VN: Luật sư đề nghị toà không can thiệp xử ông Trần Hùng, xuất hiện bằng chứng ngoại phạm

Luật sư đưa ra chứng cứ thu thập hợp pháp từ nhà mạng về cột sóng điện thoại của bị cáo Trần Hùng cho thấy, vào thời điểm kẻ môi giới Nguyễn Duy Hải khai đưa tiền tại phòng làm việc cho ông Trần Hùng thì khi đó ông Hùng lại đang ở nhà riêng.
Sputnik
Ngay tại phiên xử, chủ toạ liên tục tuyên bố các bị cáo có thể chọn trả lời hoặc không khi luật sư của ông Trần Hùng đặt câu hỏi chất vấn. Luật sư đã phải đề nghị toà không can thiệp hay tác động đến bị cáo.

Dư luận so sánh vụ ông Trần Hùng với ông Chu Ngọc Anh

Phiên toà của ông Trần Hùng tiếp tục được dư luận Việt Nam đặc biệt quan tâm. TTXVN cho biết, sáng nay, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị y án sơ thẩm 9 năm tù với bị cáo Trần Hùng.
Việc nhận hối lộ 300 triệu của ông Trần Hùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), với bản án 9 năm tù được tuyên trước đó, còn nhiều điểm chưa rõ.
Có thể khẳng định, không ai thực sự biết điều gì đã xảy ra trừ chính những người trong cuộc, tuy nhiên, phiên xử diễn ra cho thấy rằng, chứng cứ buộc tội ông Trần Hùng chỉ dựa vào lời khai của Nguyễn Duy Hải.
Theo VnExpress ngày 23/1, 4 luật sư bào chữa cho ông Trần Hùng khẳng định các lời khai dùng buộc tội ông Hùng "không nhất quán, không logic, không đủ tin cậy" nên không thể dùng làm bằng chứng. Trong đó, chỉ riêng việc đưa tiền tại phòng của ông Hùng vào trưa 15/7/2020, Nguyễn Duy Hải có 7 lời khai khác nhau.
Trên Facebook, độ thảo luận liên quan phiên toà tăng cao, nhiều người còn nhắc vụ án này với trường hợp gần đây của ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội).
Nhiều bình luận đặt câu hỏi so sánh vì sao ông Hùng bị cáo buộc nhận 300 triệu đồng bị tuyên phạt 9 năm tù còn ông Chu Ngọc Anh đã được xác định nhận 200.000 USD (hơn 4,6 tỷ đồng), thậm chí còn "quên trả" thì lại có mức án 3 năm tù.
Trong khi đó, đáng chú ý, tại phiên xử, khi luật sư đặt câu hỏi cho các bị cáo khác như Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) hay Lê Việt Phương (cựu Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội) thì chủ toạ phiên toà lại tuyên bố "bị cáo có thể chọn trả lời hoặc không" và cả Phương lẫn Thuận đều từ chối trả lời.
Nhiều ý kiến lưu ý về "án lệ" và nguyên tắc suy đoán vô tội - được ví như là nguyên tắc "vàng" trong tố tụng hình hình sự và được nền tư pháp Việt Nam đặc biệt coi trọng.
Cựu Cục phó Trần Hùng kêu oan: Viện kiểm sát khẳng định "không oan"

Toà có can thiệp trong vụ xử ông Trần Hùng?

Tại phiên phúc thẩm hôm nay, luật sư của ông Trần Hùng đặt câu hỏi với bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) về người đã cầm 300 triệu đồng mà bị cáo giao, đưa đi hối lộ.
Luật sư cũng đặt câu hỏi, dựa trên cơ sở nào bị cáo khẳng định ông Trần Hùng đã nhận số tiền này trong khi không tận mắt chứng kiến.
Các luật sư cũng đặt câu hỏi về lý do tại sao, bị cáo không tin rằng những người trung gian không lấy một phần, thậm chí chiếm đoạt số tiền 300 triệu đồng?
Tuy nhiên, theo tường thuật của báo Tiền Phong về phiên toà, khi chủ tọa tuyên bố bị cáo Thuận có thể chọn trả lời hoặc không, nữ bị cáo này đã từ chối trả lời tất cả câu hỏi từ luật sư của Trần Hùng đưa ra vì đã có lời khai đầy đủ trong giai đoạn điều tra và tòa sơ thẩm.
Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi cho Lê Việt Phương (cựu Đội phó Đội QLTT số 17 Hà Nội) về việc ông Trần Hùng chỉ đạo bị cáo Phương "xử lý nhẹ" là như thế nào.
Chủ tọa cũng lại tuyên bố rằng, bị cáo có thể trả lời hoặc không và Phương cũng từ chối trả lời tất cả câu hỏi của luật sư.
Theo báo Tiền Phong, luật sư bào chữa cho Trần Hùng đã phải đề nghị tòa không can thiệp hoặc tác động đến bị cáo.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên toà đã phản đối và cho rằng: "Đây là phiên tòa công khai, luật sư thấy chúng tôi can thiệp thế nào?".
Sau đó, một thẩm phán khác trong Hội đồng xét xử đã khuyến khích các bị cáo hợp tác, tuy nhiên, bà Cao Thị Minh Thuận vẫn tiếp tục từ chối trả lời.
“Tôi chỉ kêu oan”: Cựu Cục phó Trần Hùng đồng ý để báo chí ghi âm ghi hình

