Chúng tôi đã viết về người nổi tiếng nhất trong số họ - nhà khảo cổ học Viktor Golubev, người đã giải mã bí ẩn của trống đồng Việt Nam và là người đầu tiên trình bày khái niệm khoa học “nền văn hóa Đông Sơn”.
Nhà động vật học giỏi nhất từng làm việc ở Việt Nam là người Nga
Một nhà khoa học Nga khác cũng đã đến Việt Nam thông qua Pháp. Nhà động vật học Konstantin Davydov, người tốt nghiệp Đại học St Petersburg, đã rời nước Nga Xô viết vào năm 1920 để đi công tác ở Pháp và quyết định không trở về. Một thời gian sau, ở Pháp ông nhận lời mời chỉ đạo Phòng thí nghiệm Sinh học biển tại Viện Hải dương học Nha Trang. Thành phố này chính là nơi ở thời đại chúng ta có chi nhánh của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga hoạt động thành công kể từ năm 1988.
Năm năm kể từ 1929, Konstantin Davydov đã nghiên cứu cả sinh vật biển và trên cạn. Các đồng nghiệp người Pháp từ Đại học Sorbonne và Viện Pasteur đều nhất trí với ý kiến là các phát hiện của ông tại Việt Nam lớn hơn tất cả những gì mà giới động vật học nghiên cứu đất nước này thu được trong 25 năm trước. Thành tựu của nhà khoa học Davydov được ghi lại trong nhiều bài báo về động vật học và hải dương học Đông Dương. Viện hàn lâm Pháp gọi ông Davydov là "bậc đại tài" và cấp kinh phí cho bộ sưu tập khoa học được thực hiện trong nhiều năm ở Nha Trang.
Lần thứ hai, nhà khoa học Davydov đến Việt Nam vào năm 1938 và dành hai năm nghiên cứu đất nước mà ông quý mến và quan tâm. Ông hoàn thành việc hệ thống hóa tài liệu thu thập và ghi lại một cuốn nhật ký rất thú vị, trong đó những quan sát khoa học đan xen với những ấn tượng đời thường của một người ham học hỏi và thân thiện. Dưới đây là một vài trích đoạn.
Konstantin Nikolaevich Davydov
© Ảnh : Public domain
Ông ghi lại các cuộc tiếp xúc với cư dân miền núi: "Đó là những con người nhiệt huyết, mạnh mẽ, dũng mãnh và gan dạ. Họ trung thực và cao thượng. Ở đấy không biết đến kẻ trộm, khách lạ là thiêng liêng, các lữ hành có thể tin cậy vào người địa phương. Chỉ nền văn minh châu Âu du nhập tới họ mới mang lại phôi thai của tất cả các tệ nạn". Ông Davydov viết về các nông dân và ngư dân: "Họ rất chăm chỉ, hiền lành, hiếu khách, vô cùng thật thà, rất nhã nhặn".
Chính quyền Pháp thuộc không giấu được sự khó chịu với thái độ tôn trọng của nhà khoa học Nga dành cho người dân Việt Nam, với nỗ lực nhiều lần của ông bảo vệ người Việt trước quan chức thực dân. Khi trở lại Paris năm 1940, ông Davydov bị cáo buộc tham gia công tác tuyên truyền cộng sản ở Việt Nam. Vụ việc có thể kết thúc nặng nề nếu nhớ rằng vào giữa những năm 1940, Paris đang bị Đức quốc xã chiếm đóng. May thay, các đồng nghiệp Pháp đã bảo vệ được nhà khoa học. Chiến tranh thế giới thứ II chấm dứt với thất bại của Đức quốc xã, ông Davydov được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp.
Nhà khoa học Nga qua đời ở Pháp năm 1960. Cho đến những ngày cuối cùng của mình, ông vẫn luôn trìu mến nhớ lại những năm sống tại Việt Nam, chân thành kể về những người Việt mà ông có dịp cùng sống và làm việc, quan tâm theo dõi tin tức từ Việt Nam.
