Chuyến thăm của Ngoại trưởng Choe Son-hui lần này được diễn ra theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 10 năm ngoái. Dự kiến bà Choe sẽ ở lại Nga tới ngày 17/1, hội đàm với ông Lavrov, thảo luận về phương án hợp tác song phương.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, Đại tá Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã đưa ra bình luận, phân tích xung quanh vấn đề này.
Chuyến thăm báo hiệu bước ngoặt quan trọng
Sputnik: Xin chào Đại tá Nguyễn Minh Tâm! Xin ông cho biết Tại sao các cuộc tiếp xúc lẫn nhau và các chuyến thăm song phương giữa Nga và Triều Tiên trở nên thường xuyên hơn ?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân:
Trong nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, quan hệ giữa Triều Tiên với Liên Xô trước đây cũng như với Nga hiện nay luôn ở trạng thái không ổn định. Mặc dù Liên Xô đã có những sự giúp đỡ to lớn với CHDCND Triều Tiên, giải phóng một nửa đất nước Triều Tiên khỏi ách phát xít Nhật, trợ giúp đắc lực về yểm hộ trên không cho Quân đội Nhân dân Triều Tiên; nhưng khi Trung Quốc tiến hành chống xét lại Liên Xô thì Triều Tiên đứng về phía Trung Quốc. Quan hệ Triều Tiên với Liên Xô gần như “đóng băng”.
Liên bang Nga kế thừa các quan hệ quốc tế của Liên Xô vẫn mong muốn duy trì quan hệ với Triều Tiên và việc “phá băng” để nói lại quan hệ vốn có đã được các nhà lãnh đạo Kim Jong Il, Vladimir Vladimirovich Putin và Dmitri Mevedev thực hiện trong chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên đến Moskva vào các năm 2000 và 2011. Kế tục người cha, Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên cũng duy trì các mối quan hệ ngày càng gắn bó hơn giữa Bình Nhưỡng với Moskva thông qua các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nga năm 2019 và tháng 9/2023 vừa qua.
Trong lần gặp gỡ tại Vladivostok hồi tháng 9/2023, hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên đã có những thỏa thuận có tính nguyên tắc về việc thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên. Tháng 11/2023, phía Nga, thông qua Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Aleksandr Kozlov phát đi tín hiệu “mong muốn tăng cường toàn diện mối quan hệ với Cộng hòa DCND Triều Tiên”.
Do đó, chuyến đi của Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui nằm trong một chuỗi hoạt động qua nhiều năm để nâng cấp mối quan hệ giữa Triều Tiên với Liên bang Nga, từ các quan hệ kinh tế văn hóa cho đến cấp cao nhất, dựa trên độ tin cậy chính trị giữa hai nước đã được củng cố. Chuyến đi này báo hiệu một bước ngoặt quan trọng sắp tới trong quan hệ giữa hai nước.
Sở dĩ người Triều Tiên thúc đẩy quan hệ với Nga một cách mạnh mẽ hơn như vậy vì họ đã chờ đợi suốt nhiều năm và chịu nhún nhường trước Hàn Quốc, Mỹ và phương Tây để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh cấm và và trừng phạt. Tuy nhiên, cũng như người Nga, thiện chí của họ đã bị Mỹ và phương Tây phản bội bằng sự dối trá và lừa lọc độc ác. Còn đồng minh truyền thống của họ là Trung Quốc thì từ lâu đã chơi trò “bắt cá hai tay”, vừa có quan hệ cấp nhà nước với Hàn Quốc, vừa duy trì quan hệ với Triều Tiên.
Trong tình huống đó thì việc chỉ phát triển quan hệ đồng minh với Trung Quốc là một sự mạo hiểm. Vì vậy, người Triều Tiên tìm đến Nga như một đồng minh thứ hai sau nhiều năm lạnh nhạt để bảo đảm an ninh và an toàn cho chính mình trước sự hăm dọa và uy hiếp ngày càng gia tăng từ phía Mỹ, Nhật, Hàn.
Phía Triều Tiên đã hầu như mất niềm tin vào khả năng chung sống hòa bình với Hàn Quốc chứ đừng nói đến việc thống nhất hai miền Triều Tiên. Trong khi đó thì Trung Quốc có thái độ nước đôi. Và chỉ có Liên bang Nga có thể là cứu cánh cho họ khi Mỹ không những không dỡ bỏ các lệnh cấm vận mà còn tăng cường hỗ trợ cho Hàn Quốc về quân sự.
Và có lẽ việc Điện Kremlin tuyên bố rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Triều Tiên trong thời gian trước mắt đã làm cho Chủ tịch Kim Jong Un thêm tin tưởng để kếu gọi sửa đổi Hiến pháp Triều Tiên. Theo đó chỉ rõ, Hàn Quốc là kẻ thù nguy hiểm số một.
Phản ứng hết sức lố bịch từ Phương Tây
Sputnik: Thưa Đại tá, phản ứng của phương Tây sẽ ra sao đối với chuyến thăm của Ngoại trưởng Choe Son-hui?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm - Nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân:
Sau khi phái đoàn ngoại giao Nga đặt chân tới Bình Nhưỡng trong chuyến thăm cấp Bộ trưởng ngoại giao từ ngày 11 đến 14/11/2023, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã phát biểu rằng “mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moskva đang gia tăng và gây nguy hiểm, đồng thời kêu gọi đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc kiềm chế Bình Nhưỡng”.
Đây là một kiểu cách phản ứng hết sức lố bịch khi người Mỹ tự cho mình cái quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Và không loại trừ việc người Mỹ sẽ còn có những phát biểu lố bịch hơn nữa, thô bạo hơn nữa về chuyến thăm của ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui đang diễn ra tại Moskva.
Người Mỹ luôn có thói quen đặt các đồng minh của họ trước các “kẻ thù tương tượng” do Mỹ chỉ định để buộc các đồng minh phải phụ thuộc vào họ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Mỹ đã đem Liên bang Nga ra hăm dọa Châu Âu. Ở Đông Á và Đông Nam Á, Mỹ đem Trung Quốc ra dọa dẫm. Và bây giờ đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ cũng làm điều tương tự khi đem Triều Tiên ra làm “con ngáo ộp”.
Trong con mắt của người Mỹ và phương Tây, việc Triều Tiên cùng lúc có được hai người “bạn lớn” là Nga và Trung Quốc sẽ đẩy lùi được nguy cơ “diễn biến hòa bình” đối với Triều Tiên, làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Bắc Á.
Nhưng trong con mắt của những người yêu chuộng hòa bình, theo chủ nghĩa đa phương và ủng hộ mô hình thế giới đa cực thì việc hình thành một bộ ba Nga – Trung – Triều ở Đông Bắc Á sẽ góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bất chấp những hành động đối đầu, làm gia tăng căng thẳng của bộ ba Mỹ - Nhật – Hàn cũng tại khu vực này.