Xuất hiện chứng cứ ngoại phạm?

Bào chữa cho bị cáo Trần Hùng, luật sư khẳng định, việc buộc tội ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng là dựa vào lời khai của ông Nguyễn Duy Hải, sơ đồ ông Hải vẽ phòng làm việc của ông Hùng cũng như việc thực nghiệm điều tra.
"Tuy nhiên, không có bất kỳ chứng cứ trực tiếp nào chứng minh ông Trần Hùng đồng ý nhận hoặc đã nhận 300 triệu đồng mà ông Hải đưa", - luật sư nêu rõ.
Luật sư cho hay, cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào lời khai của bà Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát; ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, và ông Nguyễn Duy Hải "để suy diễn" rằng bên trong chiếc túi ông Hải mang đến phòng làm việc của ông Hùng chứa 300 triệu đồng.
"Thực tế thì không một ai chứng kiến, nhìn thấy chính xác đó là tiền. Các nhân chứng đều khai ông Hùng đã đuổi ông Hải ra khỏi phòng làm việc, ông Hải cầm túi về. Như vậy, số tiền đó có đến được tay ông Hùng không? Cả bà Thuận và ông Hà đều chỉ nghe ông Hải nói là đã đưa tiền cho ông Hùng, chứ cũng không ai chứng kiến đưa như thế nào", - báo Thanh Niên dẫn lại lời bào chữa cho biết.
Luật sư nêu, trong trình điều tra, bản thân ông Nguyễn Duy Hải có tới 10 lời khai về thời gian đưa tiền cho ông Hùng, thậm chí, mỗi lần lời khai liên tục thay đổi, "tiền hậu bất nhất", và mâu thuẫn với nhau.
Bản thân ông Hải cũng không có căn cứ gì để chứng minh là mình đã đưa số tiền 300 triệu đồng cho bị cáo Trần Hùng.
Đặc biệt, luật sư đã nêu thêm chứng cứ ngoại phạm của ông Trần Hùng, viện dẫn dữ liệu từ cột sóng điện thoại, cho thấy vào các mốc thời gian trưa 15/7/2020 (lúc 12 giờ 59, 13 giờ 09, 13 giờ 10, 13 giờ 22, 13 giờ 25, 13 giờ 29, 13 giờ 30), ông Hùng đang ở Q.Ba Đình (Hà Nội).
"Điều này đồng nghĩa, ông Hùng có chứng cứ ngoại phạm, không hề có mặt tại phòng làm việc ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ 13 giờ 10 đến 13 giờ 15 để nhận 300 triệu đồng như cáo buộc", - luật sư bày tỏ.
Ngoài ra, luật sư tiếp tục viện dẫn lời khai, sơ đồ, thực nghiệm điều tra, cho thấy trong khoảng thời gian từ 13 giờ 10 đến 13 giờ 15, ông Hải ở 2 địa điểm khác nhau là quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
"Như vậy, 2 người ở 2 địa điểm khác nhau, không thể có sự gặp gỡ để đưa, nhận hối lộ 300 triệu đồng", - luật sư nhắc lại.
Ông Trần Hùng chối tội, nói bị vu khống nhằm triệt hạ

Nguyễn Duy Hải khai nếu đổ tội cho ông Trần Hùng thì sẽ được tha sớm?

Tự bào chữa trước toà, bị cáo Trần Hùng nhất mực khẳng định Nguyễn Duy Hải (bị cáo trong vụ án) không đưa được tiền nhưng vẫn đổ tội cho mình nên mới nhiều lần thay đổi lời khai về việc đưa tiền ra sao.

