Top 10 bảo tàng nổi tiếng nhất Việt Nam: Tên gọi và hiện vật

Ngoài những công trình kiến trúc nổi tiếng, bảo tàng cũng là điểm đến thu hút du khách mỗi khi đến thăm Việt Nam. Từ lịch sử, mỹ thuật cho đến văn học, dân tộc học, du khách có thể khám phá văn hoá Việt Nam thông qua hệ thống bảo tàng độc đáo tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
Sputnik

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội)

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cùng với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là hai bảo tàng đã được sáp nhập thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Thành lập vào ngày 3/9/1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng năm 1926 và hoạt động vào năm 1932. Đây là Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ, với diện tích trưng bày hơn 2.000 m2, bảo tàng lịch sử là nơi lưu trữ nhiều cổ vật có giá trị như: Trống đồng Ngọc Lũ; Trống đồng Hoàng Hạ; Tháp đồng Đào Thịnh; Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn; Cây đèn hình người quỳ…
Đến thăm quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là cơ hội để các bạn tổng hợp lại cho mình những kiến thức Lịch sử phong phú và đa dạng của Dân tộc ta, từ những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm cho tới các vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, và đặc biệt là hiện vật về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến năm 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật và 20 Bảo vật quốc gia.
Trong đó có nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm; Văn hóa Đông Sơn; Gốm men cổ Việt Nam; Đồ đồng thời Lê Nguyễn; Điêu khắc đá Chăm pa; Nghệ thuật trang trí nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á...
Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay có khoảng hơn 80.000 tài liệu, hiện vật về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang duy trì 2 hệ thống trưng bày cố định tại 2 cơ sở: số 1 Tràng Tiền - Hà Nội, trưng bày lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến hết triều Nguyễn (năm 1945); tại cơ sở số 216 Trần Quang Khải - Hà Nội, trưng bày về lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 đến nay.
Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, trong tương lai không xa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được xây dựng là công trình hiện đại, tiên tiến, đáp ứng công năng của bảo tàng hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Dự án này đã khởi động từ nhiều năm nay và hiện đang tiếp tục triển khai.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội)

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng Quân đội, được thành lập ngày 17/7/1956, địa chỉ tại số 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 04 Bảo vật Quốc gia, gồm: Máy bay MIG 21 số 4324, Máy bay MIG 21 số hiệu 5121, Tấm Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh, Xe tăng T54B số hiệu 843.
Phần trưng bày trong nhà được chia thành 3 khu vực chính là S2, S3, S4 với nội dung chính sẽ bao gồm: Quân sử Việt Nam thời Hùng Vương; An Dương Vương trước thời gian 1930; Lực lượng vũ trang nhân dân Việt nam khoảng thời gian 1930 - 1975; cuộc Cách mạng Tháng Tám 1975 hào hùng; chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch Hồ Chí Minh (1953-1954); tổng hợp công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1975 đến nay…
Máy bay vận tải quân sự Il-14 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tiếp đến là phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng gồm 2 khu với các hiện vật như xác máy bay Mỹ; xe tăng; đại bác; súng thần công;... Với điểm nhấn nổi bật là 4 bảo vật quốc gia nêu trên.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho những ai quan tâm đến lịch sử quân sự và hiểu về vai trò của quân đội trong quá trình đấu tranh và xây dựng đất nước. Nơi đây cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống của các chiến sĩ và những thách thức mà họ đã đối mặt.

Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội)

Nằm ngay trong khuôn viên tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, số 19, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội. Bảo tàng Hồ Chí Minh là một trong những bảo tàng lớn nhất Việt Nam, Công trình Bảo tàng được khởi công xây dựng ngày 31 tháng 8 năm 1985 và khánh thành vào đúng ngày 19 tháng 5 năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với diện tích 18.000 m2, trong đó có 13.000 m2 sử dụng, và lưu giữ khoảng 12 vạn hiện vật, Bảo tàng chủ yếu trưng bày các hiện vật, hình ảnh, và tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bảo tàng, bạn có thể tìm hiểu về cuộc đời và hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thời thơ ấu, công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến lúc ông trở thành người lãnh đạo của Việt Nam độc lập. Các hiện vật và tư liệu trưng bày giúp khám phá về tư tưởng, triết lý, và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đến nay, các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh gồm 14 đơn vị trải dài 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bảo tàng có các loại Hội trường rộng lớn với 350, 250, 60, 50 chỗ ngồi có thể tổ chức các hội nghị, sự kiện lớn nhỏ.
Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ là một nơi quan trọng để hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một điểm đến văn hóa và lịch sử quan trọng của Hà Nội.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội)

