Điều này, theo lời doanh nghiệp và đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), có nguyên nhân là do sức mua sụt giảm khi cả nước tăng cường kiểm soát nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội biến động và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cũng là những yếu tố tác động đáng kể.
Lợi nhuận Bia Hà Nội giảm mạnh
Vnexpress dẫn báo cáo tài chính hợp nhất mới đây của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - BHN) cho biết, doanh thu quý IV/2023 của doanh nghiệp giảm gần 9%, đạt khoảng 2.246 tỷ đồng.
Tổng kết, Habeco thua lãi trước thuế hơn 89 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm, lãi sau thuế của công ty tăng lên 23%.
Tính chung cả năm 2023, Habeco ghi nhận doanh thu gần 7.760 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, giảm lần lượt khoảng 8% và 30% so với năm 2022.
Nếu không tính thời điểm đỉnh dịch 2021, đây là mức lãi thấp nhất của Habeco kể từ năm 2008. Tuy nhiên, mức lãi này cũng vượt 60% kế hoạch lợi nhuận năm.
Áp lực cạnh tranh gay gắt
Trong giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo Habeco cho biết lợi nhuận sau thuế của công ty giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng sụt giảm.
Theo ban lãnh đạo công ty, doanh thu sụt giảm có nguyên nhân đến từ việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng giảm xuống trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều biến động và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia.
Theo báo cáo tài chính, có thể thấy Habeco đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Dù doanh thu giảm, nhưng mục chiết khấu thương mại tăng cao hơn năm 2022, đạt 143 tỷ đồng.
Chiết khấu thương mại thông thường là khoản giảm giá hàng niêm yết mà doanh nghiệp ưu tiên cho khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ với số lượng/khối lượng lớn. Khoản chi này nhằm khuyến khích người mua mua nhiều hàng hóa hơn.
Trong mục chi phí bán hàng, khoản chi cho nhân viên tăng từ 139 tỷ đồng năm 2022 lên 158 tỷ đồng năm 2023. Bù lại, Habeco giảm được 17% khoản cho chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ, chỉ còn 579 tỷ đồng.
Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Habeco đặt mục tiêu tổng lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng, giảm 56% so với kết quả năm 2022. Do vậy, dù kết quả không khả quan so với năm trước, công ty vẫn vượt chỉ tiêu lợi nhuận mà cổ đông đề ra.
Đến nay, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đối thủ bia hàng đầu của Habeco tại thị trường trong nước, vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023.
Song, trong những quý đầu năm, ông lớn này đã ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm.
Siết chặt quản lý giảm tác hại của bia rượu
Ngoài Habeco, kết quả kinh doanh sụt giảm cũng là tình hình chung của ngành bia. Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) cũng chịu lỗ trong quý cuối năm 2023, qua đó kéo lợi nhuận cả năm giảm gần một nửa.
Nguyên nhân là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, trong khi lượt tiêu thụ giảm mạnh. Hay như Halico (HNR), đơn vị sở hữu Vodka Hà Nội, cũng báo lỗ 8 năm liên tiếp khi chi phí tăng nhưng doanh thu giảm.
Việc siết chặt quản lý nằm giảm tác hại bia, rượu của Nhà nước đang phát huy tác dụng lớn.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, sau thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội, ngành bia phải chịu thêm tác động từ Nghị định 100 với chế tài rất nặng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.
Sắp tới, khi triển khai Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó bao gồm cả nội dung thay đổi phương pháp tính và điều chỉnh thuế suất với rượu và bia, tình hình của các doanh nghiệp sẽ càng gặp khó.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay cũng không còn cảnh các cửa hàng tạp hóa, đại lý hay siêu thị tích trữ bia mà chỉ nhập hàng cầm chừng. Các doanh nghiệp buộc phải phối hợp để tăng khuyến mãi, nâng mức chiết khấu để giảm giá bán nhưng nhìn chung, sức mua vẫn thấp hơn hẳn thường lệ.