Việt Nam: Chuyên gia đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ vượt khung
© TTXVN - Vũ Tiến LựcKhu vực cầu vượt Lăng Cha Cả tấp nập xe vào những ngày cuối năm
© TTXVN - Vũ Tiến Lực
Đăng ký
Dẫn ví dụ người uống 5 cốc bia hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất có thể xem xét xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung.
Báo cáo cho thấy, trong năm 2023, tính trung bình mỗi ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn vượt mức kịch khung
Đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn vượt kịch khung được Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh nêu tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp cùng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) diễn ra ngày 29/1.
Cụ thể, theo quan điểm của ông Trần Hữu Minh, hiện nay, các quy định xử lý nồng độ cồn đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, qua phân tích các quy định hiện nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thấy rằng, vẫn có thể sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.
Theo ông Trần Hữu Minh, hiện nay, mức xử phạt hành chính nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Minh lấy ví dụ người uống 5 cốc bia hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau (tức là ở mức 3, nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở, phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 -24 tháng đối với ô tô).
"Điều này chưa phù hợp và chưa tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc hình sự đối với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả chưa gây hậu quả", - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu quan điểm.
Do đó, để thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, ông Trần Hữu Minh cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định của pháp luật.
"Việc này cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản khuyến cáo nồng độ cồn ở mức nào là ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng và người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn", - theo ông Trần Hữu Minh.
Cùng với đó, ông cũng đề xuất nghiên cứu thêm việc đa dạng hóa hình thức xử phạt như: trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe…
51,33% phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu bia
Đây cũng là con số đáng chú ý được nêu tại hội thảo.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) thông tin tại hội thảo, theo thống kê, điều tra xã hội học với hơn 45.600 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có hơn 23.400 phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia, tức chiếm khoảng 51,33%.
Theo Đại tá Nhật, trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 770.000 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trung bình mỗi ngày xử lý đến 2.100 trường hợp.
Ngoài ra, tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện có gia tăng vào các dịp lễ, Tết... Trong 15 ngày đầu đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu Xuân 2024 (từ 11 đến 24/1), CSGT toàn quốc đã xử phạt hơn 40.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
"Tức là mỗi ngày hơn 2.700 tài xế bị xử lý, xử phạt", - Đại tá Nhật nói.
Báo cáo tại hội thảo hôm nay cũng cho biết, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia).
Đối tượng thường sử dụng rượu, bia rất đa dạng, có đủ các thành phần trong xã hội từ nông dân, công nhân, công chức, trí thức… Đáng chú ý, tỷ lệ người đã từng sử dụng rượu, bia ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên và nữ giới ở Việt Nam đang tăng nhanh và ở mức rất cao.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhấn mạnh, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực.
Kể từ khi có hiệu lực, Nghị định 100 đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ.
Qua đó, bước đầu hình thành thói quen của người tham gia giao thông đã uống rượu, bia không lái xe.
"Chúng ta luôn luôn mong muốn mọi người ra đường phải được bình an, đi đến nơi, về đến chốn, giao thông phải được trật tự, an toàn, thông suốt; chính vì vậy, loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông", - Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh khẳng định.