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nằm ở số 36 phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập năm 1987, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam với chức năng nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam.
Đến với bảo tàng, bạn có thể tìm hiểu về các khía cạnh khác nhau của cuộc sống phụ nữ Việt Nam, bao gồm trang phục truyền thống, vai trò trong gia đình, lao động và cống hiến trong cuộc sống xã hội, vai trò trong chiến tranh, và các thành tựu văn hóa và xã hội của phụ nữ trong lịch sử.
Từ khi khánh thành năm 1995, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trưng bày thành công rất nhiều triển lãm phục vụ hàng trăm nghìn khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Bảo tàng cũng đã phát triển một bộ sưu tập hơn 25.000 tài liệu hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam.
Cuối năm 2010, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa trở lại hệ thống trưng bày thường xuyên sau 4 năm đóng cửa nâng cấp, chỉnh lý với 3 chủ đề: phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ.
Tòa nhà chính của bảo tàng được chia thành bốn khu vực bao gồm trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, phòng khám phá, và cửa hàng lưu niệm. Trưng bày chuyên đề được tổ chức gần khu vực tòa nhà chính.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức các triển lãm đặc biệt và hoạt động giáo dục văn hóa, nhằm tạo cơ hội cho công chúng hiểu rõ hơn về sự quan trọng và đa dạng của vai trò phụ nữ trong xã hội.
Bảo tàng phụ nữ Việt Nam

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội)

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nằm tại số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Bảo tàng thu hút một số lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài không chỉ bởi chất lượng của các sưu tập hiệu vật còn ở cả phần kiến trúc nghệ thuật và tòa nhà lịch sử.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có tổng diện tích khuôn viên khoảng 4.200 m2 và diện tích trưng bày là 1.200 m2 năm 1966, Từ năm 1997 -1999, bảo tàng đã được mở rộng với diện tích là 4.737 m2 với diện tích trưng bày trên 3.000 m2, ngoài ra Bảo tàng còn có cơ sở 2 tại Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa (Hà Nội) với một không gian lớn, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, được sử dụng để bảo quản và phục chế các tác phẩm nghệ thuật cũng như tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.
Trước đây Bảo tàng này là nơi ở dành cho các con gái quan chức pháp từ Đông Dương về Hà Nội học. Năm 1962, nhà nước giao cho Bộ Văn hóa cải tạo để làm nơi trưng bày các tác phẩm Mỹ thuật của Việt Nam.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, trong đó có trên 2.000 hiện vật được trưng bày cố định với các chủ đề chính sau đây:
Mỹ thuật thời tiền sử - sơ sử.
Mỹ thuật từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 19.
Mỹ thuật từ thế kỉ thứ 20 cho đến nay
Mỹ thuật ứng dụng truyền thống.
Mỹ thuật dân gian.
Gốm nghệ thuật Việt Nam từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 20 bao gồm sưu tập gốm trục với từ 5 con tàu cổ.
Bảo tàng có trên 2.200 hiện vật chọn lọc (từ hơn 20.000 hiện vật) được trưng bày thường xuyên, còn lại toàn bộ hiện vật được lưu trữ và bảo quản tại kho lưu trữ bảo quản học.
Bên cạnh việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, bảo tàng cũng tổ chức các triển lãm tạm thời, hội thảo và các hoạt động giáo dục liên quan đến nghệ thuật. Đây là một nơi thu hút những người yêu nghệ thuật và những ai quan tâm đến sự phát triển và biến đổi của nghệ thuật Việt Nam.
Lá Art - một startup về mỹ thuật thủ công xinh xắn nằm trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội)

