"Việc giao hàng sẽ được thực hiện. Họ (phía Nga) lý luận đây là thiết bị quân sự. Chúng tôi đã chứng minh đó là phế liệu. Trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế, thiết bị quân sự không được phép chuyển nhượng, nhưng phế liệu loại đó là có thể”, - ông nói.
Noboa nói thêm rằng đất nước của ông sẽ không cắt đứt quan hệ với Nga. Đồng thời, ông cho rằng quan điểm của Moskva “không hoàn toàn phù hợp”, bởi vì hiện nay ở Ecuador đang diễn ra tình trạng bất ổn quy mô lớn.
“Còn nếu họ muốn giúp đỡ chúng tôi, thì cầu Chúa cho họ làm điều đó”, - Tổng thống nói.
Đầu tháng 1 ông Noboa tuyên bố sẵn sàng trao đổi thiết bị cũ của Nga và Ukraina để lấy thiết bị mới của Mỹ. Chi phí cho số thiết bị của Mỹ ước tính khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, ông không nêu rõ Ecuador có loại thiết bị nào muốn trao đổi - quân sự hay dân sự. Được biết, nước này sử dụng trực thăng Mi-171E của Liên Xô và MANPADS Igla. Tuy nhiên việc chuyển giao thiết bị quân sự cho nước thứ ba thường bị cấm theo các điều khoản hợp đồng.
Về phần mình Moskva thông báo cho Ecuador rằng bước đi như vậy sẽ bị coi là không thân thiện. Theo Đại sứ Nga tại Quito ông Vladimir Sprinchan, cần tới những thiết bị này không phải là người Mỹ mà là “những người biết cách sử dụng nó” (nghĩa là Ukraina). Nhà ngoại giao này nói thêm rằng việc gửi cái gọi là sắt phế liệu sẽ góp phần vào cuộc xung đột ở Ukraina “cho một bên”.
Truyền thông địa phương cách đây một năm viết rằng chính phủ của cựu tổng thống Guillermo Lasso đang xem xét việc chuyển thiết bị của Nga sang Ukraina, nhưng sau đó không có hành động cụ thể nào. Năm 2023, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trong cuộc gặp với Đại sứ Ecuador ở Moskva ông Juan Fernando Holguín Flores, bày tỏ hy vọng Quito sẽ không cung cấp vũ khí cho Kiev.