Khó xảy ra
Theo quan niệm ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, việc sinh con năm Rồng sẽ đem lại may mắn và thịnh vượng. Vì vậy, những năm Rồng trước, như vào năm 2012, năm 2000, tỉ lệ sinh ở Việt Nam thường tăng đột biến. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Bách - Nguyên vụ trưởng vụ pháp chế thanh tra Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình, điều này có thể thay đổi trong năm Giáp Thìn 2024. Một trong số những lý do được cho là áp lực về kinh tế.
“Việc đổ xô sinh con vào những năm đẹp (theo quan niệm xưa) khó xảy ra. Bởi nhận thức về việc sinh nở đã tăng cao, chưa kể đến áp lực công việc kinh tế, chi phí sinh đẻ, nuôi dưỡng,... tác động rất nhiều đến tư tưởng mong muốn sinh con của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, tôi cho rằng, xét về mặt dân số học có thể sẽ có biến động nhất định, nhưng chắc chắn sẽ không lớn”, ông Nguyễn Đình Bách trao đổi lý do với Sputnik.
Hiện nay, việc sinh đủ 2 con, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con đang là một áp lực không nhỏ trong cuộc sống, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP HCM. Điển hình, thành phố này đang đứng trong số các tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước.
Mức sinh thấp có tác động trực tiếp và sâu sắc tới cơ cấu dân số, gây suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng mạnh đến quá trình di cư và gia tăng nhanh quá trình già hóa dân số, dẫn đến suy giảm quy mô dân số. Đồng thời, mức sinh thấp cũng ảnh hưởng sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Nếu tăng, sẽ là tín hiệu mừng
Dân số Việt Nam đang trong giai đoạn mức sinh thay thế. Nói với Sputnik, Nguyên vụ trưởng vụ pháp chế thanh tra Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Đình Bách cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nên khuyến khích sinh đủ hai con. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, mức sinh tại Việt Nam không đồng đều.
Cụ thể, một số khu vực kinh tế phát triển có mức sinh giảm chỉ đạt 1,4-1,5 con. Thậm chí, hiện nay đang có xu hướng giảm. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.
Có thể thấy, vấn đề dân số Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là mức sinh chênh lệch giữa các tỉnh, thành. Đất nước hơn 100 triệu dân đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích sinh. Ví dụ, như khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh con sớm; bãi bỏ chính sách sinh ít con, khuyến khích sinh đủ 2 con.
Đặc biệt, một số địa phương có mức sinh thấp được hỗ trợ sinh con, nuôi dạy con… Hay gần đây nhất, như trong dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2.
Trước vấn đề đặt ra: nếu trong năm Rồng tỷ lệ sinh tăng, ông Bách cho rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc dân số. Nhất là về quan niệm năm đẹp, năm xấu nằm ở tâm lý người Kinh nhiều hơn, chứ không nằm người dân tộc thiểu số.
“Hiện nay, tỷ lệ sinh nhiều mà Việt Nam muốn giảm nằm ở vùng cao, tức là giảm ở những nơi có mức sinh cao và tăng ở những nơi có mức sinh thấp, như những vùng đồng bằng, vùng kinh tế phát triển. Mà những nơi này đa số là người Kinh. Bởi vậy, nếu tập trung tăng sinh đột biến ở thành phố, những nơi có mức sinh đang giảm, sẽ không có vấn đề gì. Thậm chí, có thể nói, đây là tín hiệu mừng”, ông Bách phân tích.
Theo chuyên gia, vấn đề chính hiện nay là chất lượng dân số, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sau sinh, sinh đủ hai con, thực hiện chăm sóc sức khỏe cho thai nhi và bà mẹ. Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con.
Với những chính sách dân số sát với thực tế, được triển khai kịp thời sẽ mang đến một cơ hội tuyệt vời cho thế hệ mới, một thế hệ lao động mới đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.