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên Đường Nguyễn Văn Huyên, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, nơi đây là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày,trình diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng.
Ngày 24 tháng 10 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngày 12 tháng 11 năm 1997, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng tiếng Pháp họp tại Hà Nội, Bảo tàng tổ chức lễ khánh thành, với sự có mặt của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nguyên Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac.
Công trình Viện Bảo tàng Dân tộc học do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh, người Tày thiết kế. Nội thất được thiết kế bởi nữ kiến trúc sư Véronique Dollfus (người Pháp), tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 4,5 ha, bao gồm ba khu trưng bày.
Top 10 thành phố lớn nhất Việt Nam hiện nay: tên và mô tả
Khu trưng bày trong tòa Trống Đồng: không gian trưng bày thường xuyên giới thiệu 54 dân tộc ở Việt Nam trải rộng trên 2 tầng của tòa nhà với sự bố trí nội dung tham quan rất logic. Ngoài ra, tại tầng hai của toà nhà Trống Đồng, du khách còn được tham quan tìm hiểu về các dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam như: Tày, Thái, H'mông, Dao,... dưới sự bố trí rất khoa học theo kiểu xuyên dọc theo đất nước.
Khu trưng bày ngoài trời, được gọi là Vườn kiến trúc, rộng khoảng 2 ha, xây dựng từ năm 1998 đến 2006, giới thiệu chủ yếu 10 công trình kiến trúc dân gian của 10 dân tộc ở Việt Nam.
Toà nhà 4 tầng có tên gọi Cánh diều, khởi công xây dựng tháng 6/2007, với diện tích khoảng 500 ha và khai trương trưng bày đầu tiên vào cuối năm 2013, là khu trưng bày về các cư dân ngoài Việt Nam, trước hết là các dân tộc ở Đông Nam Á.
Bên cạnh việc trưng bày, bảo tàng cũng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giáo dục và khảo cổ học liên quan đến dân tộc học và văn hóa dân tộc. Đây là một nguồn tài nguyên quan trọng cho những người quan tâm đến nghiên cứu và hiểu sâu hơn về dân tộc và văn hóa Việt Nam.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng)

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có tên đầy đủ là Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa, thường gọi là Cổ viện Chàm. Bảo tàng chính thức đi vào hoạt động từ năm 1919, là nơi trưng bày hiện vật văn hoá Chăm Pa lớn nhất hiện nay. Quy mô của khu bảo tàng lên đến 6.673 mét vuông với 2.000 mét vuông diện tích trưng bày.
Đây là bảo tàng do người Pháp xây dựng, chuyên sưu tập, cất giữ và trưng bày các di vật về nghệ thuật điêu khắc của vương quốc Chăm Pa tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Hà Tĩnh tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
Bảo tàng Chăm nằm tại số 02 Đường 2/9, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Đây là một địa điểm quan trọng để khám phá và hiểu về văn hóa và lịch sử của người Chăm, đặc biệt là văn hóa Chăm Pa, một đế quốc Chăm đã tồn tại từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15.
Tổng số hiện vật nghệ thuật trưng bày tại bảo tàng lên tới khoảng 500 món và được phân chia theo các gian phòng tương ứng với các khu vực địa lý nơi chúng được phát hiện gồm phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định.
Trong bảo tàng, bạn sẽ thấy các tác phẩm điêu khắc Chăm độc đáo và phong phú, bao gồm các tượng thần Chăm, cửa đền, men rựa, và các hiện vật khác từ các đền tháp Chăm ở khu vực Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Bảo tàng cũng trưng bày các tư liệu, hình ảnh và thông tin về lịch sử, truyền thống và phong tục của người Chăm.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nằm ở số 28 đường Võ Văn Tần, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong các địa điểm ưa thích của du khách Việt Nam và du khách nước ngoài khi đến với TP. Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được thành lập ngày 4 tháng 9 năm 1975 với tên gọi "Nhà trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy". Ngày 10 tháng 11 năm 1990 đổi tên thành "Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược". Đến ngày 4 tháng 7 năm 1995 (một tuần trước khi nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam), bảo tàng này lại đổi tên thành "Bảo tàng Chứng tích chiến tranh" như ngày nay.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh gồm có 1 tầng trệt và 2 tầng lầu. Khu vực tầng trệt gồm quầy vé, phòng đa năng, phòng thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến và đặc biệt là “Chuồng cọp” – đây là một kiểu giam giữ tù nhân dã man nhất mà Mỹ - Ngụy đã sáng chế để hành hạ các tù binh tại nhà tù Côn Đảo.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trưng bày một số hiện vật, hình ảnh trong Chiến tranh Việt Nam với các chủ đề: lính Mỹ tàn sát, tra tấn, tù đày dân, rải chất độc hóa học, rải bom phá hoại miền Bắc.
Bảo tàng chứng tích chiến tranh Việt Nam
Các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn "chuồng cọp" được xây dựng đúng kích thước như ở nhà tù Côn Đảo. Bên ngoài Bảo tàng còn có những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm về văn hóa dân tộc Việt Nam để du khách tham quan có thể mua về làm quà lưu niệm cho bạn bè và người thân.
Ngoài việc trưng bày, bảo tàng cũng tổ chức các triển lãm tạm thời, hội thảo và các hoạt động giáo dục khác liên quan đến lịch sử chiến tranh và hòa bình. Đây là một địa điểm quan trọng để hiểu sâu hơn về lịch sử và hậu quả của Chiến tranh Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh)

