tăng đỉnh điểm và đã giảm thì mở ra cơ hội xuất khẩu cho Việt Nam”, - ông nói.
Cùng với đó là sự hồi phục của du lịch, so với năm 2022 đã tăng nhưng do với trước dịch thì còn cách xa đỉnh. Do đó, dư địa tăng trưởng ngành du lịch còn rất tốt, nếu có chương trình kích thích thì mở ra nhu cầu hồi phục nội địa.
Tiếp đó là đầu tư công. Ông nhìn nhận, năm qua còn nhiều khó khăn nhưng vốn đầu tư công vẫn được đẩy ra, mạnh nhất vào cuối 2022. Trong năm 2023, vốn đầu tư công đã lan tỏa tích cực và năm 2024 là điểm rơi của dòng vốn này, do có độ trễ. Dư địa cho việc mở rộng chính sách tiền tệ còn nhiều. Khi áp lực lạm phát giảm thì ngân hàng trung ương thế giới hãm đà tăng lãi suất, lãi suất sẽ giảm hoặc không tăng, Fed đã dự báo không tăng lãi suất năm 2024.
“Cái giá phải trả của việc tăng lãi suất đã gây hậu quả lớn, 3 ngân hàng Mỹ sụp đổ. Bài học đó đã được rút ra, năm 2023 Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất”, - chuyên gia đánh giá đây là thành công trong điều hành tiền tệ, là dư địa để chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, sẽ tiếp tục giảm hoặc không tăng.
Cuối cùng, theo Phó Giám đốc ĐH Kinh tế TPHCM, chính sách quyết liệt tháo gỡ bất động sản trong năm qua đã tạo kỳ vọng bất động sản hồi phục, dòng tiền quay trở lại thị trường.
“Bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, sự phục hồi của ngành này sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho bức tranh chung”, - ông Bảo nêu ý kiến.
Làm gì để kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu năm 2024?
Kiến nghị giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2024, TS. Võ Trí Thành cho rằng, hai năm 2023, 2024 có 3 nhóm chính sách cơ bản.
Đầu tiên là ứng xử với chính sách tiền tệ với hệ thống tài chính ngân hàng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Thị trường bất động sản đã bắt đầu rục rịch dù còn chậm, thông qua các nhóm giải pháp, tái cấu trúc tập đoàn lớn, pháp lý, hỗ trợ tài chính tiền tệ.
Nhóm chính sách thứ 2 là kích cầu, từ tiêu dùng, cấp thị thực (visa), hút khách, chính sách hỗ trợ người lao động, thu hút đầu tư trong nước bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Điểm kích cầu nữa là xuất khẩu thương mại, Việt Nam sắp tới ký kết nhiều hiệp định, đàm phán với một số quốc gia để có lợi thế thương mại.
Về tinh thần, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được tiếp tục duy trì như giảm thuế, khoanh nợ, không chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp. Thủ tướng cũng lưu ý câu chuyện làm mới cái cũ, cái vốn có nhưng phải tận dụng cơ hội mới. Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy kinh tế mới sang tuần hoàn, kinh tế số. Việt Nam sẽ hoàn thành 63 quy hoạch trong đó có Hà Nội, TPHCM.
Việt Nam cũng chuẩn bị, có chiến lược thu hút đại bàng tới Việt Nam, trên các lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn. TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, chính sách vẫn phải ứng phó với khó khăn, vượt khó.
“Chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn, lo chính sách dài hạn và sớm có hành động, để bớt đi những nỗi nhọc nhằn của ngắn hạn và trước mắt”, - ông bày tỏ.
Để thúc đẩy chi tiêu tăng trưởng cho năm 2024, ông Trung kiến nghị giải pháp tăng xúc tiến thương mại, nhân rộng mô hình TPHCM (ngày hội livestream bán hàng, ngày hội mua sắm và giải trí trực tuyến).
Đồng thời, duy trì giảm thuế VAT 2% không chỉ trong 6 tháng năm 2024 mà cần thực hiện cả năm; kiên định chính sách tài khóa phản chu kỳ, thực thi giảm giá bán nhờ tận dụng công nghệ.
Về đầu tư, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng cần thu hút thực hiện các biện pháp thu hút FDI; thay đổi mô hình đầu tư công, tránh tâm lý đầu năm bình tĩnh, cuối năm khẩn trương, phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lên 85-90%. Về xuất khẩu, chuyên gia đề xuất cần hướng mạnh hơn đến những thị trường khả quan về tăng trưởng kinh tế như Ấn Độ, thay vì chỉ tập trung vào châu Âu.
Với mảng dịch vụ, năm 2023 đạt được nhiều điểm sáng về du lịch. Năm 2024, ông Trung cho rằng cần phát triển các thành phố trọng điểm có khả năng phát triển mạnh về du lịch.
Đối với riêng TPHCM, ông Trung nhận định thành phố có nhiều nguồn lực thuận lợi để phát triển, như lợi thế về vị trí địa lý (trung tâm cảng biển, sân bay); có Nghị quyết 98 giúp phát huy nguồn lực; có lực lượng sản xuất phi sinh học và nguồn lực tri thức dồi dào.
“TPHCM cần gia tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại, bằng hoặc gấp đôi Hà Nội và giữ lại nguồn kiều hối để sử dụng hiệu quả hơn”, - lãnh đạo Trường Đại học Ngân hàng kiến nghị TPHCM có thể phát huy các lợi thế để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.