Lãnh đạo thành phố yêu cầu có biện pháp chấn chỉnh, quán triệt cho giáo viên, học sinh toàn trường không lên mạng xã hội công kích, dùng lời lẽ thô tục phản ứng với những người phản ánh, bình luận về vụ việc.
Yêu cầu giáo viên không bình luận thô tục vụ học sinh cúi chào ô tô
Ngày 2/2, báo Tuổi trẻ dẫn nguồn tin từ UBND TP. Thanh Hóa cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo chấn chỉnh giáo viên, học sinh Trường THCS Trần Mai Ninh (TP. Thanh Hóa) về việc có giáo viên lên mạng xã hội công kích những người đăng tải, phản ánh, bình luận trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc học sinh cúi chào giáo viên trong ô tô giữa trời rét.
Theo đó, UBND TP Thanh Hóa cho biết, bước xác định có một giáo viên của Trường THCS Trần Mai Ninh lên mạng xã hội công kích người phản ánh, bình luận trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc học sinh cúi chào giáo viên trong ô tô.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố trực tiếp làm việc với Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Mai Ninh, quán triệt cho giáo viên, học sinh toàn trường không lên mạng xã hội công kích, dùng lời lẽ thô tục phản ứng với những người phản ánh, bình luận về vụ việc.
Như Sputnik đã đưa tin, tối 29/1, trên mạng xã hội xuất hiện một số đoạn clip ghi lại cảnh hai em học sinh đứng ở cổng Trường THCS Trần Mai Ninh cúi đầu chào giáo viên đi qua cổng trường bằng ô tô. Đoạn clip thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng người dùng mạng.
Có ý kiến cho rằng, khi trời giá rét mà bắt các em vẫn phải đứng chào thầy cô là phản cảm, và vì sao không giao việc kiểm tra học sinh ra vào trường cho bảo vệ hay đoàn Thanh niên mà lại giao học sinh.
Trong khi đó, cũng có luồng ý kiến khác cho rằng, việc học sinh cúi đầu chào thầy cô trong trời mưa giá rét là thể hiện tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, “có gì đâu mà ồn ào”.
Hiệu trưởng nhà trường lên tiếng
Liên quan đến vụ việc, hiệu trưởng nhà trường là bà Trần Thị Phương Lan cho biết, nhà trường có 2 cổng trường, gồm cổng trên đường Lê Quý Đôn được phân luồng cho học sinh, và cổng trên đường Hàn Thuyên (nơi có 2 học sinh đứng) được phân luồng cho giáo viên.
Thời điểm đoạn clip được ghi lại ở cổng sau là hoạt động của đội cờ đỏ nhà trường nhằm ghi chép, nhắc nhở các bạn học sinh không đi cổng sau nữa, do đây là cổng ra vào dành cho giáo viên, đã phân luồng từ trước đó.
Vị nữ hiệu trưởng cho biết, nhà trường không hề bắt buộc các em cúi đầu chào khi có ôtô ra vào. Học sinh cờ đỏ thấy khách hoặc thầy cô thì các em cúi chào theo phép lịch sự bình thường, chứ không bị ai bắt buộc.
"Học sinh cờ đỏ thấy khách, thầy cô thì các bạn ấy cúi chào. Khi các em chào thì thầy cô cũng hạ kính chào lại chứ không phải cúi chào cái ôtô đâu", báo Người lao động dẫn lời bà Trần Thị Phương Lan.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THCS Trần Mai Ninh, sau khi nhận được có nhiều ý kiến thì nhà trường cũng đã thấy việc phân công đội cờ đỏ đứng túc trực ở cổng sau và cúi chào như vậy có phần chưa hợp lý, dễ gây hiểu lầm. Trong khi trên thực tế, các em đứng đó chỉ để nhắc nhở các bạn học sinh không đi theo cổng này.
Ông Hoàng Tuấn Công nói gì về vụ việc?
Bà Trần Thị Phương Lan cũng đã đến gặp người đăng tải clip là ông Hoàng Tuấn Công để giải thích với nội dung cơ bản như trên, đồng thời đề nghị ông Công gỡ các clip trên mạng.
Ông Hoàng Tuấn Công sau đó đã có bài viết đăng tải trên trang Facebook* cá nhân để nói thêm về điều này.
“Về phần mình, tôi đã bác đi cách giải thích chuyện "cúi chào ôtô" của bà Hiệu trưởng. Và tuy chưa thấy cách giải thích này lọt tai, nhưng xét tinh thần cầu thị và theo đề xuất của bà Hiệu trưởng, tôi xin tạm đóng bài viết cùng 04 clip đăng tối qua”, ông Công viết.
Báo Lao động dẫn lời ông Công cho rằng, việc học sinh cúi chào thầy cô giáo hay bậc trưởng thượng vốn là một cử chỉ thể hiện sự lễ phép thông thường, không có gì phải bàn cãi.
Tuy nhiên, hình ảnh học sinh phải cúi chào thầy cô ngồi trong ôtô khi xe vẫn đang lưu thông, khiến người ta liên tưởng tới sự cúc cung phục tùng của kẻ dưới với bề trên, khác xa với văn hóa người Việt, do đó là một hành động phản cảm.
Chưa kể, việc "cúi chào xe ôtô" này lại diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt, tạo hình ảnh tương phản rất khó coi khi học sinh vốn còn nhỏ tuổi nhưng phải phong phanh đứng giữa trời gió rét. Nó đối lập với việc thầy cô giáo ngồi trong ôtô sang trọng, đóng kín cửa, từ đó sẽ gợi lên sự vô cảm, lạnh lùng và không có tình yêu thương ngay nơi cổng trường học.
*Hoạt động meta (mạng xã hội Facebook, Instagram) bị cấm ở Nga vì bị xem là cực đoan.