Bảo tàng lịch sử Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh) nằm tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Đây là một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo được khá nhiều khách nước ngoài ghé thăm khi đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh.
Bảo tàng này được xây dựng từ năm 1927, đi vào hoạt động năm 1929, tiền thân của nó là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse. Bảo tàng được quy hoạch thành hai phần rõ rệt, bao gồm:
Phần 1 trưng bày lịch sử Việt Nam từ khi có dấu vết con người đến năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Phần 2 trưng bày chuyên đề mang đặc trưng của khu vực phía Nam như: văn hoá Óc Eo; văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long, nghệ thuật Chăm pa; Bến Nghé Sài Gòn, thành phần các dân tộc Việt Nam.
Hiện có hơn hơn 30.000 tư liệu, hiện vật quý của lịch sử Việt Nam từ thời khai sinh đến thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930). Bên trong bảo tàng được chia thành nhiều gian phòng khác nhau: phòng trưng bày thời Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý, phòng trưng bày cổ vật thời Tây Sơn, phòng cổ vật Vương Hồng Sển hay phòng trưng bày áo vua, áo hoàng hậu thời Nguyễn.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân địa phương muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Nó cung cấp một cái nhìn toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của quốc gia này qua các thời kỳ khác nhau.
Top 20 ngôi chùa lớn nhất Việt Nam: nổi tiếng và đẹp

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Huế)

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập năm 1923 với tên gọi ban đầu là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định) - một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam. Tọa lạc tại số 3, đường Lê Trực, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có khuôn viên rộng 6.330 m2, tòa nhà chính giữa có diện tích 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm các kho tàng trữ cổ vật và sân vườn.
Đây được xem là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế. Sau đó, Bảo tàng đã nhiều lần được thay đổi tên: Tàng Cổ Viện Huế (năm 1947), Viện Bảo tàng Huế (năm 1958), Nhà trưng bày Cổ vật (năm 1979), Bảo tàng Cổ vật Huế (năm 1992), Bảo tàng mỹ thuật Cung đình Huế (năm 1995) và cuối cùng là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi lưu trữ và trưng bày các sưu tập cổ vật Huế xưa, phần lớn có xuất xứ từ cung đình Nguyễn như: sưu tập đồ sứ, sưu tập đồ pháp lam, sưu tập trang phục cung đình, sưu tập ấn triện, sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, sưu tập tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, sưu tập súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Ngoài ra, bảo tàng còn có một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc Champa độc đáo và đa dạng.
Điện Long An, nơi trưng bày chính của Bảo tàng, là một trong những tòa kiến ​​trúc cung đình đẹp nhất Việt Nam ngày nay. Đây là một di tích quan trọng nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1993.
Top 15 di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận
Điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Hiến tổ nhà Nguyễn, niên hiệu là Thiệu Trị. Điện Long An là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ được xây dựng theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với 128 cột.
Trang trí nội ngoại thất cực kỳ phong phú, giàu tính nghệ thuật và rất thanh nhã. Nơi này trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn.
Bảo tàng cũng là nơi còn cất giữ hàng ngàn hiện vật khác do triều đình nhà Nguyễn cho sản xuất tại chỗ, đặt làm, hoặc mua từ ngoại quốc, và do các phái bộ ngoại giao mang đến biếu tặng. Nhiều nhất ở đây là đồ sứ men lam, thường được gọi là "Bleu de Hue".
Trong khuôn viên Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, còn có một nhà kho khác lưu trữ hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa, và mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm đã từng được những nhà nghiên cứu đánh giá là những di sản văn hóa quý hiếm không chỉ của vùng Viễn Đông mà còn của thế giới.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có giá trị lịch sử và văn hóa lớn, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về cuộc sống và văn hoá của triều đại Nguyễn. Đây là một điểm đến phổ biến cho các du khách quốc tế và người dân địa phương muốn khám phá lịch sử và di sản văn hóa của Việt Nam.
Thảo luận