Ông Thắng thừa nhận hiểu sai các văn bản nghị định và quy định pháp luật, cho biết rất hối hận khi để xảy ra sai phạm, làm ảnh hưởng đến bản thân và cấp dưới.
Cựu Chủ tịch Khánh Hoà Nguyễn Chiến Thắng thừa nhận sai phạm
Báo Thanh niên đưa tin, sáng 23/1, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus (hiện là Mường Thanh Viễn Triều).
Vụ án có 9 bị cáo, bao gồm: Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Đào Công Thiên, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường; Nguyễn Ngọc Tâm, cựu Phó giám đốc Sở Tài chính; Vũ Xuân Thiềng, cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường; Trần Quang Bửu, cựu Phó giám đốc Sở Xây dựng; Nguyễn Văn Nhựt, cựu Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư; Trần Sỹ Quân, cựu Phó cục Thuế tỉnh Khánh Hòa và Lê Huy Toàn, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang.
Tại phiên toà, 3 bị cáo Võ Tấn Thái, Lê Huy Toàn và Trần Quang Bửu cùng một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin vắng mặt.
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng là người đầu tiên trả lời phần xét hỏi. Ông Thắng bị cáo buộc đã ký thông báo về việc thỏa thuận địa điểm lập các thủ tục đầu tư xây dựng Khu phức hợp Thiên Triều cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Triều.
Quang cảnh phiên tòa
© TTXVN - Phan Tiên Minh
Bị cáo Thắng cùng là người có thông báo chỉ đạo "UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất có thu tiền cho nhà đầu tư để thực hiện dự án Khu phức hợp Thiên Triều trên cơ sở giá thuê đất do các ngành chức năng của tỉnh tham mưu, đề xuất (không sử dụng hình thức đấu thầu dự án; đấu thầu quyền sử dụng đất); đổi lại, nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng hoàn thành dự án Nhà máy cấp nước Vân Phong".
Ngoài ra, ông Thắng cũng là người ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Triều thực hiện dự án "Khu phức hợp Thiên Triều", với mục tiêu là để "xây dựng khu khách sạn, căn hộ cao cấp khang trang, hiện đại với đầy đủ các khu dịch vụ, trung tâm thương mại nhiều tiện nghi và đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, môi trường; diện tích thực hiện 22.416 m²".
Theo cáo trạng, việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, không thẩm tra dự án đầu tư là hành vi vi phạm quy định pháp luật.
Tại toà, chủ tọa đặt câu hỏi, "căn cứ vào đâu mà bị cáo lại cho phép trong việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư?".
Trả lời toà, bị cáo Thắng nói việc ký văn bản về thỏa thuận địa điểm đầu tư tại khu đất Bãi Dương là dựa trên tham mưu của Sở Kế hoạch – Đầu tư. Bị cáo sau đó đã ký tờ trình về việc cho phép thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có đường N2 (đường Lý Thái Tổ) ở huyện Cam Lâm.
"5 tuyến đường tại huyện Cam Lâm rất cần thiết nên chúng tôi đã xin đưa 5 con đường này được thực hiện theo hình thức BT, xin được chỉ định nhà đầu tư và sau đó Thủ tướng đã cho phép tại Công văn 1191. Sau một thời gian thì chỉ có 1 nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thiên Triều đăng ký làm con đường N2 (Lý Thái Tổ), trên cơ sở đó chúng tôi ký hợp đồng BT với Công ty Cổ phần Thiên Triều", - báo Thanh niên dẫn lời cựu Chủ tịch Khánh Hoà.
HĐXX khẳng định dự án này theo quy định phải đấu thầu, đấu giá. Tuy nhiên, bị cáo Thắng cho rằng, theo nhận thức của bản thân, khi chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thì sẽ được giao thực hiện dự án BT, đồng thời trả lại quyền lợi bằng khu đất ở Bãi Dương. Bị cáo thừa nhận hiểu sai các văn bản nghị định và quy định pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trả lời trong phần xét hỏi của Hội đồng xét xử
© TTXVN - Phan Tiên Minh
"Nếu kết tội thì hãy chỉ kết tội mình bị cáo thôi"
HĐXX hỏi tiếp, việc bị cáo cho phép Công ty Cổ phần Thiên Triều chuyển dự án sang Công ty Cổ phần Viễn Triều Nha Trang có thực hiện đúng theo các quy định pháp luật hay không?
Bởi theo cáo trạng, ông Nguyễn Chiến Thắng đã ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 1, thay đổi chủ đầu tư từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Triều sang Công ty Cổ phần Đầu tư Viễn Triều Nha Trang, đổi tên dự án thành "Khách sạn và Căn hộ cao cấp OCEANUS" khi hợp đồng BT chưa thực hiện xong. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Về điều này, cựu Chủ tịch Khánh Hoà trả lời, Công ty Cổ phần Đầu tư Viễn Triều Nha Trang là pháp nhân mới được tách ra từ Công ty Cổ phần Thiên Triều nên khi kế thừa thì sẽ giữ được các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đáp lại, HĐXX khẳng định đây là 2 pháp nhân độc lập, nên khi thu hồi, chuyển giao dự án cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Về việc ông Thắng cho phép dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus tại khu Bãi Dương xây dựng đến 47 tầng, trong khi đó quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 tại khu ven biển chỉ cho xây tối đa 40 tầng, bị cáo Thắng thừa nhận sai sót, lúc muốn sửa sai thì đã về hưu. Chủ tịch UBND tỉnh kế nhiệm là ông Lê Đức Vinh sau đó đã cho điều chỉnh từ 47 tầng xuống còn 40 tầng.
"Với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh thì bị cáo chịu trách nhiệm chính là gì?" - báo Thanh niên dẫn câu hỏi của HĐXX.
Ông Thắng khai, khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về dự án trên, ông không được tham dự để trình bày ý kiến của bản thân. Theo bị cáo, thời điểm đó tình hình kinh tế rất khó khăn, các cán bộ đã làm hết sức mình để chống suy thoái kinh tế.
"Bị cáo rất đau xót về những việc làm của mình trong thời gian làm chủ tịch, lúc đó bị cáo chỉ quan tâm mục tiêu là chống suy thoái kinh tế, giảm lạm phát. Anh em lúc đó cũng làm hết mình, kết tội anh em thì tội quá, nếu kết tội thì chỉ kết tội mình bị cáo thôi. Mong HĐXX quan tâm giảm tội cho các bị cáo khác", - cựu Chủ tịch Khánh Hòa trần tình.