Thủy thủ ở Nga, tài xế taxi ở Pháp, doanh nhân ở Việt Nam, người trò chuyện với Quốc vương Campuchia
Vào giữa những thập niên 1920-1940, số người Nga sống ở Việt Nam không vượt quá con số hai trăm. Nhiều người tìm thấy việc làm trong các cơ quan thuộc địa, tư nhân và công ty về xây dựng, kỹ thuật, tài chính, y tế, hải quan. Một trong những người di cư có số phận kỳ lạ là sĩ quan hải quân Fyodor Grigoriev. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, ông phục vụ Hạm đội Biển Đen của Nga hoàng, trên một trong những con tàu đã từ chối thề trung thành với nhà nước Xô viết và bơi sang Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, ông sống ở Paris và lái taxi. Vào cuối những năm 1920, ông Grigoriev chuyển đến Việt Nam. Tại Sài Gòn, ông phục vụ trong công ty vận tải biển. Ở Nha Trang - trong công ty đường sắt. Ba năm ông đã làm việc tại một công ty đánh cá ở Campuchia. Khi quay lại Sài Gòn, ông thành lập công ty xây dựng của mình. Fyodor Grigoriev bắt đầu tham gia thăm dò địa chất và năm 1941, khi đó ông được nhượng quyền khai thác hai mỏ ở khu vực Phan Rang. Mỏ molypden mà ông phát hiện ra hóa ra lại có nhu cầu lớn trong ngành công nghiệp vũ khí. Khi ở Phan Rang khoảng bốn mươi năm trước, đồng nghiệp của tôi, nhà Việt Nam học người Nga Anatoly Sokolov đã được nghe những cụ già địa phương khen ngợi một doanh nhân Nga đã làm việc ở đó vào đầu những năm 1940.
Ông Grigoriev còn được nhượng quyền 19 ha đất rừng chưa có ai khai thác trên địa bàn tỉnh Kratie, Campuchia. Ở đó có rất nhiều cây có nhựa phù hợp cho việc sản xuất dầu bóng. Doanh nhân người Nga đã tổ chức sản xuất và phân phối nhựa cho các xưởng sơn mài Sài Gòn. 24 người Việt và gần 200 người Khmer làm việc ở đây. Ông Grigoriev đã đóng góp không ít để cải thiện điều kiện sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe cho người làm thuê. Doanh nghiệp của ông xây chùa, mở phòng y tế, thư viện, phòng nghỉ ngơi.
Sau cuộc đảo chính của phát xít Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật bỏ tù ông Grigoriev ở Sài Gòn cho đến tháng 10 năm 1945. Sau đó, ông trở về doanh nghiệp của mình ở Campuchia. Fyodor Grigoriev đã tham gia diễn giảng về vũ trụ ở thủ đô Phnom Penh. Sau khi lên ngôi năm 1941, ông Norodom Sihanouk nhiều lần mời ông đàm đạo về chính trị. Vào năm 1950, Fyodor Grigoriev trở về Pháp và qua đời sau ba thập kỷ, vào năm khi người Việt Nam đầu tiên - phi công Phạm Tuân - trở thành phi hành gia.
Kỵ binh Nga bị phía Nhật bắt làm tù binh tại Việt Nam
Một trong những kỵ binh giỏi nhất của quân đội Nga hoàng là Fyodor Eliseev, ông được thăng cấp bậc đại tá trong Thế chiến thứ nhất. Sau cuộc cách mạng năm 1917 và cuộc nội chiến ở Nga, ông sang Pháp. Khi đó, cộng đồng Nga kiều ở Pháp lên đến hàng chục nghìn người và không mấy ai thu xếp được cuộc sống ổn định về vật chất, nước Pháp cũng có không ít người thất nghiệp. Ông Eliseev tập hợp nhóm đồng đội cũ và cùng họ lưu diễn trên sân khấu các rạp xiếc ở Pháp và nhiều nước châu Á. Khán giả ở Ấn Độ và Miến Điện, Singapore và Hồng Kông, Thái Lan và Campuchia đã vỗ tay hoan nghênh biểu diễn xiếc ngựa của ông. Đoàn xiếc ngựa của Fyodor Eliseev lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1934. Họ lưu diễn tại Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn. Lần thứ hai đoàn xiếc ngựa đến Việt Nam vào năm 1937. Có lẽ, đất nước và con người Việt Nam đã để lại cho cựu sĩ quan Nga và người kỵ sĩ xiếc những ấn tượng sâu sắc. Mùa xuân năm 1940, khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở Tây Âu, ông Fyodor Eliseev đã rời Pháp đến Việt Nam với kế hoạch định cư lâu dài. Năm đó ông 48 tuổi.
Đại tá Fedor Ivanovich Eliseev
© Ảnh : Public domain
Ở Việt Nam, cựu đại tá quân đội Nga hoàng đã bị phía Nhật bắt làm tù binh vào tháng 3 năm 1945. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Fyodor Eliseev quay lại Pháp rồi đi Mỹ. Ông sống tại đây cho tới khi qua đời ở tuổi một trăm. Ông để lại cho con cháu cuốn tự truyện "Đi khắp thế giới trên lưng ngựa". Trong đó, Fyodor Eliseev viết về khoảng thời gian của ông tại Việt Nam, mô tả hình ảnh sinh động về đất nước và con người mà ông có thiện cảm rõ rệt.