Ông Trần Hùng sử dụng quyền của mình để đề nghị HĐXX hỏi Lê Việt Phương: "Anh căn cứ vào đâu để nói tôi chỉ đạo anh xử lý nhẹ Thuận?".

Bị cáo Phương trả lời rằng anh dựa vào các cuộc điện thoại được ghi âm và nhấn mạnh rằng ông Hùng liên tục gọi điện thoại để theo dõi công việc.
Ông Hùng cũng đề nghị tòa hỏi bị cáo Cao Thị Minh Thuận về cuộc điện thoại "tác động":
"Chị (Thuận) nhờ ai hay chồng chị là cán bộ công an đã nhờ anh N.A.T, lãnh đạo Công an Hà Nội khi đó gọi gọi điện cho tôi, về việc chị bị kiểm tra?".
Bị cáo Thuận trả lời: "Bị cáo không nhờ bác T. tác động đến Trần Hùng. Bị cáo nhờ cô L. lên chơi với bác T., cô ý nói bị cáo bị kiểm tra nên bác T., hỏi thăm thôi".
Chủ tọa hỏi ông N.A.T., có gọi điện thoại cho Trần Hùng hay không, bị cáo Thuận đáp: "Bị cáo có nghe loáng thoáng thôi, cô L. kể chuyện của bị cáo và bác T., gọi Trần Hùng hỏi thăm thôi, không nhờ vả gì".
Đáng nói, ông Hùng cho biết, có phạm nhân nằm cùng buồng giam với ông Nguyễn Duy Hải (người được cho là môi giới hối lộ cho ông Hùng) được ông Hải kể rằng thực tế không đưa được 300 triệu đồng cho ông Hùng.
Ông Trần Hùng cho hay, phạm nhân này tên là Kiên. Sau một thời gian bị giam chung buồng với ông Nguyễn Duy Hải, ông Kiên được bố trí ở chung buồng giam với ông Hùng và nhiều người khác. Tại buồng giam chung, ông Kiên kể lại với ông Hùng và nhiều người với nội dung rằng:
"Nguyễn Duy Hải tâm sự rằng được công an nói là đổ tội cho ông Hùng đi thì sẽ được tha về sớm nhưng khi Hải nghe theo, làm đúng như thế vẫn không được về nên rất bức xúc, chửi bậy. Hải nói rằng muốn đưa tiền cho ông Hùng nhưng khi lên gặp, ông Hùng không cần tiền, đuổi ra ngoài".
Viện Kiểm sát không ngờ ông Diệp Dũng nhận tội

Tranh luận giữa Viện Kiểm sát và luật sư

Đối đáp lại quan điểm của luật sư, đại diện viện kiểm sát thừa nhận ông Nguyễn Duy Hải có nhiều lời khai mâu thuẫn theo thời gian.
Tuy nhiên, VKS nói "đây là diễn biến dễ hiểu" do ban đầu ông Hải bị xáo trộn tâm lý, về sau ổn định và thống nhất lời khai về việc đưa 300 triệu đồng cho ông Hùng.
Về bằng chứng ngoại phạm, VKS cho rằng, dù dữ liệu cột sóng theo thuê bao của ông Hùng tại 2 mốc thời gian ghi nhận ở khu vực quận Ba Đình, nhưng không đủ căn cứ xác định thời điểm đó ông Hùng đang có mặt ở Ba Đình, vì nếu chỉ căn cứ vào vị trí cột sóng thì không đủ căn cứ để khẳng định con người cũng ở vị trí đó.
Do vậy, đại diện viện kiểm sát đề nghị bác bỏ quan điểm bào chữa của luật sư.
"Nếu quan điểm buộc tội của viện kiểm sát như vậy thì quan điểm gỡ tội của luật sư cũng có thể khẳng định chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Hải có ở đó hay không? Liệu viện kiểm sát, tòa án có chấp nhận sự công bằng trong biện luận này không?" - luật sư đặt chất vấn.
Đại diện viện kiểm sát bảo lưu quan điểm, đề nghị hội đồng xét xử cân nhắc, đánh giá và quyết định.
Trong khi đó, cho rằng bằng chứng buộc tội ông Trần Hùng yếu, không thuyết phục, lời khai các bị cáo mâu thuẫn, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả tự do tại toà cho ông Trần Hùng.
Thảo luận