Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sẽ tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược.
“Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”
Ngày 16/1, tại trụ sở Tổng cục ở Hà Nội, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí năm 2024.
Phát biểu tại đây, Thiếu tướng Lê Ngọc Thân, Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thông tin, năm 2023, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã hoàn thành “xuất sắc” nhiệm vụ tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng.
Trong đó có các nội dung xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng; công tác nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng cục tiếp tục thực hiện 150 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp (16 cấp quốc gia, 52 cấp Bộ Quốc phòng, 82 cấp Tổng cục).
Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế, theo báo Quân đội nhân dân dẫn lời tướng Thân.
Theo báo cáo Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, năm qua, Việt Nam tiếp tục tổ chức sản xuất vũ khí lục quân; đóng tàu quân sự và sản xuất kinh tế.
Tổng cục đã hoàn thành sản xuất, sửa chữa 91/91 chủng loại sản phẩm quốc phòng bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được cao hơn so với năm 2022.
Thiếu tướng Lê Ngọc Thân cho hay, trong mỗi nhiệm vụ quan trọng, mỗi mặt công tác của Tổng cục đều được các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội đồng hành, động viên, khích lệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong toàn quân và nhân dân cả nước, qua đó, góp phần khẳng định vị trí, vai trò của ngành công nghiệp quốc phòng trong thời kỳ mới.
Theo thống kê, năm 2023 đã có hơn 1.000 bài viết, phóng sự, phim tài liệu và tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hoạt động của Tổng cục và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục. Mức này nhiều gấp 1,8 lần so với năm 2022.
Hướng tới vũ khí hiện đại và vũ khí chiến lược
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chính uỷ Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phát biểu cho biết, năm 2023, Tổng cục đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, có bước đột phá.
Đặc biệt là trong hiện đại hóa dây chuyền, thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Trung tướng Hùng nhấn mạnh, phát huy truyền thống “Đoàn kết - Tự lực - Chủ động - Khoa học”, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động toàn Tổng cục đã và đang tích cực thi đua lao động sản xuất, phấn đấu làm chủ khoa học công nghệ mới; quán triệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; xây dựng Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tổng cục cũng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Thực tế, ngay từ triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã khẳng định năng lực, bản lĩnh và trí tuệ với 5 nhóm sản phẩm công nghệ quốc phòng lớn mà Việt Nam đã làm chủ - từ vũ khí bộ binh, đạn dược, khí tài quang học, đến sản phẩm thuộc về ngành công nghiệp đóng tàu và khí tài nghi binh, nghi trang, vật tư kỹ thuật cải tiến, hiện đại hóa, nâng cấp vũ khí, trang bị cho bộ đội.
Năm qua, Tổng cục cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng tham gia triển lãm các sản phẩm quốc phòng và kinh tế thu hút được sự quan tâm lớn của truyền thông, cộng đồng quốc tế, tướng lĩnh, cán bộ và nhân dân cả nước.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, thời gian tới, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, phát triển CNQP theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Đồng thời, tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm. Trong đó, Việt Nam sẽ nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật có tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao cho lực lượng vũ trang, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại.
“Sửa chữa, cải tiến phần lớn các loại vũ khí trang bị kỹ thuật có trong biên chế; tập trung đầu tư sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại và chiến lược, trong đó phải hướng tới làm chủ được thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp quốc phòng”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo báo Tiền phong dẫn phát biểu của Chính uỷ Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng cục tiếp tục đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực mũi nhọn trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tạo sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời từng bước chuyển giao các công nghệ phù hợp cho công nghiệp dân sinh.
Báo chí đồng hành cùng nền công nghiệp quốc phòng
Tại cuộc gặp gỡ, Đại tá Trần Phú Mừng - Trưởng phòng Thông tấn - Báo chí (Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị) khẳng định, năm 2023, Tổng cục CNQP đã có những đột phá trong công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội.
Đại tá Mừng cũng đề nghị Tổng cục tiếp tục bám sát chỉ đạo của trên để tổ chức thực hiện tốt các hoạt động, sự kiện tiêu biểu của ngành.
Đặc biệt là các sự kiện gắn với kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, phối hợp tuyên truyền đậm nét Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã trao thưởng tặng 14 cá nhân vì đã có nhiều thành tích trong công tác phối hợp tuyên truyền năm 2023.